Nuôi Ngan Địa Phương Ở Tiên Yên (Quảng Ninh)

Đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông trại, gia trại mang tính sản xuất hàng hoá ngày càng cao như: Mô hình nuôi ong lấy mật, nuôi vịt lấy trứng, gà Tiên Yên, ngan... Trong đó, khôi phục và phát triển việc nuôi ngan địa phương là một trong những mô hình tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Huyện Tiên Yên có diện tích mặt nước rộng, thích hợp cho phát triển chăn nuôi thuỷ cầm, thuỷ sản theo hướng chăn nuôi tập trung. Từ lâu, người dân trên địa bàn huyện đã tiến hành nuôi ngan địa phương (hay còn gọi là ngan Tiên Yên) khá hiệu quả.
Ngan Tiên Yên có đặc điểm thân hình tròn, gọn, trọng lượng lúc 5 tháng tuổi đạt 2,5-3kg/con. Thịt ngan Tiên Yên thơm ngon và có hương vị đặc biệt. Ngan địa phương ở đây được nuôi theo hình thức chăn thả, thức ăn chủ yếu là những sản phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương.
Ngan Tiên Yên có thịt ngon nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, thời gian qua, ngan Tiên Yên bán rất được giá (thời điểm cao nhất là 150.000 đồng/kg thịt hơi).
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, việc chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại. Đó là, số lượng đàn ngan giống địa phương hạn chế, trên địa bàn huyện hiện chưa có cơ sở sản xuất ngan giống; mô hình chăn nuôi còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm ngan địa phương còn hạn chế về số lượng, chưa tương xứng với thế mạnh của sản phẩm.
Đặc biệt là chưa xây dựng được quy trình chăn nuôi ngan địa phương một cách khoa học, người chăn nuôi vẫn dựa vào phương thức truyền thống.
Trong khi đó, mối liên kết 4 nhà, nhất là giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi trong việc cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự chặt chẽ. Vì vậy, sản xuất còn bấp bênh, thiếu tính bền vững... Để chủ động nguồn giống tốt cung cấp cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện, thì việc xây dựng mô hình sản xuất ngan địa phương một cách khoa học là hết sức cần thiết.
Chính vì vậy, từ năm 2013, UBND huyện Tiên Yên đã tiến hành xây dựng và triển khai Dự án “Sản xuất giống ngan địa phương tại huyện Tiên Yên”. Thời gian thực hiện từ tháng 10-2013 đến hết tháng 12-2015. Nhiệm vụ thực hiện dự án được giao cho Phòng NN&PTNT huyện đảm trách.
Trên cơ sở nghiên cứu điều kiện thực tiễn của các hộ chăn nuôi ngan trên địa bàn, Phòng NN&PTNT Tiên Yên đã chọn mô hình của gia đình ông Hà Văn Sơn ở Làng Nhội, xã Đông Hải để triển khai thí điểm. Mô hình được tiến hành trên diện tích 7.000m2 với quy mô 400 con giống.
Quá trình triển khai, cán bộ Phòng NN&PTNT thường xuyên bám sát thực địa, kiểm tra, ghi chép toàn bộ diễn tiến trưởng thành của đàn ngan sinh sản. Ông Hà Văn Sơn, chủ trang trại cho biết: Trước đây, chúng tôi chỉ nuôi ngan địa phương theo kỹ thuật truyền thống dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao. Mỗi khi xảy ra dịch bệnh, chúng tôi rất khó xử lý.
Nhưng từ khi triển khai Dự án đến nay, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ngan địa phương đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đàn ngan giống sinh trưởng ổn định, nhất là các thế hệ ngan con luôn được thuần chủng, chất lượng sản phẩm không ngừng được giữ vững ở các thế hệ kế tiếp...
Đồng chí Lý Văn Thắng, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Tiên Yên khẳng định: Sau một thời gian triển khai, đến nay, quy trình công nghệ nuôi ngan sinh sản và nuôi ngan thương phẩm đã được hoàn thiện với những đặc điểm chính là: Thiết kế chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát, xa nhà ở và theo hướng đông nam để có ánh sáng và độ thông thoáng tốt; thức ăn cho ngan sinh sản yêu cầu về protein thô từ 15-19%, năng lượng trao đổi từ 2.700 đến 3.000 kcal/kg thức ăn. Khẩu phần thức ăn cơ bản hàng ngày từ 0,04 đến 0,12 kg/con.
Quy trình về chăm sóc cũng được xây dựng chặt chẽ về vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, kiểm soát nội, ngoại ký sinh trùng... Nhờ thế, đến nay, đàn ngan trong Dự án đã phát triển rất tốt, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Các cơ quan chức năng đang đánh giá một cách tổng quát dự án để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện và tiến tới xây dựng thương hiệu ngan Tiên Yên. Khi mô hình này được ứng dụng đại trà sẽ là cơ hội mới để bà con nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ đồng đất quê hương mình...
Related news

Tháng 8/2012, Trạm Khuyến nông huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) triển khai mô hình “chăn nuôi gà thả vườn” với qui mô 1.000 con ở 6 xã với 20 hộ tham gia. Trong đó, xã Hàm Hiệp có 6 hộ tham gia. Mỗi hộ được cung ứng 50 con giống gà ta lai. Nhà nước hỗ trợ 100% tiền giống, tư vấn kỹ thuật và 50% thuốc thú y, thuốc sát trùng. Sau gần 3 tháng nuôi trọng lượng gà bình quân ở 20 hộ tham gia đạt 1,3 kg/con, tỉ lệ gà sống đạt 91,05%. Với giá thị trường hiện nay khoảng 82.500 đồng/kg, mỗi lứa nuôi 50 con gà, bà con lãi gần 1,6 triệu đồng.

Trong điều kiện con tôm cho thu nhập chưa thật sự ổn định, liên tục các năm qua, huyện Đầm Dơi tăng cường phát động bà con nhân dân tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau màu. Chủ trương này được người dân trong huyện đồng tình hưởng ứng khá tốt.

Sau khi thực hiện thành công dự án "Phát triển đàn cá tra bố mẹ hậu bị tốt" Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã phát tán 5.600 cá tra bố mẹ hậu bị có lý lịch rõ ràng, ngoại hình hoàn chỉnh, không đồng huyết, cận huyết cho 3 cơ sở sản xuất cá tra bột trong tỉnh và sẵn sàng cung cấp tiếp 4.000 con cho các cơ sở sản xuất cá tra bột có yêu cầu thay đổi đàn cá bố mẹ, nhằm tạo đàn cá bố mẹ hậu bị tốt để cung cấp con giống chất lượng cao cho ngư dân thả nuôi, góp phần hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm cá tra An Giang.

200/223 hộ dân ở thôn Gò Găng, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và. Những bè cá bồng bềnh trên sông nước, những cọc hàu cắm sâu vào lòng sông đã và đang đem lại cho người dân nơi đây cơ hội kiếm sống, nuôi con ăn học, xây nhà…

Vụ nuôi tôm gần đây, toàn huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 122 hộ nuôi tôm trên ruộng, với tổng diện tích 752,8 ha (giảm 55,2 ha so năm trước). Đến nay, hầu hết các hộ nuôi đã cơ bản thu hoạch dứt điểm, đạt tổng sản lượng hơn 903 tấn tôm càng xanh thương phẩm. Trong đó, có trên 560 tấn tôm thịt và 343 tấn tôm trứng.