Nhân Rộng Mô Hình Lợn Móng Cái (Quảng Ninh)

Mô hình nuôi lợn Móng Cái là một trong 3 mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn được TP Móng Cái (Quảng Ninh) triển khai rất thành công trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Qua tìm hiểu được biết, từ những thập niên 60 của thế kỷ trước, giống lợn Móng Cái đã được Bộ Nông nghiệp đưa vào danh mục “Con giống quý của Quốc gia”.
Theo đánh giá của chuyên gia, giống lợn Móng Cái có khả năng sinh sản cao, thích nghi được với nhiều môi trường, không kén chọn thức ăn và rất phàm ăn. Đặc biệt, có sức chống chịu bệnh tật rất tốt và chất lượng thịt thơm ngon hơn các giống lợn khác nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Từ những ưu việt đó, TP Móng Cái phát triển mô hình nuôi lợn Móng Cái và xác định xây dựng thương hiệu “Lợn Móng Cái” trở thành một sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo đó, hơn 2 năm qua, thành phố đã triển khai thực hiện Dự án: “Duy trì và phát triển đàn lợn Móng Cái theo tiêu chuẩn VietGAP” tại trang trại giống lợn Móng Cái ở thôn 10, xã Hải Đông.
Quy trình nuôi lợn Móng Cái ở trang trại này được đảm bảo theo đúng quy trình VietGAP, từ nguồn thức ăn sạch, chủ yếu từ cám gạo và ngô; hệ thống chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc khử trùng; đàn lợn được tiêm phòng định kỳ, mỗi ô chuồng đều có bảng theo dõi lợn mẹ và lợn con theo mẹ. Đàn lợn nái sau khi phối giống thành công sẽ được phân loại chia thành các chu kỳ để có chế độ chăm sóc phù hợp.
Hiện trang trại này đang nuôi trên 150 lợn nái Móng Cái thuần chủng, cùng với đó là đàn giống hậu bị trên 100 con. Chị Lê Thị Thuý Dung, chủ trang trại cho biết: “Sở dĩ chúng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình này là vì nhận thấy nhu cầu của thị trường ngày càng chú trọng tìm đến những sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng cao.
Đồng thời phát huy tối đa những giá trị lợi thế của thương hiệu “Lợn Móng Cái” cùng sự hỗ trợ của TP Móng Cái, chúng tôi đã tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái theo chu trình an toàn, khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Được biết, trong 2 năm qua, trang trại lợn Móng Cái của chị Dung đã cung cấp hàng trăm con lợn giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài thành phố.
Đồng thời, mỗi ngày cung cấp ra thị trường nhiều tạ thịt lợn thương phẩm sạch mặc dù có giá bán cao hơn so với các loại thịt lợn khác song vẫn chưa đáp ứng được đủ nhu cầu thị trường. Được biết, trong thời gian tới, trang trại sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô đồng thời tiến tới chủ động nguồn tinh phối giống lợn Móng Cái thuần chủng.
Phát huy thành công từ mô hình nuôi lợn Móng Cái tập trung quy mô lớn tại Hải Đông, năm 2014, TP Móng Cái tiếp tục mở rộng mô hình này ở xã Vạn Ninh và Hải Đông. Từ đầu năm, các địa phương này đã triển khai họp dân, đã có 49 hộ đăng ký tham gia nuôi lợn Móng Cái.
Bà Nguyễn Thị Hải, Phó phòng Kinh tế thành phố cho biết: “Lợn Móng Cái mặc dù có nhiều ưu thế vượt trội và được thị trường ưa chuộng song giống lợn này cũng có một số hạn chế nhất định, như: Khả năng sinh trưởng chậm, tiêu tốn nhiều thức ăn.
Do vậy, trong quá trình phát triển mô hình, chúng tôi cũng đang nghiên cứu kỹ để có những giải pháp cụ thể phát huy được hiệu quả cao nhất cho mô hình. Song song với đó, thành phố cũng đang tích cực thu hút các đơn vị chế biến sản phẩm thịt lợn Móng Cái để từng bước đa dạng hoá sản phẩm, tiến tới sản xuất hàng hoá”.
Một tin vui là năm 2014, sản phẩm chế biến từ lợn Móng Cái (giò, chả) được TP Móng Cái lựa chọn là một trong hai sản phẩm OCOP của địa phương. Cùng với đó, các sản phẩm chế biến từ lợn Móng Cái cũng đã được Ban điều hành OCOP tỉnh lựa chọn là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.
Related news

Trong Hội nghị bàn các giải pháp giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác thủy sản do Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức mới đây, con số “tổn thất” sau thu hoạch được lượng hóa là 400.000 tấn/ năm. Tính theo giá thị trường, mỗi năm cả nước mất khoảng 8 nghìn tỷ đồng từ lượng hải sản thất thoát này; tương đương với 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011.

Hiện Quảng Bình như đang “kẹt cứng” giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị, nơi đang có dịch cúm gia cầm.

Nghề nuôi hàu theo quan sát của chúng tôi khá đơn giản và hầu như không có rủi ro. Để chuẩn bị nơi sinh sống cho hàu con, người dân chỉ việc dùng vỏ con hàu cũ đục lỗ nhỏ giữa vỏ, dùng dây cước (dài khoảng 70cm) xâu thành từng xâu, tiếp đến là đóng cọc, làm giàn tre thật chắc chắn, cắm cách bờ sông từ 4-5 mét

Sau hơn 4 năm triển khai Nghị định 115/2008/NĐ-CP (NĐ 115) về miễn giảm thủy lợi phí, nhiều bất cập đã nảy sinh như công trình thủy lợi xuống cấp nhanh, "vênh" diện tích miễn giảm phí, mức thu thủy lợi phí chưa sát với giá thực tế...

Việc các chủ vườn ở Gia Lai sử dụng máy bơm động lực tưới trực tiếp vào từng gốc cây càphê đã tiết kiệm được lượng nước cần thiết.