Nông Dân Cần Tính Toán Chuyện Đầu Tư
Những ngày qua trên thị trường liên tục phát đi tín hiệu về giá cà phê giảm mạnh và sau đó là mối lo toan lời-lỗ của nông dân. Ðiều đáng quan tâm là phía sau câu chuyện lời-lỗ này, đang buộc nhiều nông dân cần phải tính toán lại chuyện đầu tư, tránh theo kiểu cảm tính như trước đây.
Dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch, nhưng thay vì lo toan phơi phóng cà phê thì mấy hôm nay, nhiều người dân ở thôn Tân Bình, xã Ðắk R’moan (Gia Nghĩa - Đắk Nông) đã phải tính toán đến việc tưới tắm, bón phân, phun thuốc cho vụ tới.
Sở dĩ bà con lo xa, vì đợt này giá cà phê giảm, trong khi các loại vật tư phục vụ sản xuất như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu… không giảm. Như năm trước, ngay đầu vụ giá cà phê bán tại vườn đã hơn 40.000 đồng/kg thì xem như khoản đầu tư chăm sóc không ảnh hưởng nhiều.
Còn vào vụ này, dù đang mùa thu hoạch, nhưng anh Ðậu Xuân Hào ở thôn Tân Bình đã nhẩm tính, bình quân năng suất mỗi ha cà phê được khoảng 3 tấn, nên năm nay, khâu đầu tư chăm sóc, bón phân cần phải xem xét lại.
Anh Hào cho biết: “Thay vì tập trung bón nhiều đợt phân hóa học, tôi sẽ mua thêm phân bò để giảm chi phí đầu tư. Lâu nay, nói đến chăm sóc cà phê, bà con trong vùng thường căn cứ vào túi tiền để bỏ phân, chứ ít khi chú ý đến việc đúng liều lượng, thật sự khoa học”.
Có lẽ tâm sự của anh Hào cũng giống như nhiều người trồng cà phê khác ở trong tỉnh. Thực tế, quan sát ở địa điểm thu mua cà phê của Công ty TNHH MTV Ðức Nguyên, thôn Nghĩa Thuận, xã Ðắk Nia (Gia Nghĩa), ngày 5/11, dù đã hơn 9 giờ, nhưng vẫn vắng khách đến giao dịch. Ðợi chừng 30 phút mới có vài người tất tưởi đến khảo sát giá cả, rồi đi.
Anh Lê Ðức Phượng, chủ điểm thu mua nông sản của Công ty Ðức Nguyên cho biết: "Bà con chủ yếu vào hỏi giá và có chăng cũng chỉ bán một ít cà phê lo tiền đầu tư. Vụ vừa qua, khi giá cà phê lên cao thì bà con đầu tư khá “vô tư”, mua phân bón, thuốc trừ sâu thoải mái, chọn loại giá cao để mua. Còn hiện nay, để chuẩn bị cho vụ mới, phần lớn nông dân trong vùng đang tính toán lại để giảm chi phí đầu tư, hạn chế bị lỗ khi giá cà phê đang giảm mạnh”.
Có thể nói, chi phí lớn nhất trong sản xuất cà phê của nông dân là mua phân bón, thuốc trừ sâu. Vì vậy, ở khâu này, nông dân cần phải tính toán cho thật khoa học, chứ không nên làm theo kiểu “truyền miệng”.
Về phía các cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể cũng thường hay tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách chăm sóc cà phê một cách bài bản, khoa học. Ngay như đại lý của Công ty Ðức Nguyên nói trên cũng đã đầu tư máy đo độ pH trong đất để tính toán lượng phân bón và hướng dẫn cho bà con cách lấy mẫu đất kiểm tra, nhưng như anh Phượng cho biết thì ít người quan tâm.
Bà con cho rằng, cứ thấy cà phê nhà nào tốt là học, như vậy chắc ăn nhất. Còn khi đại lý đi kiểm tra chất đất, thấy dư lượng phân bón nhiều không những lãng phí tiền của mà còn làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, thì một số người lại bảo là do chất lượng phân kém…
Từ cách làm cảm tính nên dẫn đến chi phí đầu tư cho sản xuất cao, trong khi giá vật tư nông nghiệp mỗi ngày một tăng. Vì vậy, khi giá cà phê đứng yên, hoặc giảm đồng nghĩa nguy cơ lỗ vốn của nông dân lại cận kề.
Từ câu chuyện giá cà phê giảm, rồi những trăn trở, lo toan của nông dân đã bộc lộ những hạn chế trong việc đầu tư cho sản xuất. Do đó, nếu nông dân biết căn cơ, hạch toán khi mua sắm vật tư phục vụ sản xuất, chắc chắc sẽ tiết giảm khá nhiều chi phí đầu tư bất hợp lý. Làm được điều này, có lẽ dù giá cà phê “đứng” ở mức 30.000 đồng/kg thì nỗi lo của nhiều nông dân cũng sẽ giảm đi khá nhiều.
Related news
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2013, tình hình dịch bệnh trên tôm nước lợ được các địa phương kiểm soát khá tốt, giá tôm nguyên liệu tăng nên người nuôi yên tâm thả giống, mở rộng diện tích canh tác. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi năm 2014, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất và phổ biến lịch thời vụ nuôi, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm nước lợ.
Theo Tổng Cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013, mặc dù vẫn còn xảy ra dịch bệnh trên tôm nuôi, nhưng về cơ bản vụ nuôi tôm năm nay được mùa ở Việt Nam.
Chiều 12/11, Hội đồng KH-CN tỉnh Phú Yên xét duyệt Dự án Nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẽm (Lates calcarifer) trong thủy vực nước ngọt quy mô nông hộ tại 2 huyện Đông Hòa, Sông Hinh thuộc tỉnh Phú Yên” do kỹ sư Phạm Trường Giang, Nghiên cứu viên Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III) làm chủ nhiệm.
Hiện nay, nông dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bắt đầu dọn đồng chuẩn bị bơm nước sạ lúa Đông xuân. Đây cũng là lúc bà con thu hoạch vụ cá nuôi trên ruộng với niềm phấn khởi được mùa, được giá.
Đó là mô hình của gia đình anh Võ Tá Lan, xã Vượng Lộc, Huyện Cạn Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Với diện tích trên 3.000m2, 3 năm liền anh nuôi tôm càng xanh đều đạt hiệu quả kinh tế cao.