Nuôi Sâu Super Worm Lợi Bất Cập Hại
Xuất phát từ lợi ích kinh tế, nên trong thời gian gần đây một số hộ dân ở ấp An Phú A (xã Long An- Long Hồ - Vĩnh Long) nuôi một loại sâu mà chính họ cũng chẳng biết đó là sâu gì. Vậy thực tế loại sâu này là sâu gì, có lợi ích hay tác hại như thế nào?
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, loại sâu mà các hộ dân ở ấp An Phú A, đang nuôi là sâu Super worm (tên khoa học gọi là Zaphobasmorio).
Đây là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chu kỳ sinh trưởng nhanh, chưa có tên trong danh sách nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy việc vận chuyển, nhân nuôi, buôn bán, phóng thích là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Thành- cán bộ nông nghiệp xã Long An cho biết thêm: “Vào tháng 2/2014, UBND xã phát hiện ấp An Phú A có 2 hộ nuôi sâu lạ, lúc đó chúng tôi chưa biết là sâu Super worm. Chúng tôi đã báo về Trạm Bảo vệ thực vật và đến tháng 4, trạm kết hợp với Chi cục xuống thì phát hiện đã có 4 hộ nuôi sâu.
Chúng tôi đã lập biên bản và cho 4 hộ cam kết tiêu thụ hết số lượng sâu này thì không nhân và phát tán thêm để chờ trên có hướng xử lý tiếp. Xã cũng yêu cầu trạm, Chi cục Bảo vệ thực vật và Cục Bảo vệ thực vật có hướng xử lý để bảo vệ môi trường”.
Cách đây 4 tháng, qua lời giới thiệu của người quen chị Trần Thị Thủy (ấp An Phú A) đã mua về 3kg sâu Super worm để nuôi. Chị Thủy cho biết, loại sâu này rất dễ nuôi, chu kỳ chuyển hóa từ nhộng thành sâu khá nhanh nên đến nay lượng sâu chị hiện đang nuôi đã có trên 400kg. Thức ăn để nuôi chúng cũng rất dễ kiếm, chỉ là các loại rau củ, cám, kể cả cá.
Chị giải thích lý do nuôi và thức ăn lựa chọn cho sâu: “Em cũng không biết sâu gì, người ta có nói con sâu gì đó em quên rồi. Nó ăn đủ thứ hết nhưng mà em cho ăn củ sắn không hà, tuần ăn 100kg. Bắt con này bỏ vô cái ống 2 tuần thành con sâu mẹ, cả tháng trời mới đẻ được. Thằng em nó nuôi mấy năm trời, nói không có gì đâu”.
Quan sát các hộ nuôi sâu Super worm ở xã Long An, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều không có chuồng trại, không có tường bao và lưới che. Họ nuôi ngay trong nhà ở của mình.
Sau khi thu hoạch sâu để bán cho các nhà hàng hoặc người nuôi chim, cá cảnh, người nuôi thường đổ phân và cám thừa ngay ra vườn để bón cho cây ăn trái. Đây là yếu tố tiềm ẩn để cho sâu tiếp tục phát triển và gây hại chính vườn cây của gia chủ, sau đó lây lan sang các vườn xung quanh. Bà Nguyễn Thị Dòi (ấp An Phú A), cho biết thêm:
“Mình mua con giống từ Củ Chi. Thằng cháu nó nói “thấy kiếm ăn được, thôi cô đem về nuôi”. Nó chỉ cách nhân giống nuôi 3 tháng mấy bán được vài chục ký. Chưa có đầu ra ổn định, tạm thời cho ăn cám. Còn rau cải xịt thuốc không, cho ăn sợ chết sâu. Ngày mua ký, nửa ký rau. Nó không bay được chỉ bò thôi, không đậy gì hết. Mình nuôi có xin ngoài xã, thằng em nói không sao, nó không phá, không bò, chị khỏi xin”.
Xoay quanh vấn đề này, ông Trần Minh Thành- Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ trả lời:
“Tới nay, có 4 hộ nuôi loại sâu ăn tạp này, chúng tôi có báo cho ngành chức năng. Sở Nông nghiệp- PTNT có Công văn số 174 chỉ đạo phòng kết hợp với đoàn thể tiếp tục vận động người dân không nuôi sâu nằm ngoài danh mục cho phép.
Bây giờ tiếp tục vận động ngưng, giảm phát tán nuôi trong hộ dân. Qua thực tế cho thấy cái con sâu này ăn tạp và phàm ăn, rau củ quả nó ăn được hết, kể cả cá chết nó cũng ăn luôn. Những người nuôi này chỉ vì lợi ích trước mắt, chưa nghĩ sâu xa về tác hại sau này thế nào. Nói chung với lượng ăn như thế, thức ăn đa dạng như thế, nó cũng là nguy cơ trong sản xuất nông nghiệp”.
Bài học nuôi ốc bươu vàng, rùa tai đỏ vẫn còn hiện hữu. Người dân đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà nuôi loại sâu này. Với đặc tính là loại sâu ăn tạp, khi phát tán ra môi trường thì không ai dám chắc sâu sẽ không gây tác hại.
Sâu Super worm là “loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super worm là vi phạm pháp luật. Điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2001 quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi gây hại tài nguyên thực vật, sức khỏe nhân dân, môi trường và hệ sinh thái”.
Theo cơ quan chuyên môn, Zophobas morio là một loài bọ cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae. Ấu trùng của chúng còn được gọi là sâu Super worm, có kích thước 50- 60cm. Trong thời gian gần đây, sâu Super worm được tiêu thụ nhiều bởi nó là nguồn thức ăn chính của các loài chim, cá cảnh, bò sát nhỏ... Hiện việc nhân nuôi loài sâu gạo này diễn ra ở nhiều nơi trong cả nước.
Related news
Tổng diện tích cao su của tỉnh Bình Phước hiện nay đã lên đến 225.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 126.632ha, năng suất bình quân đạt gần 2 tấn/ha. Với diện tích, năng suất và sản lượng mủ cao su hàng năm như thế, Bình Phước đang dẫn đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng mủ cao su.
Hơn 1.100 ha bãi triều nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa với sản lượng hàng năm khoảng hơn 15.000 tấn đã đem lại thu nhập cao cho nhiều ngư dân của tỉnh. Thế nhưng, từ đầu năm 2013 trở lại đây, đầu ra cho con ngao xuống thấp khiến cho nghề nuôi ngao gặp nhiều khó khăn.
Những chiếc tàu công suất 300 CV, sáng đi chiều về mỗi tàu đánh bắt từ 7-10 tấn cá nục, thậm chí có tàu đạt 10-15 tấn. Bình quân mỗi ngày có hơn 100 tấn cá nục suông cập bờ. Các ngư dân này chủ yếu đánh bắt ở ngư trường tỉnh Quảng Ngãi, cách bờ hơn 50 hải lý.
Đến nay tổng đàn bò trong huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) được 23.428 con, chiếm tỷ lệ 42,5% tổng đàn bò trong tỉnh, tỷ lệ bò lai sind đạt 87%. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho nông dân và tăng tỷ lệ trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết quả rõ nét nhất trên địa bàn huyện Tuy Đức là địa phương đã bước đầu quy hoạch, phân vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng khá bài bản, hợp lý.