Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Pháp Thoát Nghèo Bền Vững Cho Người Nông Dân Ở Bá Thước

Giải Pháp Thoát Nghèo Bền Vững Cho Người Nông Dân Ở Bá Thước
Publish date: Tuesday. June 25th, 2013

Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có diện tích đất tự nhiên 77.500 ha, chủ yếu là rừng và đất rừng, chỉ có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích đất đều có độ dốc lớn, việc canh tác và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng nghìn hộ dân trong việc phát triển kinh tế.

Nhằm bảo đảm lương thực cho nhân dân, từ năm 2007, mô hình canh tác bền vững trên đất dốc thuộc Dự án “Quản lý khu vực đầu nguồn có sự tham gia của cộng đồng” do Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ đã được triển khai tại 7 xã: Ban Công, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Nội, Lương Trung, Thành Lâm và Lũng Niêm, với diện tích 19,3 ha, ưu tiên cho các hộ nghèo tham gia. Trong quá trình triển khai, ban quản lý dự án đã tiến hành khảo sát hiện trạng, xác định diện tích sử dụng đất dốc; chuyển giao kỹ thuật canh tác; tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện mô hình.

Các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật canh tác trên đất dốc, được hỗ trợ con giống, phân bón, thuốc trừ sâu, xây dựng mương đồng mức, xây dựng bậc thang kết hợp trồng cây phòng hộ như keo tai tượng, keo dậu, cỏ ghine để làm hàng rào, làm băng xanh hạn chế xói mòn đất và giữ nguồn nước tưới trên các sườn dốc...

Với các cây trồng chính là lạc L14, ngô CP 919, đậu tương, tổng chi phí cho 1 ha đất dốc là hơn 8 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ gần 3/4 số vốn. Ngoài ra, dự án còn xây dựng 1 đập thủy lợi ở thôn Man, xã Hạ Trung trị giá gần 800 triệu đồng và 1 đập thủy lợi gần 1,5 tỷ đồng ở thôn Ben, xã Lương Nội, bảo đảm đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp hai vụ và phục vụ nước sinh hoạt của nhiều hộ dân.

Ban Công là một trong 7 xã thực hiện dự án với 50 hộ gia đình tham gia, diện tích 5 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Nghìa. Là xã thiếu đất sản xuất nông nghiệp, bình quân chỉ có 205-210m2/khẩu, trong khi đó, bà con chủ yếu canh tác truyền thống, không bón phân, không bảo vệ đất nên năng suất cây trồng rất thấp, cao nhất chỉ đạt 10-12 tạ/ha.

Những năm gần đây, do canh tác đúng kỹ thuật nên năng suất cây ngô, cây lạc tăng lên 20 tạ/ha. Ông Vi Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Ban Công, cho biết: “Việc liên kết giữa thủy lợi, trồng rừng, trồng cây ngắn ngày trên đất dốc được thực hiện đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con dân bản.

Từ truyền thống canh tác cũ, lạc hậu, nay bà con đã biết thâm canh liên tục, không để ngắt quãng mùa vụ nên năng suất cây trồng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, thông qua mô hình đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Sau khi nhận thấy lợi ích từ mô hình, cùng với biện pháp kỹ thuật không quá khó, chúng tôi đã nhân rộng ra 4 thôn trong xã với diện tích lên tới hàng trăm ha, góp phần nâng cao đời sống cho bà con địa phương”.

Bà Lương Thị Mai, thôn Nghìa, xã Ban Công - một trong những hộ tham gia dự án, phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có gần 1.000m2 đất dốc, canh tác nhiều năm rồi nhưng hiệu quả bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Từ ngày tham gia hình thức sản xuất mới, có cán bộ chỉ cho cách làm nên hiệu quả trồng lạc, ngô tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, cùng diện tích đó, chúng tôi còn trồng thêm cỏ ghine để chăn nuôi, nhờ đó gia đình đã đủ ăn, không còn lo đói nữa”.

Trong quá trình canh tác, bà con đã biết tận dụng nguyên liệu tại chỗ từ các loại cây trồng để sản xuất hàng trăm tấn phân hữu cơ vi sinh bổ sung thêm chất hữu cơ, mùn và các yếu tố vi lượng, giữ độ ẩm, độ màu mỡ cho đất, bảo đảm canh tác được lâu dài.

Việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh cũng đã hạn chế được sâu bệnh, năng suất cây trồng tăng cao hơn so với trước đây. Trong đó, năng suất đậu tương bình quân đạt 100 kg/sào/vụ, lạc đạt 150 kg/sào/vụ và ngô đạt 250 kg/sào/vụ. Mặt khác, cây trồng phòng hộ là cỏ ghine còn là nguồn thức ăn cho phát triển chăn nuôi trâu, bò, đặc biệt là nuôi dê, hạn chế được thả rông gia súc.

Ông Lê Trung Lương, phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bá Thước, chia sẻ: Trước đây, khi chưa xây dựng mô hình, người nông dân thường canh tác trong vòng 5-7 năm, thậm chí là ngắn hơn thì đất đã bạc màu phải bỏ đi canh tác ở mảnh nương khác.

Do đó, huyện xác định giúp đồng bào biết cách canh tác lâu dài trên đất dốc là biện pháp tích cực nhất để chấm dứt tình trạng du canh, nâng cao thu nhập. Đến nay, sau khi dự án kết thúc bà con nông dân trong huyện đã canh tác ổn định trên diện tích hàng nghìn ha đất dốc, góp phần giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ, hạn chế tình trạng đốt rừng làm nương rẫy.


Related news

Nhiều mô hình canh tác, sản xuất đạt hiệu quả cao Nhiều mô hình canh tác, sản xuất đạt hiệu quả cao

Ngày 11.11, UBND huyện Quế Sơn tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp và các chương trình phát triển nông thôn năm 2015.

Sunday. November 15th, 2015
Năng suất lúa bình quân ở Phú Ninh đạt 58,35 tạ/ha Năng suất lúa bình quân ở Phú Ninh đạt 58,35 tạ/ha

Chiều 10.11, UBND huyện Phú Ninh tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2015, triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2016 và kỷ niệm 70 Ngày truyền thống ngành NN&PTNT Việt Nam.

Sunday. November 15th, 2015
Xây dựng nền tảng tam nông Xây dựng nền tảng tam nông

Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Nam đã có bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng vào việc ổn định và nâng cao đời sống nông thôn, nông dân.

Sunday. November 15th, 2015
Nuôi ếch mang lại thu nhập cao Nuôi ếch mang lại thu nhập cao

Hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đã phát triển mô hình nuôi ếch nhưng với vốn đầu tư thấp dễ nuôi, mang lại thu nhập cao.

Sunday. November 15th, 2015
Toàn tỉnh thả nuôi được 2.665ha thủy sản Toàn tỉnh thả nuôi được 2.665ha thủy sản

Theo Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Phú Yên thả nuôi được 2.665ha thủy sản các loại, trong đó tôm sú 268ha, tôm thẻ 1.797ha, cá các loại 307ha, thủy sản khác 293ha.

Sunday. November 15th, 2015