Phải giải độc cây chè
Cần một cuộc cách mạng đồng bộ
Cty chè Phú Đa (thị trấn Lò Vàng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) là một trong những DN tiên phong kiên quyết đấu tranh với vấn nạn chè bẩn và họ tương đối thành công.
Ông Nguyễn Văn Liệu, TGĐ Cty chè Phú Đa nói rằng, ngành chè Việt Nam có quá nhiều bài học, phải trả giá vì yếu tố ATVSTP.
Việc sử dụng tràn lan, bừa bãi, không đúng cách đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu chè Việt rồi, nếu muốn thay đổi thì không có con đường nào khác ngoài việc đương đầu và có những biện pháp thực sự quyết liệt.
Giải pháp thứ nhất, theo ông Liệu, cần phải cực kỳ quyết liệt, gắt gao với các đại lý kinh doanh thuốc BVTV bát nháo và thực trạng kinh doanh thuốc kém chất lượng đang ngày đêm tìm đủ mọi cách tuồn thuốc vào các vùng chè nguyên liệu.
“Đặc thù của cây chè là phải sử dụng thuốc BVTV, thậm chí là sử dụng khá nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ thị trường thuốc BVTV hiện nay không ai có thể kiểm soát được. Chúng ta vẫn có bộ máy quản lý thuốc BVTV, có các cơ quan ban ngành liên quan đến việc kinh doanh sử dụng thuốc BVTV, nhưng xin lỗi, họ đã làm gì? Quyền lực của họ đến đâu?
Thực trạng bát nháo quá rõ rồi, điều cần thiết là kiểm tra, xử lý thì gần như bị thả nổi. Không thể phủ nhận, thực trạng sử dụng thuốc BVTV trên cây chè bừa bãi trước hết là do người dân, nhưng mấu chốt cần phải có biện pháp mạnh với các đại lý kinh doanh thuốc BVTV trôi nổi. Bởi thực tế chỉ ra rằng, hầu hết người dân đều là nạn nhân của những ông chủ đại lý mưu mô, hám lợi”, ông Liệu phân tích.
Cty chè Phú Đa có hơn 1.400 ha vùng nguyên liệu, chủ yếu hoạt động theo mô hình liên kết giữa công ty với các hộ dân.
Nếu nói về xuất phát điểm thì Phú Đa không khác gì nhiều so với các DN sản xuất kinh doanh chè đang ngắc ngoải khác ở vùng miền núi phía Bắc. Cũng từng bị hạn chế về vùng nguyên liệu, từng chịu ảnh hưởng nặng nề của thực trạng sử dụng thuốc BVTV độc hại, từng bị nạn chè vàng, chè bẩn tung hoành…
Bình quân mỗi hộ dân ở đây sở hữu khoảng 1,3 ha chè nằm rải rác ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập và Tam Nông. Vấn nạn chè bẩn những năm 2007 từng khiến Cty chè Phú Đa đóng cửa tất cả các nhà xưởng, chỉ chờ phá sản.
Giữa lằn ranh sinh tử, những lãnh đạo công ty như ông Liệu ngộ ra rằng: Muốn tồn tại phải chiến đấu với thực trạng sử dụng thuốc BVTV bừa bãi. Sau nhiều năm kiên quyết đấu tranh, bây giờ Phú Đa là một trong những DN sản xuất kinh doanh chè sạch nhất khu vực miền núi phía Bắc.
Xác định nút thắt bóp nghẹt chất lượng chè nằm ở khâu người dân sử dụng thuốc BVTV, Cty chè Phú Đa thực hiện mô hình liên kết với các hộ trồng chè, chịu trách nhiệm đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV cho nông dân, đổi lại người dân phải sản xuất chè nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật mà cán bộ trong Cty hướng dẫn. Mỗi một vụ chè, Cty luôn cộng thêm 1 ngàn đồng/kg phí cam kết, hỗ trợ lẫn nhau. Số tiền chênh lệch này chẳng khác gì “phí lót tay” để người dân thực hiện sản xuất chè đúng quy trình, đảm bảo ATVSTP.
Nhưng chỉ tuyên truyền thôi không đủ. Lợi nhuận quá lớn từ việc kinh doanh thuốc BVTV bát nháo trên cây chè khiến các chủ đại lý kinh doanh bất chấp các thủ đoạn tuồn thuốc kém chất lượng vào vùng chè nguyên liệu. Thực trạng khiến Cty chè Phú Đa phải sử dụng biện pháp mạnh: Tịch thu đồi chè và kỷ luật thật nặng cán bộ tiếp tay.
Ông Liệu kể, năm ngoái cũng là giai đoạn hết sức sóng gió. Vào vụ, một số chủ đại lý cung ứng thuốc BVTV đánh từng xe thuốc đi gửi tất cả các đội trưởng đội sản xuất với giá cực kỳ rẻ mạt.
Trong khi, để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, các đồi chè buộc phải đầu tư thuốc sinh học nhập khẩu, theo quy trình nghiêm ngặt với giá thành khá cao thì những xe thuốc của các chủ đại lý mang đi rải có giá chưa đến 1/10. Một số ông đội trưởng hám lợi chấp nhận tuồn thuốc BVTV độc hại vào cho dân sử dụng để ăn tiền chênh lệch. Sau khi phát hiện, Cty chè phú Đa buộc phải tịch thu và cách ly các đồi chè sử dụng thuốc BVTV không an toàn.
“Lợi nhuận quá lớn nên chủ các đại lý kinh doanh bất chấp thủ đoạn. Nếu không cẩn thận thì cả những đơn vị làm ăn đàng hoàng cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Liệu phân tích.
Từ vụ năm nay, vùng chè nguyên liệu của Cty Phú Đa được kiểm soát vô cùng chặt chẽ. Cty thử kiểm tra bằng việc bí mật dò hỏi các đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn có tuồn được gói thuốc nào vào các đội sản xuất không? Họ khẳng định, dù rất muốn nhưng không có cách nào.
Khác với cách đối đầu trực tiếp với các đại lý kinh doanh thuốc BVTV của Cty Phú Đa, Cty CP chè Liên Sơn (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) lại chọn phương thức tổ chức các lớp học cho nông dân trồng chè, hỗ trợ họ đối đầu với thực trạng kinh doanh thuốc BVTV trôi nổi.
Ông Phan Văn An, Giám đốc Cty chè Liên Sơn nói rằng: Thị trường tiêu thụ ngày càng khắt khe, không có con đường nào khác ngoài việc thay đổi nhận thức người trồng chè để họ có trách nhiệm hơn trong quá trình sản xuất.
Sau một thời gian nghiên cứu, Cty CP chè Liên Sơn quyết định phối hợp với Cục BVTV mở các lớp đào tạo nông dân sản xuất chè đúng quy trình, đảm bảo ATVSTP theo tiêu chuẩn GAP, HACCP. Tiêu chí sử dụng thuốc BVTV đúng cách được tôn lên thành mục tiêu hàng đầu. Bây giờ Liên Sơn đã có 283 hộ làm chè của doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận với diện tích 237 ha chè ở 5 đội sản xuất.
Những việc cần làm ngay
Song song với nỗ lực “tự bơi” của các DN, nhiều chuyên gia cho rằng, để “giải độc” cho cây chè, phải có chính sách để thay đổi.
TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) cho rằng vấn đề tiên quyết là cần phải giải quyết dứt điểm thực trạng chồng chéo giữa các nhà máy và vùng nguyên liệu. Cần có chính sách kịp thời hướng dẫn các địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu một cách minh bạch, rõ ràng.
Theo qui định, các DN muốn đặt nhà máy thì phải có vùng nguyên liệu đảm bảo nhưng thực tế các địa phương hoặc cấp phép bừa bãi, hoặc làm ngơ cho các DN đặt nhà máy nhưng không đảm bảo vùng nguyên liệu.
Ví dụ như huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), việc có đến 13 nhà máy chế biến đã dẫn đến thực trạng tranh chấp vùng nguyên liệu của nhau, thu mua nguyên liệu theo kiểu vơ bèo vạt tép. Nhiều ông ngồi ở Hà Nội nhưng vẫn đặt nhà máy ở đây rồi thuê người không có chuyên môn đứng ra quản lý.
"Một khi người nông dân có thể bán nguyên liệu cho bất cứ nhà máy nào thì họ cũng không cần quan tâm đến chất lượng nguyên liệu có đảm bảo quy trình hay không và ngược lại các nhà máy cũng không có cách gì để kiểm soát cả", TS Toàn phân tích.
Ngoài ra, theo ông Toàn, thực trạng "đem thuốc BVTV trên lúa để phun cho chè" cần phải loại bỏ ngay.
Box: TS Toàn đề xuất: Sau khi giải quyết được bài toán vùng nguyên liệu thì nên chăng cần lập các tổ BVTV dịch vụ ở những vùng chè nguyên liệu. Trang bị cho họ kiến thức, trình độ chuyên môn để họ vừa có thể giám sát vừa có thể hướng dẫn người dân thực hiện đúng qui trình sản xuất chè an toàn.
Related news
Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có tổng đàn heo khoảng 13.100 con. Sau thời gian dài heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33.000 - 34.000 đồng/kg, mấy ngày qua giá heo trên địa bàn huyện tăng trở lại, lên mức 37.000 - 38.000 đồng/kg (tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg). Mức giá này người chăn nuôi vẫn chưa có lời nhiều.
Một trong những bài học đắt giá cần được rút ra từ nạn thương lái Trung Quốc tranh mua nguồn tôm nguyên liệu vừa qua, đó là các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bỏ quên người nông dân; đồng thời vai trò của ngành quản lý chưa được phát huy. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gian thương và thương lái nước ngoài câu kết trục lợi.
Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.
Hiện nay tại xã Tân Lập I, huyện Tân Phước (Tiền Giang) có trên 22 hộ trồng gấc với diện tích là 3,5 ha, trong đó đã có 15 hộ cây gấc đã cho thu hoạch trái, số hộ còn lại mới vừa trồng loại cây này. Được biết hiện nay giá gấc đang được thương lái thu mua với giá khá cao, trọng lượng trái gấc từ 800 gram trở lên có giá 15.000 đồng/kg, còn nhẹ hơn thì dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, bà Trần Thoại Phương (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã học hỏi kinh nghiệm nuôi rắn mối. Từ nguồn lãi nuôi rắn mối, bà đầu tư mở thêm trại nuôi thỏ. Nhờ thế, mỗi tháng, trang trại của bà cho thu nhập hàng chục triệu đồng.