Oxfam Kêu Gọi Thúc Đẩy Sinh Thái Nông Nghiệp
Trước tình trạng công nghiệp hóa nông nghiệp gây ra nhiều hậu quả về mặt môi trường cũng như bất công về thu nhập đối với nông dân nghèo, Oxfam kêu gọi chính phủ các nước đầu tư vào mô hình nông nghiệp bền vững, và đảm bảo ít tác động tới hệ sinh thái.
Lời kêu gọi này được gửi đến các nước thông qua một bản tóm lược chính sách toàn cầu được chính thức công bố vào ngày 28/04/2014.
Mô hình nông nghiệp sinh thái này, theo báo cáo, mang lại những lợi ích lâu bền về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Mô hình này hoàn toàn có thể thực hiện được với các chính sách đúng đắn và đầu tư hiệu quả, cũng như có thể mở rộng để tạo điều kiện cho các cộng đồng nông thôn quy mô nhỏ đảm bảo được an ninh lương thực.
Oxfam cũng lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ và hậu quả từ việc phát triển các trang trại lớn và sản xuất nông nghiệp theo quy mô công nghiệp. Những hậu quả này bao gồm:
(1) Làm cạn kiệt dinh dưỡng trong đất: Việc sử dụng các loại phân bón hóa học tổng hợp có thể giúp tăng năng suất, tuy nhiên lạm dụng phân hóa học hoặc sử dụng không đúng cách là nguyên nhân dẫn tới làm đất bị thoái hóa và gây ô nhiễm nguồn nước;
(2) Gây biến đổi khí hậu: Một số hoạt động chủ yếu của sản xuất nông nghiệp góp phần làm tăng hiệu ứng nhà kính như việc sử dụng nhiên liệu xăng dầu và phân bón trong sản xuất quy mô lớn dẫn đến việc mất đi các chất hữu cơ trong đất;
(3) Ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và tác hại cho sức khỏe con người: Việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu tổng hợp là mối đe doạ lớn đối với đa dạng sinh học, tác động đến đời sống của những nhóm dân cư nghèo nhất mà nguồn thức ăn và sinh kế phụ thuộc vào tự nhiên;
(4) Không đáp ứng được nhu cầu của nông dân nghèo: Đối với những hộ nông dân sản xuất nhỏ, giá các loại phân bón và thuốc trừ sâu quá cao so với giá thành sản phẩm nông nghiệp. Nhiều hộ nông dân phải vay mượn để mua phân bón và thuốc trừ sâu, đẩy họ vào tình trạng nợ nần và phụ thuộc, nhất là khi mất mùa.
Oxfam cũng giới thiệu một số các mô hình nông nghiệp sinh thái hiệu quả đã được áp dụng ở nhiều nước. Tại Việt Nam, trong những năm qua, Oxfam đã cùng với đối tác thực hiện thí điểm hai mô hình tiêu biểu là khoai tây trồng với phương pháp làm đất tối thiểu và hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI.
Ví dụ mô hình trồng lúa thâm canh cải tiến SRI có những điểm mấu chốt bao gồm bắt đầu với việc gieo giống thưa, và cấy mạ non hơn, trên đất ẩm, thay vì đất liên tục ngập nước. Kết quả là rễ lúa phát triển khỏe hơn, năng suất tăng cao hơn, trong khi lại giảm lượng nước tưới từ 25-50%.
Phương pháp trồng lúa này có thể giúp nông dân tiết kiệm tới 90% lượng hạt giống và thải ít khí mê-tan ra môi trường. Kết hợp giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất, nông dân có thể tăng thu nhập khoảng 4.2 – 6.3 triệu đồng/ha/vụ. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp, tính đến cuối năm 2013 Viêt Nam có 1,8 triệu nông dân, trên 70% là phụ nữ, ứng dụng SRI trên diện tích 366,951 ha lúa.
Việt Nam đã có những bước tiến đáng khích lệ về nông nghiệp trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nông dân sản xuất nhỏ tại các vùng nông thôn, dù đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, vẫn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, cả về các chính sách hỗ trợ, lẫn phương pháp canh tác.
“Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là, chúng ta không nên dồn toàn bộ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo phương thức công nghiệp bởi những hậu quả về môi trường, kinh tế và xã hội mà nó gây ra. Trong khi đó đầu tư vào nông nghiệp sinh thái tại Việt Nam sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững,” Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Trưởng Đại diện Oxfam nói.
Related news
Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cận kề, nhà vườn trồng cam sành, bưởi Năm Roi, dưa hấu,… đang tất bật chuẩn bị sản phẩm phục vụ thị trường trong niềm phấn khởi trúng mùa, được giá.
Cá mú nghệ, gà Đông Tảo đang là những đặc sản hút hàng của nông dân Khánh Hòa cung ứng trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 bởi sự độc đáo, mới lạ.
Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, ở các khu vực không nuôi bán thâm canh và thâm canh được nên nuôi kết hợp tôm sú với cua, hải sâm, hoặc cá rô phi, rong câu... Thời gian thả giống từ tháng 3-8, mật độ thả 5 - 10 con Post 15/m2, thả giống và thu hoạch theo phương thức đánh tỉa thả bù hoặc thu toàn bộ tùy thuộc vào từng mô hình thực hiện.
Những năm qua, tình hình nuôi thủy sản ở Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, một số mô hình hiệu quả nuôi thấp, không có lãi. Nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Đức Linh, Tánh Linh, một số ít nuôi ở Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, La Gi và Hàm Tân.
Để đạt mục tiêu tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá) năm 2014 là 17.300 tấn, trong đó khai thác 12.780 tấn, nuôi trồng 4.520 tấn, huyện Hoằng Hóa đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển.