Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản

Quan tâm đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản
Publish date: Monday. May 25th, 2015

Thời gian gần đây, một số cơ sở chế biến nông, thủy sản trong tỉnh đã đầu tư công nghệ, trang thiết bị, hoàn thiện sản phẩm chất lượng cao thay thế cho việc sơ chế, xuất bán nông sản thô như trước. Đây là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi trồng, đánh bắt nông, thủy sản. Đồng thời là biện pháp tiêu thụ nông sản tốt nhất trong điều kiện hiện nay.

Thời gian gần đây, bên cạnh những sản phẩm truyền thống kẹo sìu châu (TP Nam Định), nước mắm Giao Châu (Giao Thủy), bánh đa làng Phượng (Nam Trực)… người tiêu dùng trong cả nước quen dần với một số sản phẩm qua chế biến của Nam Định như chả cá, chả mực, cá khô Hùng Vương, xã Giao Hải (Giao Thủy); cá nướng, bề bề rang muối, cáy mật Dũng Oanh (Nam Trực); các loại rau quả: su hào, cà rốt, củ cải sấy khô (Hải Hậu); ngô, khoai tây, khoai lang, dứa, mít, hạt sen, hạt điều sấy khô Minh Dương; giò 7 phút, chân giò muối Việt Hương (TP Nam Định), nghêu sạch lenger… Theo ước tính của những chuyên gia kinh tế thì mỗi sản phẩm hàng hóa chế biến từ nguồn nông sản tại chỗ do địa phương sản xuất đã góp phần ổn định sản xuất và nâng lãi suất lên 300% so với việc bán nguyên liệu thô.

Do đó chỉ từ năm 2013 đến nay, tỉnh ta đã có thêm hàng chục sản phẩm nông nghiệp chế biến mới xuất bán ra thị trường, là nỗ lực đáng kể của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với định hướng lấy sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp địa phương. Việc làm này không chỉ làm phong phú thêm thị trường nông sản chế biến của tỉnh mà còn giải quyết đầu ra cho sản phẩm cũng như kích thích nông nghiệp hàng hóa phát triển. Khởi nghiệp từ năm 2008, Cty TNHH một thành viên Minh Dương đã chọn hướng kinh doanh nông sản sấy khô bởi nhận thấy nhu cầu của thị trường đối với nông sản sấy khô chất lượng ngày càng cao. Qua thời gian tìm tòi nghiên cứu, thực hiện nhiều thử nghiệm, cuối năm 2012, Cty cho xuất xưởng các sản phẩm ngô nếp tươi, mít, hạt sen, khoai lang sấy chất lượng cao mang thương hiệu Minh Dương.

Cty đang tiếp tục đầu tư các loại máy móc hiện đại gồm: xưởng cấp đông, sấy chân không với dầu ăn, quay ly tâm tách dầu, đóng gói... thực hiện khép kín từ khâu sơ chế nông sản đến hoàn thiện sản phẩm. Với công nghệ sản xuất tiên tiến, kỹ thuật lựa chọn cây trái khắt khe nên các sản phẩm trái cây sấy khô của Cty đều mang nét đặc trưng là luôn giữ được màu sắc và hương vị nguyên bản của nông sản và không dùng hóa chất bảo quản gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nên đã nhanh chóng chinh phục được khẩu vị của thực khách so với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường. Liên tục cải tiến và hoàn thiện sản phẩm để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn, Cty TNHH một thành viên Minh Dương đang từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Hiện tại sản phẩm của Cty đã trở thành món quà quen thuộc của người dân trong tỉnh và có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn trên cả nước với mức giá phù hợp với người tiêu dùng. Bên cạnh nhóm hàng nông sản sấy khô, năm 2014, Cty Thủy sản Lenger Việt Nam xây dựng nhà máy tại CCN An Xá (TP Nam Định) và đưa ra thị trường sản phẩm nghêu sạch Lenger. Từ nguồn nguyên liệu tại địa phương, sản phẩm được Cty đưa vào dây chuyền công nghệ làm sạch nghêu do các nhà khoa học và chuyên gia công nghệ thuộc Tập đoàn Lenger Seafoods (Hà Lan) nghiên cứu, gồm các công đoạn xử lý làm sạch nước, loại bỏ các loại khuẩn, tạp chất trên bề mặt vỏ, trong nội tạng mà còn cải thiện một phần vị mặn chát vốn có trong thịt nghêu biển làm cho thịt nghêu trở nên ngon và ngọt hơn. Sau khi xử lý bằng công nghệ làm sạch, nghêu được bổ sung dưỡng khí và đóng trong các hộp nhựa PP dùng cho thực phẩm để có thể tươi sống trong nhiều ngày ở môi trường có nhiệt độ từ 4-8oC.

Với cách bảo quản tiên tiến đó, sản phẩm nghêu sạch Lenger đã có mặt ở hầu hết các cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch, các siêu thị ở các tỉnh, thành phố trong toàn quốc và đặc biệt thích hợp với những thực đơn yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và độ an toàn cao dành cho khách nước ngoài và các vận động viên trước khi bước vào thi đấu. Bên cạnh những Cty mới với sản phẩm mới, các doanh nghiệp chế biến trong các làng nghề truyền thống cũng chủ động đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Cty TNHH một thành viên Hùng Vương xã Giao Hải (Giao Thủy) đã đầu tư vốn cho đội thuyền của địa phương hoạt động để chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ; lắp đặt trạm biến áp công suất 250kVA, 3 lò sấy điện công suất 1 tạ cá/mẻ, 2 kho lạnh công suất 100 tấn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm từ sứa, cá mai… cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hằng năm, Cty sản xuất từ 20-22 tấn cá mai khô, chế biến khoảng trên 1.000 tấn sứa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động địa phương. Đến nay, ngoài việc chế biến cá mai, cá cơm khô, Cty đã chào bán ra thị trường nhiều sản phẩm mới như chả cá, sứa ăn liền. Trong đó sản phẩm chả cá nhận giải thưởng “Thương hiệu vàng thực phẩm Việt Nam” và được tiêu thụ mạnh tại siêu thị, nhà hàng, các bếp ăn tập thể.

Sản phẩm giò 7 phút, giăm bông, chân giò muối Hương Việt… của Cty CP Đầu tư Nam Phát (TP Nam Định) chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại kết hợp với công thức pha chế truyền thống đã tạo nên sản phẩm tiện dụng, chất lượng cao. Đặc biệt sản phẩm giò 7 phút Hương Việt còn đặc biệt thu hút khách hàng bởi cách cung ứng sản phẩm độc đáo. Theo đó ngoài những đơn hàng đặt trước, khách hàng luôn được phục vụ giò nóng ngay tại chỗ và có thể mang giò sống về nhà chế biến theo hướng dẫn của nhà hàng để luôn được thưởng thức sản phẩm vào thời điểm ngon nhất.

Chế biến nông sản được xem là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết đầu ra và nâng cao giá trị của nông sản. Đây là hướng đi đúng thể hiện sự năng động, mạnh dạn tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những nỗ lực đó, các doanh nghiệp chế biến nông sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất như thiếu địa điểm, vốn đầu tư và nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất.

Một vài doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại khu vực nông thôn còn gặp thêm khó khăn do nguồn điện không ổn định dẫn đến thiệt hại đáng kể khi mất điện trong lúc đang vận hành lò sấy nông sản… Những khó khăn này rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, cộng đồng nhân dân khu vực đặt cơ sở chế biến và sự hợp tác của bà con nông dân vùng nguyên liệu sản xuất.


Related news

Đồng Ý Xuất Khẩu 100 - 150 Nghìn Tấn Đường Đồng Ý Xuất Khẩu 100 - 150 Nghìn Tấn Đường

Bộ NN-PTNT vừa đồng ý với kiến nghị xuất khẩu đường của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Tuy nhiên, theo công văn gửi Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT chỉ đồng ý cho xuất khẩu 100 - 150 nghìn tấn so với đề xuất 250 nghìn tấn của Hiệp hội.

Wednesday. February 22nd, 2012
Hành Tây Giá Rẻ Mạt Hành Tây Giá Rẻ Mạt

Vụ đông xuân năm 2011, bà con nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) trồng trên 450 ha hành tây giống 320 của Nhật Bản và giống hành P/S của Mỹ.

Thursday. February 23rd, 2012
Quỳnh Lưu Thắng Lớn Vụ Tôm Quỳnh Lưu Thắng Lớn Vụ Tôm

Vụ tôm 2011, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An thả nuôi 847 ha, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng 650 ha. Năm nay, Quỳnh Lưu trúng đậm tôm thẻ chân trắng (4.500 tấn), tôm thương phẩm cũng được giá cao. Năng suất bình quân trên ao thực nuôi 10 tấn/ha/vụ, cá biệt có hàng chục hộ đạt năng suất 20 đến 24 tấn/ha/vụ

Wednesday. August 3rd, 2011
Quảng Ngãi Ra Mắt Quỹ Hỗ Trợ Ngư Dân Quảng Ngãi Ra Mắt Quỹ Hỗ Trợ Ngư Dân

Chiều ngày 11/8/2011, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ ra mắt Quỹ Hỗ trợ ngư dân. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập quỹ này để chia sẻ khó khăn cho ngư dân khi gặp rủi ro, tai nạn trên biển

Monday. August 15th, 2011
Giàu Lên Nhờ Nuôi Ếch Thái Lan Giàu Lên Nhờ Nuôi Ếch Thái Lan

Với số vốn ban đầu 5 triệu đồng, anh Bùi Thanh Dương, 34 tuổi, ở thôn 12, xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông - Đắk Lắk) đã làm giàu nhờ kiên trì theo đuổi mô hình nuôi ếch Thái Lan

Friday. April 15th, 2011