Người Nuôi Thủy Sản Khó Tiếp Cận Vốn Rẻ
Bên cạnh ngành lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa quyết định giảm lãi suất cho vay phục vụ nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản cho biết không dễ để tiếp cận nguồn vốn này.
Người nuôi thủy sản cho rằng vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ của ngân hàng.
Tại văn bản số 1691/NHNN-TD, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank và MHB giảm lãi suất cho vay đối với nuôi trồng, chế biến cá tra và tôm về mức tối đa chỉ còn 8%/năm.
Được biết, quyết định trên là bước đi tiếp theo ngay sau khi NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống 6%/năm vào ngày 18-3-2014.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xung quanh vấn đề này, một số người trong cuộc cho rằng dù lãi suất có giảm, nhưng việc tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết quy định xét duyệt cho vay của ngân hàng hiện nay chưa phù hợp, người nông dân không thể tiếp cận được vốn giá rẻ để đẩy mạnh phát triển ngành cá tra.
“Chúng tôi phải có đất, có nhà đem cầm cố ngân hàng thì mới vay được tiền, ngân hàng không chấp nhận cho vay bằng việc thế chấp đàn cá đang nuôi trong ao”, ông Hải cho biết.
Ông Hải giải thích thêm, những năm qua người nuôi cá tra liên tục lỗ nên đa số tài sản của họ như nhà cửa, ruộng vườn đều đã thế chấp ở ngân hàng trước đó. "Vì vậy dù lãi suất cho vay giảm về 8%/năm như lần này, người nuôi cá tra cũng không thể tiếp cận được", ông nói.
Theo ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX), thời gian qua ngành cá tra ĐBSCL rơi vào vòng lẩn quẩn của mất cân đối cung - cầu ở thị trường nội địa, trong khi đó, xuất khẩu chịu nhiều rủi ro, giá giảm… dẫn đến tình trạng lỗ lã liên tục.
Theo ông Đức, chính vì hoạt động kinh doanh của ngành thủy sản chịu nhiều rủi ro nên phía ngân hàng rất thận trọng trong xét duyệt cho vay, mức tín dụng cho vay đối với lĩnh vực này hiện chỉ bằng 40-50% so với năm 2012.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ nhiệm Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, Sóc Trăng việc xét duyệt cho vay ở địa phương ông tương đối thuận lợi hơn. “Ngoài xét duyệt cho vay đối với những trường hợp có tài sản thế chấp như thông lệ, phía Agribank Sóc Trăng cũng đã đồng ý cho vay đối với những trường hợp được khoanh nợ, giãn nợ nhưng phải có phương án sản xuất, kinh doanh tốt”, ông Nhiệm khẳng định.
Cũng theo ông Nhiệm, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích tôm đã xuống giống của hiệp hội chỉ đạt 20% trên tổng diện tích khoảng 2.800 héc ta. Nguyên nhân được xác định, một phần những năm qua người nuôi tôm lỗ, không có vốn tái đầu tư sản xuất, một phần diễn biến dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm còn phức tạp nên người dân chưa mạnh dạn thả giống.
Vì sao ngân hàng ngại cho vay?
Trong một hội thảo gần đây về kết nối vốn cho các doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN cho rằng lúa gạo, thủy sản, trái cây là những thế mạnh của khu vực ĐBSCL nhưng lại thường xuyên đối diện với rủi ro thị trường như được mùa mất giá, hoặc các rủi ro từ giá thế giới, từ các luật thuế chống bán phá giá.
Thêm vào đó, chuyện cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư tràn lan, kém hiệu quả cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng khiến các ngân hàng không mạnh tay đầu tư cho khu vực này.
Còn tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng cho rằng lãi suất không còn là áp lực lớn vì đã giảm sâu, việc cơ cấu nợ theo Quyết định 780, cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ và không chuyển nhóm nợ và công văn 7558 tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cho thấy đòn bẩy tín dụng giờ đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp, nếu tiếp tục kích thích nữa thì không nên.
Theo ông Dương, muốn tăng trưởng thì phải phát triển được nội lực của người sản xuất, của nông dân thông qua khuyến nông một cách chuyên nghiệp, còn như hiện tại đa phần các sản phẩm đều thua trên trường quốc tế thì dù có đòn bẩy cũng khó mà tăng trưởng được.
Còn tiến sĩ Hạ Thị Thiều Dao, giảng viên Đại học Ngân hàng, cho rằng sau khi khảo sát một số ngân hàng, lý do khiến cho doanh nghiệp ở khu vực này khó tiếp cận được vốn là báo cáo tài chính không đạt yêu cầu, bên cạnh tài sản thế chấp không đảm bảo. Bà Dao cho rằng để tiếp cận được vốn, doanh nghiệp nên cải thiện các yếu tố này, vì đối với ngân hàng, để cấp tín dụng, các điều kiện theo chuẩn phải được đảm bảo.
Related news
Nông dân sản xuất vào mùa khô thường gặp khó khăn về nguồn nước. Hệ thống tưới tiết kiệm nước- tưới nhỏ giọt được xem là giải pháp tối ưu trong sản xuất đang được triển khai ở thành phố Sóc Trăng.
Là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trên địa bàn tỉnh có hơn 30 năm sản xuất giống lúa, rau màu, Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang luôn nỗ lực nghiên cứu, chọn tạo ra những sản phẩm tốt nhất cung ứng đến nông dân.
Năm ngoái, vườn cam của gia đình ông Nguyễn Ngọc Dung, thôn Trường Sơn, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang) cho thu hoạch hơn 40 tấn quả;
Ngày 19-11, tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đã đưa Nhà máy Thành Thành Công vào hoạt động, chuyên sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp.
Những trận mưa xuất hiện ban đêm, với lưu lượng lớn và kéo dài trong nhiều giờ. Rồi, những cơn giông lại bất thần nổi lên, va đập vào vách núi tạo ra từng đợt gió giật mạnh. Cư dân trồng xoài không khỏi lo lắng, nhất là thời điểm cây đang ra hoa và chuẩn bị kết trái.