Hiệu quả từ vùng quy hoạch cây ăn trái
Ông Lê Huy Cường - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: Năm 2008, UBND huyện quy hoạch vùng trồng cây ăn trái chủ lực đến năm 2010 gồm chôm chôm, sầu riêng, măng cụt và bưởi da xanh. 4 loại cây ăn trái chủ lực này được quy hoạch ở 2 vùng chính: phía Đông, từ xã Hưng Khánh Trung (nay là xã Hưng Khánh Trung B) đến xã Hòa Nghĩa, là vùng trồng sầu riêng và măng cụt; phía Tây, từ xã Long Thới đến xã Phú Phụng, là vùng trồng chôm chôm và bưởi da xanh. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng và thương hiệu trái cây của huyện.
Tập trung phát triển sản xuất
Hiện diện tích cây ăn trái của huyện khoảng 5.200ha. Năm 2000, sản lượng cây ăn trái đứng đầu ở Chợ Lách là nhãn với gần 35 ngàn tấn/năm, hiện nay giảm còn khoảng 19 ngàn tấn/năm. Ngược lại, chôm chôm đã lên ngôi với sản lượng gần 46 ngàn tấn/năm. Kể từ khi có quy hoạch vùng cây ăn trái chủ lực từ năm 2010, Phú Phụng tập trung phát triển mạnh chôm chôm.
Toàn xã hiện có 601ha chôm chôm (chôm chôm Java, chôm chôm nhãn, chôm chôm Thái) đang cho trái. Phú Phụng có 8 tổ hợp tác với 110ha chôm chôm, được nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Riêng Tổ hợp tác chôm chôm Phụng Đức B của xã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, có 23,4ha với 36 hộ tham gia. Ông Trần Hoàng Sở ở ấp Phụng Đức B cho biết: “Do nằm trong vùng quy hoạch cây ăn trái chủ lực nên tôi mạnh dạn áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP. 3 công chôm chôm của tôi có năng suất khoảng 3 tấn/công. Hàng năm, tôi bán với giá từ 20 - 33 ngàn đồng/kg.
Do nắm được quy luật giá chôm chôm lên xuống hàng năm nên tôi xiết nước, xử lý ra hoa nghịch vụ cho chôm chôm kết trái từ tháng 9 (âl) năm trước đến tháng 3 (âl) năm sau. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP nên chôm chôm của tôi giá luôn cao hơn chôm chôm của các hộ trồng không theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP”.
Nói về chôm chôm trong vùng quy hoạch của huyện, bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, xã Sơn Định cho hay: “Để xuất khoảng 300 tấn chôm chôm/năm đi Mỹ và thị trường châu Âu, công ty nhờ hơn 100ha chôm chôm được nhà vườn Chợ Lách sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Công ty đang chuẩn bị mở thị trường trái cây tại New Zealand để tăng cường tiêu thụ chôm chôm của Chợ Lách, nhưng chôm chôm phải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP”.
Không những chôm chôm được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP mà sầu riêng cũng được chăm sóc theo tiêu chuẩn này. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Khánh Trung B cho biết: Hiện nay, xã có 24ha sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Lê Huy Cường - Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, toàn huyện hiện có hơn 500ha bưởi, tập trung ở Hòa Nghĩa và Sơn Định. Ông Lê Văn Hoa là người trồng bưởi nổi tiếng ở Sơn Định được Ban tổ chức Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp năm 2014 tại Indonesia mời sang chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi với chủ đề “Con đường thành công để xây dựng thương hiệu trái cây mang tầm quốc gia”.
Gia đình ông Hoa có 5 công bưởi, vừa bán trái, vừa bán cây bưởi giống, mỗi năm thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Xã Hòa Nghĩa, 5 năm qua, phát triển diện tích bưởi khá nhiều, chủ yếu là bưởi da xanh với tổng diện tích gần 55ha, trong đó cho trái gần 50ha.
Lựa chọn cây trồng phù hợp
Không bắt buộc người dân tuân theo quy hoạch một cách “máy móc”, bởi cây ăn trái còn tùy thuộc thổ nhưỡng và lợi nhuận. Hiện tại, diện tích bưởi da xanh và măng cụt ở xã Hòa Nghĩa giảm dần, thay vào đó là sầu riêng, chôm chôm. Nhiều năm gần đây, bưởi da xanh bị sâu hồng đục trái, khiến bưởi giảm năng suất, giảm sản lượng. Măng cụt thì 1 năm có trái nhưng 2 - 3 năm giảm trái.
Từ đó, nông dân Hòa Nghĩa từng bước chuyển sang trồng sầu riêng và chôm chôm làm cây chủ lực. Xã hiện có gần 166ha sầu riêng, gần 310ha chôm chôm. Ông Nguyễn Văn Sang ở ấp Định Bình, xã Hòa Nghĩa đang trồng 7 công chôm chôm, đã từng bước áp dụng tiêu chuẩn VietGAP.
Hộ ông Huỳnh Văn Nghiệp ở ấp Hòa Thạnh đang trồng 7 công sầu riêng, gồm 2 giống: Ri6 và Monthoong. Theo ông Phạm Hồng Sơn - Chủ tịch UBND xã Hòa Nghĩa, nhờ nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mà hiện nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29 triệu đồng/năm.
Xã Long Thới có tổng diện tích cây ăn trái gần 1.400ha, trong đó có gần 283ha trồng măng cụt. Người dân cũng từng bước bỏ măng cụt để trồng chôm chôm. Ông Trương Văn Phúc - Chủ tịch UBND xã Long Thới cho biết: Trồng măng cụt thì rất khỏe nhưng thu nhập không cao, vì trái dễ bị xì mủ, vào mùa mưa giá lại rẻ. Cây măng cụt còn thấp thì ít trái, cây cao quá mới cho trái nhiều nhưng thu hoạch vất vả.
Hơn nữa, hiện nay, thanh niên trong độ tuổi lao động ở nông thôn đi làm thuê ở thành thị gần hết, chỉ còn trẻ em, trung niên, người già ở nhà nên trồng cây măng cụt không phù hợp. Từ đó, diện tích trồng sầu riêng tăng dần trên 163ha, chôm chôm trên 450ha.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Chợ Lách lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Quốc Bảo nhấn mạnh: Phải tổng kết đánh giá mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nhân rộng; chú trọng sản xuất trái cây theo hướng sạch, ngon, an toàn, bền vững, kiểm soát được việc sử dụng thuốc trừ sâu.
Bước đầu sẽ gặp khó trong sản xuất nên cần phải kiên trì, kiên quyết có mô hình thuyết phục, hướng dẫn cho nông dân thực hiện. Về lâu dài, đây là một trong những vấn đề có tính sống còn của tỉnh nhà nói chung và Chợ Lách nói riêng.
Qua đó, mới tham gia hội nhập và cạnh tranh trên lĩnh vực nông nghiệp. Sắp tới đây, trái cây Thái Lan vào Việt Nam, với chất lượng cao và an toàn. Do đó, huyện phải tập trung sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP để đảm bảo tính bền vững mới mong cạnh tranh với trái cây nước ngoài.
Tại Lễ hội Cây trái ngon, an toàn huyện Chợ Lách lần thứ XV năm 2015, PGS.TS Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam cho biết: “Đối với cây ăn trái mang tính chủ lực, nhà vườn Chợ Lách nên trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP. Có như thế, trái cây của Chợ Lách mới mong phát triển bền vững và giữ thương hiệu lâu dài trên thị trường trong và ngoài nước”.
Related news
Trong khi nhiều nơi trong cả nước nuôi tôm thẻ chân trắng không hiệu quả, thì tại tỉnh Khánh Hòa, có những vùng nuôi tôm cho kết quả ngoài mong đợi nhờ áp dụng quy trình nuôi hiện đại.
Thời gian qua, ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa liên tiếp được hưởng niềm vui được mùa, được giá; trong khi đó, chi phí chuyến đi giảm nên ngư dân thu lãi khá. Điều này đã khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển.
Chiều 13-10, Tập đoàn Việt Úc (TP.Hồ Chí Minh), một doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam trong ngành sản xuất tôm giống - đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về dự án đầu tư khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã An Phước (huyện Nhơn Trạch).
Nuôi tôm trên cát một thời đã mở ra hướng làm giàu mới đối với các hộ gia đình ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh - Quảng Bình). Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, người nuôi tôm trên cát ở địa bàn xã Hải Ninh đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ nặng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi.