Nuôi Bò Sữa Hướng Làm Giàu Của Nông Hộ Khmer Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)
Mỹ Xuyên là huyện có địa hình nhiều sông rạch, không xảy ra triều cường lũ lụt, có nguồn nước ngọt, nguồn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào rất thuận lợi cho nghề chăn nuôi bò, bò sữa. Trong những năm qua, từ dự án nâng cao đời sống nông thôn, phong trào chăn nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã phát triển mạnh tập trung ở các xã có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống như: Đại Tâm, Tham Đôn, thị trấn Mỹ Xuyên, Thạnh Quới... đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa nay được thoát nghèo vươn lên khá, giàu, thu nhập mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.
Anh Trần Quốc Quang, ngụ ấp Sô La 1, xã Tham Đôn tâm sự: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, căn nhà lợp lá lụp xụp chỉ đủ che mưa nắng, nhà không có ruộng nên phải đi làm thuê cắt mướn, sống thiếu trước hụt sau. Năm 2001, sau khi đi tập huấn kỹ thuật nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Dương, tôi được dự án nâng cao đời sống nông thôn cấp cho một con bò hậu bị sữa, sau gần hơn môt năm bò đẻ lứa đầu, thấy mô hình nuôi bò sữa có chiều hướng tốt, tôi mạnh dạn vay vốn từ ngân hàng chính sách 10 triệu đồng để mua thêm một con nữa. Đến nay, bò đã phát triển được 10 con, tôi bán đi 4 con đực để lấy tiền trả nợ, hiện tôi có 6 con bò, trong đó có 4 đang cho sữa bình quân từ 50 – 60 kg/ngày. Từ một nông dân nghèo, nhờ nuôi bò, đến nay gia đình anh Quang đã mua thêm đất đai sản xuất, chăn nuôi heo, xây được nhà mới và dư được 6 con bò trị giá gần 100 triệu đồng. Anh Sơn Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, với 50 lít sữa mỗi ngày bán 12.000đ/kg, gia đình anh Quang thu được 600 ngàn đồng mỗi ngày (chưa trừ chi phí), còn 6 con bò cái hiện có mỗi năm sinh 6 con bê, mỗi bò con bán từ 10 - 15 triệu đồng; như vậy, mỗi năm gia đình thu từ 100 triệu đồng.
Khác với anh Quang, gia đình chị Thạch Thị Phượng, ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm đã từng nuôi bò nhưng chỉ nuôi bò lai sind, sau khi được câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm xã chọn đi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa ở tỉnh Bình Dương, chị được dự án nâng cao đời sống nông thôn cấp cho một con bò sữa, sau đó chị được vay vốn mua thêm một con, nay bò đẻ thêm 7 con, chị bán 4 con đực để lấy tiền trả nợ, hiện trong chuồng có 6 con bò sữa, đang lấy sữa 4 con khoảng 50 kg/ngày, sau khi trừ tất cả chi phí, chị còn lời 3 triệu đồng/con/tháng. Chị Phượng cho biết, nhờ nuôi bò sữa mà gia đình chị có thu nhập ổn định mỗi ngày, nay chị đã trả xong nợ, sửa sang được nhà mới, mua sắm vật dụng trong gia đình; ngoài ra còn giúp tạo công ăn việc làm có thu nhập cho hai lao động trong xóm. Tôi hỏi chị có phải là người nuôi bò nhiều nhất xã? chị Phượng bảo trong xã này còn có hàng trăm gia đình có đàn bò từ mười đến mười mấy con như gia đình anh Quách Duy Thịnh, Liêu Khương, Châu Kiên... Mới đây, xã Đại Tâm đã nhận thêm 40 con bò sữa từ dự án xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cho hộ nghèo trong xã, nhằm giúp họ thoát nghèo.
Mỹ Xuyên hiện có trên 1.600 con bò sữa, tăng gấp 10 lần so với năm 2002, riêng xã Tham Đôn có trên 1.000 con (còn lại là xã Đại Tâm 500 con và thị trấn Mỹ Xuyên và xã Thạnh Phú là 100 con). Đồng chí Tăng Trung Bảo - Chủ tịch UBND xã Tham Đôn cho biết: "Tham Đôn là xã có nhiều sông rạch, có đồng cỏ và phụ phẩm nông nghiệp dồi dào cho nên rất thuận lợi cho việc chăn nuôi bò. Nghề chăn nuôi bò ít rủi ro và tốn ít chi phí trong việc chăm sóc. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xã chú trọng phát triển chăn nuôi, nhất là đàn bò sữa. Nhờ kết hợp chăn nuôi và trồng trọt nên có nhiều hộ trong xã được thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương xứ sở của mình".
Dự án nuôi bò sữa được triển khai từ năm 2002, nhằm giúp cho nông hộ Khmer nghèo có thêm việc làm nâng cao đời sống và thu hẹp diện hộ đói nghèo trong nông thôn. Để dự án thực hiện có hiệu quả, dự án đã xác định ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nông dân Khmer nghèo nhưng có sức lao động có nhu cầu chăn nuôi, có diện tích trồng cỏ, nhưng thiếu vốn, không có điều kiện để mua bò chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Để thực hiện tốt điều này cũng nhằm bảo đảm tính bền vững, dự án đã tổ chức cho các nhóm đối tượng đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi bò sữa ở các tỉnh như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An... Sau chuyến đi bà con nhận thấy nghề nuôi bò sữa cho thu nhập cao và ổn định mỗi ngày. Các tiểu dự án nuôi bò sữa đã được phê duyệt và dự án đã lần lượt cấp 477 bò sữa tập trung ở huyện Mỹ Xuyên và đến nay đã phát triển khá mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đào Đắc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: "Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp cho nhiều nông hộ trong huyện thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả, bởi mô hình sát hợp thực tế và điều kiện của các hộ nghèo, nhất là ở các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống". Có thể nói, mô hình chăn nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên là hướng đi đúng, đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cần được phát huy đầu tư thêm bằng hình thức trang trại chăn nuôi quy mô lớn để người dân vươn lên làm giàu bền vững ngày càng nhiều hơn.
Related news
Từng là một trong những xã khó khăn của huyện Tam Nông, nhưng những năm qua, với sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và nỗ lực của nhân dân, kinh tế - xã hội của xã Quang Húc đã có sự tăng trưởng khá.
Theo anh Nguyễn Văn Minh (43 tuổi), xóm 1, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, gần 1 tháng trở lại đây, cứ mỗi lần đi chăn trâu, thăm ruộng lúa, anh lại thấy một vài người phụ nữ đi theo nhóm 2-5 người, đeo túi, vợt, lội ruộng, vẫy nước bẩn để “nhử” đỉa. Họ bắt cả mấy kg đỉa bỏ vào túi vải. Nhóm người chủ yếu ở nơi khác đến.
Sáng 18/7, Ban quản lý dự án VAHIP Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết Dự án “Phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người và Dự phòng đại dịch ở Việt Nam".
Hạt chùm ngây 100.000 - 120.000 đồng/kg, lá non 50.000 - 60.000 đồng/kg, giống 15.000 đồng/cây, loài vốn chỉ làm hàng rào giờ có thể mang lại cho nông dân cả trăm triệu mỗi năm.
Thời điểm hiện nay, người dân ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch quả mác mật với nềm vui được mùa, được giá.