Sắn Chảy Ngược Về VN
Việt Nam được coi là nước XK sắn với sản lượng lớn. Riêng tại Gia Lai, năm 2011, tổng sản lượng sắn lát XK đã đạt trên 98.697 tấn, trị giá 28,337 triệu USD. Thế nhưng sắn vẫn "chảy ngược” vào Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (đứng chân ở địa bàn huyện Đức Cơ, Gia Lai) thì từ đầu năm đến nay, đã có trên 76 ngàn tấn sắn từ Campuchia được nhập khẩu qua cửa khẩu.
Những ngày tháng 3 này, không khí tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nối liền biên giới Việt Nam- Campuchia nhộn nhịp hẳn lên. Hàng đoàn dài xe tải chở sắn từ Campuchia nối đuôi nhau qua cửa khẩu, tập kết thành một “chợ sắn” ngay tại khu vực bến xe cửa khẩu. Các thương lái Việt lẫn Campuchia đều tất bật với việc giao dịch giá cả, kiểm tra hàng hóa.
“Giá tốt, đường thuận lợi”- Đó là nhận xét của hầu hết các thương lái buôn sắn đến từ tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Anh Barang- một thương lái trẻ người Campuchia cho biết: Chỉ tính đường vận chuyển thôi cũng đã thấy lợi hơn. Bởi nếu vận chuyển hàng lên Phnông Pêng phải mất 700 km, trong khi từ Ratanakiri sang Việt Nam, qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chỉ mất 70 km (bằng 1/10 quãng đường) mà giá bán tại 2 nơi lại ngang nhau. Bên cạnh đó, nhờ những ưu đãi từ việc gia nhập WTO nên hàng nông sản qua cửa khẩu được miễn thuế, thủ tục hải quan đơn giản… rất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán với các thương lái Việt Nam.
Vừa loay hoay thay bánh xe ngay gần cửa khẩu, anh Via- một lái xe tải người Campuchia cho hay: “Đường qua cửa khẩu khá thuận lợi, xe cộ rất ít khi bị hư hỏng. Do đợt này nhiều hàng, giá cả thuận lợi, có lãi cao nên chạy nhiều, phải thay lốp cho an toàn”. Cũng theo anh Via, mỗi ngày chủ buôn của anh cho chạy khoảng 20 chuyến xe chở sắn sang Việt Nam bán cho các nhà thu mua tại cửa khẩu, xe của anh có trọng tải 45 tấn. Như vậy, nếu ai cũng chạy như anh Via thì mỗi xe chở sắn của người Campuchia cũng đã bán sang Việt Nam khoảng 900 tấn sắn/ngày.
Ngoài giá cả và đường vận chuyển thuận lợi thì còn một nguyên nhân khiến các thương lái ở tỉnh Ratanakiri thích sang Việt Nam buôn bán, đó là thương lái Việt nói được tiếng Campuchia hoặc bản thân họ cũng nói được chút ít tiếng Việt. Và cũng do sống khá gần nhau nên chuyện buôn bán qua lại giữa hai bên diễn ra thường xuyên. Nói khá lưu loát tiếng Campuchia, ông Bùi Tiến Ấn dường như quá quen thân với các thương lái người Campuchia. Vừa giao dịch buôn bán, ông vừa đảm nhiệm làm “phiên dịch viên” giúp chúng tôi trao đổi với các thương lái người Campuchia. Ông Ấn cho biết: “Cứ mùa nào thức nấy, hết sắn, điều lại đến đậu tương, đậu phụng, mè (vừng)… Buôn bán giữa hai bên diễn ra liên tục, hầu như quanh năm”. Cũng nhờ sự giao thương liên tục đó mà sự giao lưu giữa 2 đất nước cũng diễn ra nhanh hơn. Khá nhiều người Campuchia ở gần cửa khẩu sáng sáng lại qua Việt Nam đi chợ mua thực phẩm, đồ ăn và nhiều người Việt cũng thường xuyên qua Campuchia làm ăn, buôn bán hoặc thu mua nông sản, kết nối thâm tình…
Bà Nguyễn Thị Hoa- một thương lái nông sản, nhà ở tận xã Bầu Cạn (huyện Chư Prông, Gia Lai) lên Cửa khẩu buôn bán 2 năm nay, cho hay: “Mỗi ngày tôi chỉ mua sắn của thương lái Campuchia từ 1- 2 xe, mỗi xe khoảng 30 tấn sắn, sau đó bán lại cho các thương lái khác người Việt Nam ngay tại cửa khẩu để “ăn” chênh lệch, mỗi tấn sắn lãi khoảng 20.000 đồng. Những thương lái này tiếp tục vận chuyển xuống Quy Nhơn bán lại để xuất khẩu”. Còn Nhà ký điểm Quang Sang, ông Bùi Tiến Ấn thì cho biết: “Bình quân mỗi ngày cơ sở thu mua khoảng 300- 400 tấn sắn, sau đó lại bán cho các đầu mối khác”.
Hiện có gần chục điểm thu mua nông sản tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Hơn nữa, Rattanakiri lại là một tỉnh có tiềm năng lớn về các mặt hàng nông sản nên việc giao thương buôn bán cũng diễn ra liên tục. Chỉ riêng mặt hàng sắn thôi, ngày cao điểm nhập về Việt Nam lên tới vài ngàn tấn mỗi ngày. Nhờ thế, cơ hội làm ăn, buôn bán, đặc biệt là mặt hàng nông sản giữa 2 nước Việt Nam- Campuchia ngày càng mở rộng và phát triển.
Related news
Đời sống khó khăn, ngư lưới cụ phục vụ đi biển thiếu thốn, 84 hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thuộc diện di dời phục vụ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay vốn giải quyết việc làm.
Dù ngành nông nghiệp đã và đang ráo riết vào cuộc, nhưng việc dùng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Mặc dù nhiều địa phương đã “cán đích” xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Song để giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tạo “cú huých” để đưa xã nhà phát triển hơn nữa là vấn đề không hề đơn giản, vì nó chịu sự tác động từ rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Không những giữ vững cây chè bản địa mà những năm trở lại đây, huyện Minh Long đã có những chủ trương, chính sách phát triển diện tích chè; đồng thời có hướng đăng ký thương hiệu để cây chè Minh Long trở thành đặc sản của tỉnh nhà.
Kể từ khi khu tái định cư (TĐC) Đồng Sát, thôn Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) được xây dựng và đưa vào sử dụng cũng là lúc cánh đồng Đồng Sát – nằm ngay cạnh khu TĐC buộc phải bỏ hoang vì bị nhiễm mặn.