Quảng Ngãi Ngổn Ngang Vụ Mới
Vụ đông xuân vừa kết thúc, vụ hè thu đã bắt đầu. Dù biết đây là cách giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán khi lúa trổ và mưa bão lúc thu hoạch, nhưng việc sản xuất gối đầu như thế khiến nông dân không khỏi âu lo…
“Tôi nghe nói ngày 15.5 tới sẽ xuống giống. Nhưng đến giờ, nước Thạch Nham chưa về, mà ruộng thì đang xanh gốc rạ. Đã thế, lúa giống tôi cũng chưa mua được, còn phân bón lại nghe đâu tăng giá”, lão nông Nguyễn Tấn Tường ngụ thôn 2, xã Đức Nhuận (Mộ Đức - Quảng Ngãi) băn khoăn bảo.
Từ chất lượng giống…
Chỉ còn một tuần nữa là các trà lúa bắt đầu xuống giống. Thế nên hiện giờ các đơn vị sản xuất cung ứng lúa giống đều hối hả, tất bật với việc phơi sấy, đóng gói để kịp tung ra thị trường, phục vụ nông dân.
Tại Trạm giống cây trồng vật nuôi Đức Hiệp, thuộc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Ngãi (Trung tâm) những ngày này cả người và máy móc đều làm việc hết công suất. Khẩn trương phân loại, phơi sấy đến đóng gói bao bì, chuyển giống cho các đại lý, Hợp tác xã (HTX)... thế nhưng Phó giám đốc Trung tâm Đỗ Đức Sáu vẫn thấp thỏm lo “giống đến tay nông dân muộn”.
Lý do, vụ đông xuân vừa rồi gặt rộ nên lượng giống về Trung tâm dồn dập; trong khi lịch gieo sạ bắt đầu sớm. Vậy nên để đảm bảo cung ứng hơn 849 tấn lúa giống siêu nguyên chủng và nguyên chủng của các loại ĐV108, ĐH815-6, ĐH99-81, HT1, ML48, TH6, QNT1, OM4568, OM8923… Trung tâm phải huy động tất cả lực lượng làm việc cả ngày lẫn đêm.
Trái với cảnh hối hả của Trung tâm là sự phập phồng, lo lắng của nông dân khi mà giá giống tăng 500 - 1.000 đồng/kg, nhưng chất lượng thì chưa biết như thế nào. Bởi “tôi nghe nói giống vụ này là lúa vừa gặt, không biết sạ lại liền nó có chịu mọc mầm”, bà Trần Thị Lộc, ngụ thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung (Bình Sơn) băn khoăn.
Lo lắng trên không phải không có cơ sở, khi mà đầu vụ đông xuân 2013 - 2014, bà Lộc là một trong những hộ rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì giống nảy mầm với tỷ lệ quá thấp, thậm chí “ngủ đông” do “chưa đủ thời gian ngủ nghỉ”.
Trong khi đó, lúa giống phục vụ sản xuất vụ hè thu thu hoạch từ vụ đông xuân vừa rồi đến lúc sạ chỉ được “ngủ” có 20 - 25 ngày, nên ngay Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Trần Công Hiệp cũng băn khoăn. Đó là “sạ sớm, mà giống lại ngủ nghỉ ít nên nếu không có biện pháp xử lý, rất dễ tái diễn tình trạng… giống không mọc rễ”, ông Hiệp chia sẻ.
…đến phân bón, vật tư nông nghiệp
Cùng với giống, phân bón, vật tư cũng khiến ngành nông nghiệp lẫn nông dân đau đầu khi mà hiện giờ đang nóng về chuyện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đã thế, phân NPK các loại tăng hơn 60.000 đồng/bao loại 50kg khiến nông dân chới với dù Urê, Kali, lân giảm giá. Vì nói như lão nông Nguyễn Tấn Tường thì: “Giảm ở đâu chứ nông dân chúng tôi đâu có được hưởng. Cứ loại nào giảm, đại lý bán giá cũ. Còn loại nào tăng, họ cũng tăng”.
Chia sẻ khó khăn này với nông dân, nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp đã thực hiện chương trình “mua trước trả sau” thông qua kênh Hội nông dân và HTX. Đơn cử như Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông lâm nghiệp Quảng Ngãi (Công ty). Theo đó, giai đoạn 1 vụ hè thu này Công ty cung ứng 2.000 tấn Urê, 1.500 tấn NPK, 500 tấn Kali, 2.000 tấn phân lân và 5 tỷ đồng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Lượng hàng này được công ty nhập từ các đơn vị sản xuất uy tín trong nước như: Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang, Vipesco (thuốc sát trùng Việt Nam) hay Nông Dược 2… nhằm “đảm bảo chất lượng sản phẩm” như lời khẳng định của Giám đốc Công ty CP vật tư kỹ thuật nông lâm nghiệp Quảng Ngãi Ngô Đình Nhung. Ngoài ra, để giúp nông dân tránh mua hàng “dỏm” giá cao, Công ty cũng đã niêm yết công khai danh mục, xuất xứ và giá bán các loại sản phẩm phân bón, vật tư tại 6 cửa hàng ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi.
Có điều, Công ty chỉ quản lý sản phẩm ở 6 cửa hàng chính thức của mình; còn 400 cửa hàng, đại lý bán lẻ thì… nằm ngoài danh sách! Lý do, các điểm này bán hàng của “đa công ty” nên mạnh ai nấy làm. Nghĩa là hàng tốt cũng bán, mà loại dỏm cũng thừa. Thế mới có chuyện thuốc đã bị Bộ NN&PTNT cấm lưu hành như Furadan vẫn tồn tại ở các cửa hàng bán lẻ.
Chia sẻ vấn đề này, ông Ngô Đình Nhung cho rằng: “Nếu ngành chức năng không có biện pháp xử lý mạnh thì nông dân vẫn còn tiếp tục bị thua thiệt. Vì họ rất khó nhận biết thậm chí không thể phân biệt được hàng tốt, hàng dỏm trừ khi đã một lần bị…thiệt hại”. Vì vậy nên cứ đầu vụ sản xuất, nông dân đi mua phân, thuốc BVTV mà cứ thấp thỏm, phập phồng lo vớ phải loại “dùng hoài cỏ không chết, sâu không hết”. Và vụ hè thu này cũng không phải ngoại lệ.
Related news
Thay vì đàn gà sẽ được lùa vào chuồng nuôi để ngủ sau một ngày thả rông trên đồi núi, thì cuối ngày gà lần lượt nhảy lên các cành cây thấp trong vườn nhà và ngủ đến sáng. Với phương pháp chăn nuôi kiểu mới này, đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng cao xã Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai), bởi chất lượng thịt ngon, thu hút nhiều khách hàng đến mua với giá từ 120.000 -150.000 đồng/kg.
Thời gian qua, hiện tượng “vàng đầu” trên cam sành ngày càng diễn biến phức tạp. Từ đó đã gây hoang mang, lo lắng cho không ít nhà vườn ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Bởi loại bệnh này chưa xác định rõ nguyên nhân và chưa có thuốc khống chế hữu hiệu.
Nhiều nhà vườn kêu trời vì giá xoài hiện đang giảm mạnh. Tại chợ Vĩnh Long, xoài đổ đống giá chỉ vài ngàn đồng/kg, tại các chợ huyện Long Hồ, Mang Thít nhiều loại xoài giá chỉ từ 5.000- 10.000 đ/kg. Theo các thương lái, xoài đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng chỉ tiêu thụ nội địa nên thị trường “ăn không hết”.
Một số doanh nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đã dư sức sản xuất những giống lúa thơm chất lượng cao để làm ra gạo trị giá 600 - 800 USD/tấn.
Thay vì sản xuất tự phát, manh mún, nhiều hộ nuôi tôm ở xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định đã tập hợp lại thành CLB Nuôi trồng thủy sản 2, để các thành viên liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm hạn chế thấp nhất rủi roi...