Quy Hoạch Đồng Bộ Ngành Hàng Cá Tra

Sáng 5/2, Hội thảo Tái cấu trúc ngành hàng cá tra gắn với Tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL diễn ra tại Đồng Tháp.
Hội thảo do UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Hiệp hội Cá tra Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành vùng ĐBSCL và các DN, SX kinh doanh ngành hàng cá tra tổ chức.
Theo thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, sản phẩm cá tra Việt Nam đã XK sang gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, diện tích hiện nay khoảng 6.000 ha, giá trị XK năm 2014 đạt 1,76 tỷ USD, tăng 0,4% so với năm 2013.
Trong đó, giá trị XK sang những thị trường trọng điểm là Mỹ và EU đều giảm nhưng giá trị XK ở một số thị trường khác như Trung Quốc, Hồng Kông, Colombia, Mexico tăng. Qua đó cho thấy cơ cấu thị trường xuất khẩu có sự thay đổi và xu hướng phân khúc sang thị trường mới nổi.
Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong 5 năm gần đây, ngành cá tra liên tục có dấu hiệu đi xuống. Các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị cá tra đều gặp khó khăn. Có khoảng 80% DN hoạt động trong lĩnh vực cá tra đang trong “tình trạng khó khăn”; người nuôi và DN bi quan và không còn mặn mà với con cá tra.
Sản phẩm cá tra Việt Nam lâu nay được xem là độc quyền “một mình một chợ” trên thị trường thế giới nhưng đang đối mặt với nhiều thách thức, cạnh tranh do nội bộ các DN Việt Nam gây nên. Thị trường tiêu thụ chính đang giảm, các rào cản thương mại ngày càng tăng từ các thị trường lớn và khó khăn xuất phát từ sự cạnh tranh không lành mạnh của chính DN, người nuôi làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu cá tra XK.
Đây được xem như là hệ quả tất yếu tích tụ từ quá trình phát triển “nóng”. Để giải quyết khó khăn trên, tái cấu trúc ngành cá tra là việc làm cấp bách trong năm nay.
Theo ông Lê Vĩnh Tân, cá tra là một trong những sản phẩm quốc gia nên tái cấu trúc và phát triển bền vững ngành đòi hỏi quyết tâm và sự tham gia đồng bộ của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, sự đồng tình của Hiệp hội và cộng đồng DN.
Tái cấu trúc và phát triển bền vững ngành hàng này cần phải được thực hiện đồng bộ từ quy hoạch, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ, nhằm khai thác tối đa các lợi thế, đồng thời thiết lập được chuỗi giá trị bền vững của ngành.
Ông Võ Hùng Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, mục tiêu của tái cấu trúc ngành cá tra là cải thiện chất lượng, xây dựng hình ảnh mới cho ngành cá tra, lành mạnh hóa tài chính DN, gia tăng khả năng tiếp cận vốn trong toàn chuỗi, gia tăng độ sâu mỗi thị trường, xây dựng kênh phân phối để mở rộng thị trường XK.
"Tái cấu trúc ngành cá tra sẽ tập trung vào các lĩnh vực như: tái cấu trúc thị trường; tái cấu trúc về sản phẩm, chất lượng sản phẩm; tái cấu trúc về tài chính DN; tái cấu trúc về quản trị DN", ông Võ Hùng Dũng – Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam.
Đồng Tháp là địa phương có sản lượng SX cá tra đứng đầu các tỉnh ĐBSCL và chiếm khoảng 35% tổng sản lượng của vùng và gần 30% kim ngạch XK cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, ngành cá tra của tỉnh không nằm ngoài khó khăn chung của ngành. Do đó, Đồng Tháp xác định tái cấu trúc ngành cá tra là vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế tỉnh.
Để ngành cá tra trong tỉnh cũng như khu vực phát triển bền vững, ông Phan Kim Sa – PGĐ Sở Công thương Đồng Tháp cho rằng: Cần có sự phối hợp quản lý, điều hành chặt chẽ giữa các tỉnh trong việc liên kết SX, chế biến XK, hình thành mạng lưới hoạt động SX, kinh doanh của các DN XK cá tra.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác nắm bắt thông tin thị trường, quảng bá sản phẩm và đẩy mạnh kiểm tra giám sát SX theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo chất lượng để nâng cao uy tín, vị thế và xây dựng thương hiệu cho cá tra.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), việc tái cấu trúc ngành hàng cá tra, trước tiên phải nâng cao chất lượng cá tra giống, ứng dụng công nghệ nuôi. Vì đây là khâu rất quan trọng và quyết định lợi nhuận ban đầu. Song song đó, bản thân DN cũng phải “tái cấu trúc” để nâng cao năng lực về tài chính, chiến lược kinh doanh. Làm được điều đó, Nhà nước cần có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN và những chính sách, quy định của cơ quan quản lý phải thông thoáng hơn.
Bên cạnh chia sẻ những khó khăn mà DN SX và chế biến cá tra gặp phải thời gian qua, ông Dương Quốc Xuân – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, tái cấu trúc ngành cá tra là nội dung nằm trong đề án liên kết vùng để tiêu thụ 3 sản phẩm chủ lực của ĐBSCL gồm: lúa gạo, tôm cá và trái cây.
Do đó, các địa phương trong vùng phải có sự liên kết, rà soát lại diện tích nuôi trồng, cơ sở chế biến, tổ chức xúc tiến thương mại và đánh giá đúng thực trạng để có kế hoạch tái cấu trúc ngành phù hợp. Đối với DN, trước hết phải tự “vượt qua chính mình” và cùng địa phương quyết tâm đưa ngành cá tra ngày càng phát triển bền vững.
Related news

Thời gian qua, nghề khai thác thủy sản ven bờ bằng các phương tiện nhỏ phát triển quá mức, mang tính tận diệt… làm nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị cạn kiệt. Trước thực trạng đó, nhiều tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ đã được xây dựng tại huyện Tuy An (Phú Yên) nhằm góp phần bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.

Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản trên ruộng lúa được hơn 1.303ha, đạt gần 35% kế hoạch. Trong đó, cá - ruộng 1.299ha, tôm càng xanh - ruộng 4,4ha, tập trung ở các huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Sáu tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL ước đạt 5.795 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, quý I và II, ngành nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do XK giảm, nắng nóng kéo dài gây dịch bệnh lên cá, đồng thời giá cá không ổn định khiến người nuôi cân nhắc kỹ hơn trước mỗi vụ nuôi. Do đó diện tích nuôi cá tra của một số địa phương có xu hướng giảm như: Hậu Giang (giảm 24,2%), Tiền Giang (giảm 26%), Bến Tre (giảm 23,9%).

Đó là câu chuyện thoát nghèo, làm giàu của anh Huỳnh Văn Tám ở ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Anh Tám là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo được khen thưởng cấp tỉnh năm 2014. Từ một hộ nông dân diện nghèo, sau nhiều năm cần mẫn lao động, áp dụng kỹ thuật canh tác, nay anh đã có cơ ngơi ổn định và cuộc sống khá sung túc.