Trồng màu trái vụ thu nhập khá
Ông Nguyễn Lập, nông dân thôn Kim Long cho biết: “Vụ trồng màu này thường diễn ra trong tiết trời nắng nóng, khô hạn nên vất vả lắm. Bù lại giá rau củ quả ở thời điểm này thường cao gấp nhiều lần so với chính vụ nên ai cũng cố gắng làm. Ví dụ như một quả dưa gang bình thường chỉ 2.000 đồng nhưng vào thời điểm trái vụ có thể lên đến 7.000 - 8.000 đồng, có khi không có để bán. Nói chung hoa màu trái vụ tuy năng suất khó bì với chính vụ nhưng giá trị lại cao hơn”.
Gia đình ông Lập canh tác hoa màu trái vụ với diện tích trên 7 sào, chủ yếu trồng dưa gang, dưa hấu, ớt. Theo tính toán của ông Lập, vụ này nếu mọi việc thuận lợi thì sẽ cho nguồn thu từ 7 - 9 triệu đồng/sào, trừ chi phí cũng còn lãi trên 5 triệu đồng/sào. Thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chỉ kéo dài trong khoảng hơn 2 tháng nên tỷ lệ rủi ro không cao.
Chỉ sợ nhất là nắng hạn quá lớn hoặc mưa trái mùa dài ngày. Với lại nông dân ở đây đã có kinh nghiệm canh tác hoa màu, nhất là trái vụ từ lâu đời, biết nắm bắt diễn biến của thời tiết nên việc xoay xở tưới tiêu, chăm bón cho hoa màu cũng kịp thời.
Ông Nguyễn Tý có 2 sào đất cát ở gần nhà cũng đã được phủ kín bằng những luống dưa, cà và ném xanh um. Trong số diện tích trên thì ông ưu tiên trồng ném. Ông Tý cho biết: “Trồng ném vụ này quả thật rất khó nhưng giá trị lại rất cao, bởi mùa này không nhiều người trồng ném thành công. Sào ném bình thường đã cho thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng/sào nhưng nếu vụ này mà thắng lợi thì chắc chắn sẽ lãi gấp đôi.
Cùng với cây ném, các loại dưa, cà và rau màu cũng cho nguồn thu nhập đáng kể. Ở Kim Long bây giờ, ai cũng cố gắng và chú trọng trồng màu vào vụ trái này để cải thiện thu nhập”.
Ông Nguyễn Lòng, một trong những lão nông đã có hơn chục năm kinh nghiệm trồng màu trên vùng cát, cho biết hiện nay việc canh tác hoa màu trái vụ đang là hướng đi mới của nhiều nông dân vùng cát. “Tuy nhiên, không phải ai cũng làm màu trái vụ thành công.
Bởi ngoài kinh nghiệm canh tác, thời tiết thì còn phụ thuộc rất nhiều vào vùng đất canh tác. Vùng đất trồng màu trái vụ phải có một lượng độ ẩm nhất định, hoặc vị trí phải nằm gần khu vực có nhiều cây bụi ẩm ướt mới canh tác được. Hoặc nếu không thì cũng phải chủ động được nguồn nước tưới. Nhưng đa số vùng cát trồng hoa màu xa khu dân cư nên chưa có điện kéo vào, bởi vậy canh tác hoa màu trái vụ ở vùng này sẽ dễ trắng tay”, ông Lòng phân tích.
Cũng nhờ diện tích đất canh tác khoảng 5 sào của ông nằm gần đê chắn cát của thôn, ít lo bị khô hạn nên việc trồng trọt của ông Lòng những năm qua thường diễn ra suôn sẻ. Vụ canh tác này, ông dành toàn bộ diện tích để trồng chủ yếu là dưa gang và dưa hấu. Do được chăm bón tốt nên đến thời điểm này, dưa gang của ông đã bắt đầu cho thu bói, bán được giá cao. “Ước tính toàn bộ hoa màu trái vụ này tôi thu lãi ít nhất cũng được gần 30 triệu đồng, gấp nhiều lần so với chính vụ”, ông Lòng tự tin cho biết.
Anh Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long cho biết, diện tích trồng hoa màu trái vụ này của nông dân trong thôn là khoảng 10 ha. Đây chủ yếu là những vùng đất cát thuận lợi về đường sá, chủ động được nước tưới và nằm tập trung.
“Tính ra diện tích canh tác trái vụ ít hơn chính vụ nhưng giá trị thu nhập có khi ngang bằng hoặc vượt. Bởi vậy địa phương chúng tôi luôn khuyến khích nông dân cố gắng cải tạo những vùng đất có thể canh tác trái vụ được thì đưa vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Hiện nhà nước đang triển khai đầu tư hệ thống điện lên vùng sản xuất màu tập trung ở vùng cát thôn Kim Long nên chắc chắn rằng, trong thời gian ngắn tới việc canh tác hoa màu trái vụ sẽ thuận lợi, diện tích sẽ được mở rộng qua đó giá trị thu nhập từ hoa màu trái vụ sẽ tăng lên nhiều”, anh Vũ cho biết thêm.
Related news
Bằng kinh nghiệm và biết áp dụng kỹ thuật mà nhiều nhà vườn ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã xử lý cam ra trái mùa nghịch, bán được giá ,tăng thu nhập cho gia đình.
Thanh long đang vào mùa chính vụ và giá liên tục giảm trong những ngày qua. Mặc dù người trồng chấp nhận bán giá thấp nhưng cũng không dễ tìm đầu ra. Bài toán nan giải về chuyện thanh long rớt giá vào mùa thu hoạch chính vụ lại được đặt ra cho ngành chức năng.
Theo số liệu của UBND tỉnh Vĩnh Long, đến nay người dân đã đốn bỏ 1.908ha nhãn nhiễm bệnh chổi rồng đã già cỗi, khó phục hồi để chuyển sang giống nhãn khác hoặc cây trồng khác.
Nắng nhiều, mưa ít, nhiệt độ quanh năm cao kết hợp với độ ẩm trong không khí thấp khiến Bình Thuận trở thành một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước. Thế nhưng một nghịch lý đang tồn tại, lượng nước tưới tiêu trong nông nghiệp ngày một giảm sút nhưng chính người nông dân lại đang phung phí nguồn nước quý hiếm bởi cách canh tác cây trồng chưa khoa học.
Với ưu thế dễ trồng, chịu hạn, ít sâu bệnh, thị trường đang thuận lợi… cây mít nghệ được huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) định hướng phát triển là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương.