Vui Buồn Nghề Đi Ong
Một túp lều bạt được dựng giữa rừng chồi thuộc thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp (Phan Thiết)… Không xa lều bạt là những thùng ong, rù rì, vo ve tiếng ong bay.
“Đi ong” ở Thiện Nghiệp
Nghe tiếng xe máy, một người đàn ông dong dỏng cao bước ra khỏi lều bạt. Đó là ông Tân Hữu Đức, chủ của những thùng ong. Ông Đức năm nay 52 tuổi, nhưng có đến 30 năm theo nghề nuôi ong. Ông Đức bảo đã gắn bó với con ong từ rất sớm. Học xong lớp 12, ông không đi học nghề, mà rong ruổi theo đàn ong cùng ba mình.
Năm 1989, ông “ra riêng” với tài sản ban đầu là 37 tổ ong giống Italia. Sau đó vì không có nhiều kinh nghiệm, ông đưa ong đến một vùng nhãn vừa phun thuốc bảo vệ thực vật vì vậy ong chết khá nhiều, chỉ còn một nửa so với ban đầu. Những tổ ong dần dần được gầy dựng lại và đến nay ông có đến 600 tổ. Mỗi lần di chuyển ông đều tìm hiểu khá kỹ vùng đất mới.
Ông không chỉ quan tâm đến mùa hoa nở, thời tiết, tránh thuốc bảo vệ thực vật, mà còn tránh cả những loài chim, ong rừng lạ, thằn lằn, tắc kè, rắn mối… tấn công đàn ong. Ông còn học cách phòng chữa bệnh, bổ sung thức ăn cho ong, cách thức thế nào để di chuyển đàn ong một cách nhanh gọn.
Nghề nuôi ong đưa ông đến nhiều vùng, miền. Khi thì vào Nam, ra Bắc, khi ngược lên Tây Nguyên. “Đâu có hoa là ong tới bất kể xa hay gần. Loại hoa tốt để ong hút mật là: dừa, nhãn, bưởi, cam, chôm chôm…”.
Theo đó, tháng Giêng, tháng 2 ông tập kết ong tại Đồng Nai; tháng 3 đến tháng 5 vào rừng tràm U Minh hoặc ngược lên Tây Nguyên; tháng 5 đến tháng 7 ra Nghệ An, Hà Tĩnh; tháng 7 đến tháng 9 đến Bình Thuận; tháng 10 đến tháng 12 trở lại Đắk Lắk. Cứ như vậy, suốt năm ông Đức rong ruổi với đàn ong. Có lúc “đóng quân” gần nhà, về mấy hôm lại muốn lên ngay, vì nhớ đàn ong mà mình gắn bó.
Với 600 tổ ong, mỗi năm ông Đức thu 7 - 9 tấn mật và cho thu nhập 400 đến 500 triệu đồng. Ngoài nuôi ong lấy mật, ông Đức còn nhân giống, bán ong giống, tư vấn cách chăm sóc và truyền đạt kinh nghiệm cho những hộ có nhu cầu. “Nghề nuôi ong du mục với bao vui buồn lẫn lộn. Vui khi gặp được vùng hoa nở rộ, thời tiết thuận lợi, thu hoạch được nhiều mật còn buồn là khi ong bệnh hoặc chết chưa rõ lý do”- ông Đức thổ lộ.
Và… ở La Gi
Cùng nghề nuôi ong với ông Đức là ông Hai Hà. Hai Hà (52 tuổi), quê ở Quy Nhơn. Ông và người con trai cả tuổi 30 theo nghề nuôi ong trên 10 năm. Tháng 9 năm nay đưa đàn ong về khu vườn keo tràm của anh Trần Hiền ở khu phố 8, phường Tân An, thị xã La Gi để cho ong hút nhụy hoa.
Tài sản hai cha con là 200 thùng ong Ý, với tổng trị giá trên 200 triệu đồng, cùng những lỉnh kỉnh lều bạt, xoong nồi…
Lang thang theo những mùa hoa trên khắp mọi miền đất nước cho đàn ong làm mật. Khi mùa hoa cạn là lúc những người nuôi ong tìm một khu vườn yên tĩnh có vài loại loài hoa nở muộn để làm điểm dừng chân dưỡng ong.
Sáng chủ nhật đến vườn tràm nghe Hai Hà tâm sự chuyện ong, chuyện người thật vô cùng thú vị.
Hai Hà nói: “Người nuôi ong, không đứng, không nằm mà “chạy” theo mùa hoa ở khắp nơi. “Những năm trước đây nghề nuôi ong chưa phát triển mạnh, thì người làm nghề dễ phát đạt, bởi khi mình đến các nhà vườn xin đặt đàn ong, chủ vườn vui vẻ chấp nhận ngay, không thu đồng nào.
Bây giờ khó lắm, muốn đặt ong phải trả tiền vườn, mà trả cao chứ trả thấp người khác chen vào ngay” - ông Hai Hà nói. Theo Hai Hà, một lứa ong trả cho chủ vườn khi vài ba triệu đồng, khi năm, bảy triệu đồng tùy theo.
Nuôi ong trúng nhất là vào mùa hoa vải thiều. Đặt ong trong vườn vải thiều rộ hoa, với 200 thùng chỉ cần vài ba ngày là quay được 2 tấn mật. Đặt mươi, mười lăm ngày thì thu năm, bảy tấn mật là chuyện thường. Một tấn tùy thời điểm bán cho công ty từ 30 đến 50 triệu đồng. Trừ chi phí ăn ở, đi lại… vẫn còn một ít gởi về cho vợ con.
Đó là nói mùa trúng mật, còn trung bình, một lứa ong phải đến trên 10 ngày mới thu được mật. Cứ một thùng ong đặt 10 tổ ong, mỗi tổ thu chừng 3 lạng, một thùng thu 3 ký, 200 thùng ong được 600 -700 ký là cùng. Ở mức này thì thu nhập không được bao nhiêu.
Tốn kém nhất là khi ong bị chết phải lập lại đàn ong mới. Muốn có đàn ong mới phải tìm mua ong chúa hoặc chọn những con ong thật tốt nuôi theo chế độ đặc biệt. Khi đã có ong chúa mới tách đàn, lập đàn ong mới. Thời gian dưỡng ong để bổ sung thêm quân là thời gian tốn kém nhất. Cứ một đêm 200 thùng ong cần lượng đường chừng 1 tạ hòa nước cho chúng uống. Một tạ đường hiện nay giá 1,4 triệu đồng, dưỡng ong chừng 1 tháng tốn kém lên đến vài chục triệu đồng.
Làm nghề nuôi ong lấy mật giống như đánh bạc với trời, được mùa ong, vài ba trăm triệu đồng dễ như không. Mất mùa, ong chết, nợ chồng lên nợ. Phận người, phận ong cũng lắm truân chuyên!
Related news
Việt Nam là nước nông nghiệp truyền thống. Đây là thế mạnh, nhưng cũng là điểm yếu nếu ta tưởng rằng đã biết quá rõ về nông nghiệp và không thấy cần phải thay đổi.
Với số vốn một tỷ đồng, bà Lê Thùy Hương cùng đối tác Nhật đang dồn sức cho kế hoạch trồng dâu tây trên cao nguyên Mộc Châu, ước tính đem lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nuôi tôm đã khó, việc đảm bảo chất lượng tôm thương phẩm cũng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ giá trị mặt hàng này. Trước tình hình tôm nuôi bị thiệt hại diễn ra phức tạp, việc giảm áp lực môi trường ao nuôi, vùng nuôi do sử dụng thuốc, hóa chất đối với vùng nuôi thâm canh, bán thâm canh qua nhiều năm nuôi liên tiếp, đã nhanh chóng làm lão hóa môi trường ao nuôi là điều khó tránh khỏi.
Nhân Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4), các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã tiến hành thả cá, tôm giống tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản năm 2014.
Một tháng qua, các hộ nuôi cá trắm cỏ trong lồng bè ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) đang mất sạch vốn liếng vì cá chết hàng loạt, không biết kêu cứu ai.