Phải Giữ Vùng Tôm – Lúa Mỹ Xuyên (Sóc Trăng)
Trước xu thế nông dân hướng đến nuôi tôm thẻ chân trắng và nâng cấp quy trình nuôi bán thâm canh tăng nhanh, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã tổ chức chuyến khảo sát vùng nuôi tôm trên địa bàn và nhất quán quan điểm chỉ đạo sản xuất vụ nuôi tôm năm 2014
Năm nay, diện tích cải tạo nâng cấp quy trình nuôi tôm từ quảng canh cải tiến lên bán công nghiệp ở Mỹ Xuyên tăng hơn 5.000 ha với mục tiêu nuôi tôm thẻ chân trắng. Xu thế này sẽ làm giảm diện tích canh tác lúa trên nền ao nuôi tôm, hệ thống điện đáp ứng cho các vùng nuôi sẽ quá tải, ảnh hưởng đến sinh hoạt ở hầu hết các xã vùng nuôi tôm trong huyện.
Như vậy khả năng thiếu điện, gây quá tải ở Mỹ Xuyên sẽ tái diễn như năm 2013 do diện tích nuôi tôm thẻ tăng cao. Nếu tính từ giữa tháng 11 -2013 đến nay thì Mỹ Xuyên đã thả giống trên 3.000 ha, trong đó nuôi tôm thẻ chân trắng trên 2.700 ha.
Ở vùng nuôi xã Ngọc Tố, bà con đã tự đầu tư 62 trạm hạ thế để nuôi tôm thẻ, các địa phương còn lại cũng đang gặp khó về điện sản xuất. Ông Lương Nghi Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố cho biết: “Về tình hình điện hiện nay là hết sức khó khăn, chúng tôi đang đề nghị đầu tư. Hiện nay nhân dân trong xã tự đầu tư 62 trạm, theo bà con đăng ký lắp trạm từ nay đến cuối vụ xã sẽ có hơn 80 trạm”.
Chỉ đạo sản xuất vùng nuôi tôm 2014, lãnh đạo UBND huyện nhấn mạnh: các địa phương phải nhất quán chủ trương về thời vụ, quy trình nuôi phải phù hợp với đặc điểm sinh thái, điều kiện nuôi ở những vùng có độ mặn thấp, hệ thống điện sản xuất chưa phù hợp và phát triển phải đảm bảo tính bền vững.
Huyện Mỹ Xuyên xây dựng lịch thời vụ thả giống bắt đầu từ 15/3 đến 30/6/2014 để đảm bảo điều kiện an toàn và khuyến cáo người nuôi phải hết sức thận trọng trong đầu tư nâng cấp quy trình và không thả giống liên tục.
Ông Trần Quốc Quang - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Do thời điểm này hiện có nhiều yếu tố thời tiết bất lợi, có khả năng khi thả thiệt hại sẽ cao, nên chúng tôi đề nghị bà con tập trung cho khâu cải tạo ao. Về đối tượng nuôi thì năm nay có khả năng bà con sẽ chuyển từ nuôi tôm thẻ sang tôm sú nhiều. Tuy nhiên ngành cũng khuyến cáo bà con khi chuyển đổi cần xem lại điều kiện nuôi của mình có đảm bảo hay không.
Mặc dù tỉnh và huyện đã có những rà soát để bổ sung quy hoạch điện phục vụ sản xuất nhưng nguồn điện còn nhiều hạn chế do đó bà con cũng cần tính toán lại. Đối với hình thức nuôi, nếu bà con muốn chuyển từ hình thức nuôi quảng canh sang bán thâm canh thì chỉ nên chuyển đổi trên nền bán thâm canh cũ để chúng ta duy trì mô hình tôm lúa theo chủ trương của Huyện ủy, UBND huyện”.
Tình hình tôm nuôi bị thiệt hại trong giai đoạn hiện nay là khá lớn, đặc biệt vùng nuôi của thị xã Vĩnh Châu đã lên đến 64%. Chính vì thế mà huyện Mỹ Xuyên khuyến cáo người nuôi chậm thả giống để hạn chế rủi ro.
Trong chuyến khảo sát này, lãnh đạo huyện nhất quán quan điểm chỉ đạo cho các địa phương tăng cường các biện pháp khuyến cáo để nông dân thấy được tính bền vững của vùng tôm – lúa và xử lý triệt để vùng nuôi tôm thẻ tự phát ngoài thời vụ khuyến cáo, sử dụng điện sản xuất làm ảnh hưởng đến điện sinh hoạt của người dân trong vụ nuôi tôm 2014.
Related news
Tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận, hàng chục điểm bày bán nho với giá siêu rẻ. Những người bán thừa nhận, đây là hàng Trung Quốc nhưng đề bảng nho Mỹ cho dễ bán.
Thực hiện chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN), đoàn giám sát liên ngành do Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lều Vũ Điều làm trưởng đoàn đã về làm việc tại huyện Yên Thành, Nghệ An.
Quang Thuận là địa phương nằm trong vùng quy hoạch trồng cây cam, quýt của tỉnh Bắc Kạn và là xã có diện tích lớn nhất huyện Bạch Thông.
“Nhờ cần cù, chịu khó và ham học hỏi, lại mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt nên hai hội viên Trần Tấn Hiếu và Võ Thi đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”
Gia đình bà Bùi Thị Mầu, khu phố Hoà Tháp, phường Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh sau nhiều năm gặp khó khăn do đầu tư trồng cây vải thiều với chi phí chăm sóc lớn, cộng với việc tiêu thụ quả vải gặp trở ngại.