Bài học từ cây khoai môn
Diện tích tăng nhanh
Nguyên nhân giá khoai xuống thấp do diện tích trồng khoai phát triển quá nhanh và rộng khắp cả 3 miền Nam, Trung, Bắc. Đi kèm với đó là sản lượng cũng tỷ lệ thuận với diện tích trồng, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm thì các doanh nghiệp (DN) chưa đa dạng hóa kịp thời, mà phụ thuộc vào thị trường Đài Loan và Trung Quốc (TQ). Vì vậy, tình trạng cung nhiều hơn cầu đã xảy ra. Mặt khác, tình trạng “nhà nhà làm lái bán khoai” cũng làm giá khoai trên thị trường bị loạn, gây bất lợi cho nông dân.
Năm 2014, thương lái TQ đẩy giá khoai tại xã Vĩnh Hậu (An Phú) lên đến 14.000 đồng/kg, cá biệt có thời điểm giá mua tại ruộng 18.000 đồng/kg (giáp Tết) nên nhiều nông dân bỏ lúa trồng khoai. Ở ĐBSCL, trong 10 năm trước, 2 tỉnh có diện tích trồng khoai môn nhiều nhất là An Giang và Đồng Tháp thì nay các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh cũng đã bỏ lúa trồng khoai. Chẳng những vậy, các tỉnh miền Trung, miền Bắc cũng trồng khoai để xuất khẩu sang TQ. Khi TQ ngưng mua, giá khoai rơi vào tình trạng… 10.000 đồng/4kg.
“Năm 2014, ngoài việc mua khoai (củ cái) để giao hàng cho các DN đầu mối TP. Hồ Chí Minh thì vựa của tôi đã được các thương lái tại các tỉnh phía Bắc, miền Trung đặt hàng, cung cấp khoai giáo để bán cho nông dân ngoài ấy làm giống trồng. Bình quân mỗi tuần, tôi bán hàng chục tấn khoai giáo” – ông Cao Văn Minh, chủ vựa khoai môn Bé Tư (xã Hội An, Chợ Mới) nói.
5 năm trước, gia đình ông Cao Phú Giang (ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ An, Chợ Mới), chỉ trồng 2 công khoai môn. Dần về sau, khoai có giá nên ông còn đi thuê đất để trồng. Năm 2013 và 2014, giá khoai không bao giờ thấp hơn 14.000 đồng/kg. Nào ngờ, ngay sau Tết vừa rồi, thương lái TQ không mua hàng, giá khoai rơi tự do đã làm cho gia đình ông lâm vào tình cảnh khó khăn. “90% người trồng khoai đã thế chấp giấy tờ nhà, đất cho ngân hàng. Giá khoai như thế này thì khả năng mất đất là rất lớn” – ông Giang tâm sự.
Thị trường mở chậm
Năm 2015, kỳ vọng của Hiệp hội Rau quả Việt Nam là sẽ xuất khẩu rau, quả đạt 1,7 tỷ USD, tương đương kim ngạch xuất khẩu cá tra. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, khi mặt hàng khoai môn xuất chậm lại thì kỳ vọng này khó đạt được. Nhìn lại lịch sử thương mại 2 chiều giữa Việt Nam (VN) và TQ trên lĩnh vực nông sản trong những năm gần đây cho thấy, không phải năm nào hàng nông sản VN vào TQ cũng đều bán được một cách “trơn tru” như nhiều nông dân lầm tưởng.
Theo các chuyên gia, TQ đang hướng dần đến tự túc về nông sản. Năm nào TQ bị mất mùa thì họ mới mở rộng cửa khẩu giáp biên giới 2 nước để nhập hàng, khiến giá tăng và ngược lại. “Bài học về cây khoai môn đã chứng minh cho lối suy nghĩ của nông dân là “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”. Mặt khác, do đời sống khó khăn nên nông dân đã tự phát bằng cách thấy trồng cây gì bán có lời là đổ xô chạy theo nên tình trạng dư thừa, dội chợ là không tránh khỏi” – ông Trần Minh Ngươn, xã Vĩnh Hậu nói.
Những năm qua, khoai môn được các DN trong nước xuất đi phần lớn vào thị trường TQ và Đài Loan. Các thị trường khác như Nhật Bản, EU, Nga, Ucraina hay Trung Đông thì rất ít, trong khi nhu cầu rất lớn. Để các mặt hàng nông sản nói chung và khoai môn nói riêng tiêu thụ tốt, các cơ quan chức năng của tỉnh cần suy nghĩ những cách làm mới và hay hơn nữa khi thực hiện công tác xúc tiến thương mại. Cần tìm hiểu kỹ hơn các tiêu chuẩn chất lượng tại các thị trường nhiều tiềm năng để tổ chức cho dân trồng và tránh tình trạng “được mùa, mất giá” lâu nay.
“Các đoàn xúc tiến thương mại đa phần đi xúc tiến cho 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là cá tra và gạo, chứ chưa chú trọng xúc tiến cho cây khoai môn. Thứ hai, giá khoai từ ruộng đến người tiêu dùng chênh lệch quá lớn, lợi nhuận thương lái ăn hết. Khoai môn tại ruộng chỉ có 2.500 đồng/kg nhưng ở chợ Long xuyên, người tiêu dùng phải mua thấp nhất là 12.000 đồng/kg, cao nhất 22.000 đồng/kg. Như vậy, vai trò dẫn dắt, ổn định thị trường của các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xem lại” – ông Nguyễn Hoài Phương, người dân TP. Long Xuyên, bức xúc
Related news
Ngày 22-1, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Sở NN&PTNT Hậu Giang tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả 2 năm thực hiện dự án nghiên cứu ảnh hưởng biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Đồng bằng sông Cửu Long (CLUES) tại tỉnh Hậu Giang.
Về xã Lão Hộ trong một chiều mưa xuân, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi khác của khung cảnh làng xóm nơi đây. Con đường làng đất đỏ chạy dài xưa kia nay đã được bê tông hoá hoàn toàn, xung quanh là những toà nhà cao tầng khang trang.
Sau một thời gian tuột dốc, gần đây hành tím đã tăng giá trở lại, nông dân trồng hành đang mong có vụ mùa bội thu. Tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng - nơi có diện tích trồng hành tím lớn nhất ĐBSCL, giá hành tím thương phẩm thương lái thu mua đang ở mức 15.000 đồng/kg
Tuy không phải là “đại gia” về nhiều đất, nhiều mía nhưng thương lái buôn mía ở thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đều biết đến tiếng ông Lê Thanh Tân ở khu 7. Tiếng của ông không phải đất rộng, nhiều mía mà là lúc nào vườn mía của ông đứng đầu bởi cây mía to, đều, màu đẹp.
Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái (Ninh Thuận). Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.