Nông dân ra đồng gặt đêm để tránh nắng nóng
Vì vậy, ở nhiều nơi tại ngoại thành Hà Nội, thay vì ban ngày, người dân đã ra đồng làm việc vào ban đêm.
Ra đồng lúc nửa đêm
Mấy ngày vừa qua, khi thời tiết nắng nóng, đỉnh điểm có ngày trên 40oC cũng là lúc lúa vụ Xuân đến kỳ thu hoạch. Dọc các tuyến QL6, QL32, các tuyến tỉnh lộ chạy qua các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Vì… những địa bàn thường thu hoạch lúa sớm, người dân đã tranh thủ bằng mọi cách tránh nắng thu hoạch lúa.
Ngoài việc sử dụng thêm một loại trang bị chống nắng truyền thống mà rất hiệu quả là “áo tơi lá” - một vật dụng để chống nắng khi đi làm đồng trước đây người nông dân thường sử dụng, thì đa số người dân xuống đồng vào sáng sớm hoặc chiều tối, khi cái nóng đã dịu bớt. Trên cánh đồng Đọ, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, lúc trời chiều đã tắt nắng nhưng hơi nóng vẫn bốc lên hầm hập. Vừa đưa tay gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại, bà Kiều Thị Năm chia sẻ: “Lúa đến kỳ thu hoạch, không tranh thủ ngày trời khô nắng thì đến lúc mưa xuống hỏng hết.
Thế nên mấy hôm nay, mặc dù nắng nóng thế, chúng tôi vẫn phải ra đồng. Chỉ có điều khung thời gian có khác đi. Nếu bình thường 6 – 7 giờ sáng mới xuống đồng thì bây giờ để tránh nắng, chúng tôi thường dậy từ lúc nửa đêm. Hôm nào muộn nhất cũng chỉ tầm ba rưỡi, bốn giờ đã ra đồng tranh thủ gặt nhanh, độ tám, chín giờ nắng lên là nghỉ rồi. Còn buổi chiều thì phải đợi nắng yếu, cái nóng giảm đi, độ ba rưỡi, bốn giờ chiều, mọi người mới xuống đồng. Không tranh thủ thức đêm thức hôm thế để lúa chín rũ, rụng hết thì mất công cả vụ chăm bẵm”.
Cũng vì thời gian làm việc trên đồng thay đổi để tránh nắng nên ban ngày trên những cánh đồng lúa chín vàng không một bóng người. Trời nắng nóng, mặt đường bê tông cái nóng càng bốc lên hầm hập khiến chẳng ai muốn ra đồng. Thế nhưng cứ chiều xuống, trên khắp các cánh đồng, một khung cảnh làm việc náo nhiệt lại diễn ra. Các gia đình huy động hết nhân lực từ ông già, bà cả đến các cháu học sinh vừa được nghỉ hè cũng tranh thủ ra đồng phụ giúp gia đình thu hoạch lúa. Tiếng nói, cười rộn rã cùng ánh đèn sáng mãi đến đêm khuya.
10 giờ đêm mới ăn cơm… tối
Gặt, tuốt ngoài đồng đã vậy, việc phơi phóng cho hạt lúa được nắng cũng không kém phần vất vả. Đã gần 10 giờ đêm, hai vợ chông ông bà Lan – Thự (xóm Lải Trong, Cần Kiệm, Thạch Thất) năm nay ngót nghét sáu mươi tuổi vẫn lầm lũi cào thóc đổ vào quây. Vừa luôn tay xúc, đổ thóc vào quây, ông Thự vừa phân bua: “Đã được hột cơm nào vào bụng đâu.
Hai vợ chồng ra đồng lúc gần 4 giờ chiều, gặt hơn 2 sào vừa bó, gánh lên cho máy nó “phụt” rồi chuyển về nhà, giờ lại phải quây hết thóc lại kẻo đêm trời mưa thì hỏng”. Theo ông Thự, lúa năm nay được mùa, chỗ nào kém thì cũng trên dưới 2 tạ một sào (khoảng 5,5 – 6 tấn/ha).
Hơn nữa, cũng may là Cần Kiệm đã dồn điền, đổi thửa xong nên mỗi gia đình chỉ còn làm trên 1 - 2 thửa, nhà nào nhiều thì 3 thửa nên cũng giảm được nhiều công. “Nếu vẫn chia nhỏ như mấy năm trước thì còn “khướt”! Được cái năm nay dồn đổi tập trung lại, làm cũng nhàn hơn” - ông Thự bộc bạch. Khi được hỏi, sao giờ này vẫn chưa ăn cơm, ông bảo: “Ồ! Chuyện nhỏ, ở nông thôn thế là thường! Nửa đêm ăn cơm “tối”, gần trưa ăn cơm “sáng” là chuyện nhà nào cũng gặp. Ngày mùa của nông dân thì chả có giờ giấc gì đâu, miễn khi nào xong việc thì thôi”, rồi cười sảng khoái. Dưới ánh đèn điện, nụ cười của lão nông da đen sạm như xóa tan đi nỗi mệt nhọc đeo bám suốt những ngày nóng bức.
Related news
Mô hình sản xuất trình diễn giống bí lai đỏ Gold star 998 và bí lai xanh Tara 888 ở thôn Lang Châu Bắc (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) mang lại cho nông dân nguồn thu nhập khá. Sự thành công này mở ra hướng mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích...
27 tuổi, anh Nguyễn Đình Thiện (tổ 7, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) đang sở hữu gần 60 con trâu, trị giá tiền tỷ.
Tại bãi biền có tên gọi Bạc Hà thuộc thôn Khúc Lũy (xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) nông dân đang hối hả thu hoạch bắp nếp. Ông Bùi Văn Long – một người dân địa phương hồ hởi: “Mấy ngày nay vợ chồng tôi cứ quần quật ở ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt để thu hái bắp nếp cung ứng cho bạn hàng.
Chỉ với chiếc kéo nhỏ dưới bàn tay khéo léo và con mắt nhà nghề tinh thông đã mang lại nguồn thu nhập khá cao cho các nghệ nhân chỉnh sửa cây cảnh.
Năm 2014, Đại Lộc lập kế hoạch, tập trung nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm để hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.