Giúp Nhà Nông Ứng Dụng Khoa Học Kỹ Thuật
Thực hiện chủ trương của thành phố về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân TP.HCM và các sở, ngành liên quan đang xúc tiến nhiều chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào trong sản xuất.
Hiệu quả cao
Là một trong những người đi đầu trong việc thực hiện ứng dụng KHKT vào sản xuất, ông Mai Thế Cầu (ở ấp Lý Thái Bửu, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) cho biết cách đây hơn 1 năm nhờ sự tư vấn của cán bộ khuyến nông ông mạnh dạn xây dựng bể chứa thu gom nước chạc để sản xuất muối cho vụ sau (nước thu gom từ các ruộng muối mới thu hoạch - PV).
Theo ông Cầu, lượng nước này có độ mặn cao, khi tới mùa sản xuất muối thì có thể pha thêm nước cho loãng rồi bơm ra ruộng muối. Cách làm này tiết kiệm được nhiều thời gian, vì vào mùa vụ theo cách thông thường phải mất hàng tháng để dẫn nước vào ruộng, còn với cách này chỉ mất khoảng 2 ngày để bơm nước. Thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn cách sản xuất muối thông thường.
Còn ông Vũ Văn Hưng (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết gia đình ông trồng hơn 3.000m2 đất rau. Cũng nhờ việc áp dụng cơ giới hóa trong trồng rau mà năng suất tăng và tiết kiệm được ngày công lao động. Ước tính mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha.
Tương tự, hiện nay tại các khu vực ngoại thành có nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên ông Lê Minh Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp của thành phố còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính là do quy mô sản xuất của nông dân còn nhỏ lẻ, bà con khó huy động vốn để mua sắm trang thiết bị KHKT cho sản xuất, các chính sách hỗ trợ người dân chưa được đầy đủ. Bên cạnh đó, so với các ngành khác thì ngành nông nghiệp thu hút đầu tư chưa cao, các nhà đầu tư chưa mạnh dạn đầu tư nhiều vì dễ gặp rủi ro…
Tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Theo ông Lê Minh Dũng, diện tích đất nông nghiệp thành phố ngày càng giảm. Theo quy hoạch đến năm 2020, thành phố có khoảng 80.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Do đó cần phải đẩy mạnh ứng dụng KHKT, công nghệ để tăng giá trị sản xuất, tăng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Cũng theo ông Dũng, thành phố có khu nông nghiệp công nghệ cao, trại thực nghiệm bò sữa công nghệ cao của Israel (hiện sữa thu đạt khoảng 23kg/con/ngày - PV) và một số mô hình ứng dụng KHKT trong sản xuất cũng mang lại hiệu quả. Trong thời gian tới thành phố cần khuyến khích, nhân rộng những mô hình tương tự.
Còn ông Nguyễn Khắc Thanh - Phó Giám đốc Sở KHCN TP.HCM cho biết hàng năm sở đều có những đề tài nghiên cứu, ứng dụng KHKT, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện sở đang phối hợp các đơn vị đi khảo sát nhu cầu ứng dụng của nông dân cũng như khảo sát các mô hình đang triển khai tại các huyện. Theo ông, nếu các hộ nông dân, HTX có nhu cầu áp dụng các mô hình KHKT vào sản xuất thì sở sẽ hỗ trợ thực hiện ngay trong năm 2014.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, Hội Nông dân thành phố và Sở KHCN, Sở NNPTNT đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giúp nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Trước mắt trong giai đoạn 2014-2015, các đơn vị sẽ thực hiện chuyển giao và ứng dụng ít nhất 6 công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu: Sản xuất nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất nông sản, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng khí sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp.
Bên cạnh đó các đơn vị cũng đẩy mạnh các chương trình như: Hoạt động khuyến nông, dạy nghề hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tăng cường phối hợp thực hiện xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế hợp tác,…
Related news
An Giang là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó cây màu phát triển rất mạnh và còn nhiều tiềm năng. Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đó, đặc biệt là tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, năng suất cao nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tỉnh đang triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số địa phương, trong đó huyện An Phú được chọn thí điểm 2 mô hình ở xã Phú Hữu và Khánh An.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiếp thu khoa học công nghệ mới, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản Thanh Hóa (trên địa bàn xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa) đã chủ động ứng dụng công nghệ dùng men vi sinh sản xuất tôm giống sạch; ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất đa dạng đối tượng giống thủy sản phục vụ nhu cầu thả nuôi luân canh, xen canh với tôm sú.
Theo lịch thời vụ, các hồ đã tiến hành thả tôm giống đợt 1 năm 2013 được gần 20 ngày. Nhưng nhiều vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trong tỉnh hiện vẫn án binh bất động. Nhiều diện tích hồ nuôi tôm trên cát bỏ hoang phế vì liên tục thất bại.
Khi người dân nhiều vùng nuôi tôm kêu trời không thấu vì dịch bệnh tôm chết liên miên, giá cả lên xuống thất thường, thì những con người thầm lặng thuở nào bám giữ ruộng đồng và nặng tình với con cá có thể ung dung "kê cao gối ngủ". Bởi con cá đồng sau một thời gian chìm nổi đã bắt đầu tìm lại chỗ đứng của mình như một sự tưởng thưởng xứng đáng cho công khó nhọc của người nông dân.
Những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho hội viên nông dân và từng bước thay đổi diện mạo nông thôn ở nhiều địa phương.