Nhãn Idor Bén Rễ Ở Vùng Đất Cù Lao Tân Thuận Đông (Đồng Tháp)
Sau hơn mười năm phát triển ở vùng đất cù lao Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhãn Idor (còn gọi là nhãn Thái) từng bước khẳng định vị thế là cây trồng đầy tiềm năng ở xứ cồn. Nhờ trồng nhãn Idor mà nhiều gia đình thoát được cảnh nghèo túng, phất lên làm giàu.
Mặc dù nhãn Idor là giống cây ăn quả nhập nội nhưng hơn 10 năm bén rễ ở vùng đất cù lao Tân Thuận Đông, nhãn Idor đã cho thấy khả năng phát triển vượt trội so với các giống nhãn khác của địa phương. Không những khá phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương mà chất lượng sản phẩm cũng rất vượt trội.
Khoảng năm 2003, toàn xã Tân Thuận Đông chỉ trồng manh nha vài công nhãn Idor. Tuy nhiên, sau đại dịch chổi rồng trên nhãn quế, nhiều nhà vườn đã mạnh dạn chuyển sang trồng nhãn Idor. Hiện tại, diện tích trồng nhãn Idor của toàn xã gần 50ha và đang có chiều hướng tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo nhiều nhà vườn ở đây, cây nhãn Idor có ưu điểm như: tỷ lệ đậu trái cao, ít bị bệnh chổi rồng, trái có độ ngọt thanh, ít nước, cơm ráo và dày nên rất được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, nhãn Idor có thể xử lý kéo dài thời gian thu hoạch của cây mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái.
Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sau 2 năm, cây có thể cho trái vụ đầu. 1ha nhãn trưởng thành có thể cho thu hoạch khoảng từ 20 - 25 tấn trái/năm. Nhãn Idor hầu như hút hàng quanh năm. Hiện tại, thương lái thu mua nhãn tại vườn với giá dao động từ 30 - 32 nghìn đồng/kg. Với giá này, nhà vườn rất phấn khởi và an tâm đầu tư cho cây nhãn Idor.
Là một trong những người đưa giống nhãn Idor về vùng cù lao đầu tiên, ông Nguyễn Văn Năm ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ trồng thử nghiệm gần 3 công.
Sau thời gian canh tác, tôi nhận thấy đây là loại cây nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với vùng đất pha cát nơi đây nên phát triển tốt. Mỗi cây nhãn Ido có thể cho thu hoạch từ 100kg - 200kg trái/năm và ít sâu bệnh hơn những giống nhãn khác nên cho lợi nhuận cao”.
Thấy được những hiệu quả mà cây nhãn Idor mang lại, gần đây ông Năm còn hợp tác với một số vườn khác thuê thêm 28 ngàn m2 đất gần nhà để tiếp tục trồng nhãn Idor.
Hiện nay, bà con nông dân nhận thấy nhãn Idor là loại cây có giá trị kinh tế cao nên nhiều diện tích vườn tạp, vườn cây ăn quả kém hiệu quả ở địa phương được nông dân chuyển sang trồng nhãn Idor. Vì vậy, không những nhãn trái có giá cao mà nhãn giống cũng “hút hàng”.
Nhiều nhà vườn ở xã Tân Thuận Đông cho biết, hiện nhu cầu nhãn giống của thị trường rất lớn, không chỉ khách hàng ở địa phương mà nhiều nhà vườn ở các khu vực lân cận cũng tìm đến mua với số lượng lớn. Giá nhãn giống bây giờ cũng đang vào giai đoạn “sốt” giá, trung bình một nhánh nhãn giống có giá từ 35 - 50 nghìn đồng, tùy kích cỡ.
Sau nhiều năm phát triển nhãn Idor đã chứng minh được khả năng cạnh tranh kinh tế so với các giống cây trồng khác, tuy nhiên, hiện nay, khâu tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ vẫn chưa thật sự tốt. Nông dân vẫn còn bán hàng cho thương lái và chịu cảnh giá cả lên xuống của thị trường.
Nếu tương lai, địa phương liên kết được khâu tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thì đây mới là hướng đi chắc chắn và lâu dài.
Ông Huỳnh Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Đông cho biết, những năm gần đây, nhãn Idor được nhà vườn Tân Thuận Đông chọn trồng mới hoặc để cải tạo vườn già cỗi, bị thiệt hại vì dịch bệnh. Thời gian tới, UBND xã dự kiến mở rộng và phát triển vùng chuyên canh nhãn Idor trên 200ha tại ấp Tân Phát.
Nhận thấy đây là loại cây trồng rất có triển vọng giúp nông dân làm giàu, để khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, địa phương đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân về hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín, giúp nhà vườn yên tâm hơn khi lũ về”.
Related news
Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thu hoạch sớm vụ lúa Thu đông 2013. Tuy nhiên, giá lúa liên tục sụt giảm trong những ngày qua, nhất là những giống có phẩm cấp gạo thấp (IR 50404), đã khiến nhà nông không khỏi lo lắng.
Nước lũ đang đổ mạnh về các địa phương ở vùng ĐBSCL. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh mùa lũ theo đó cũng bắt đầu nhộn nhịp. Người dân ở TP Cần Thơ đang kỳ vọng nước lũ về nhiều hơn mọi năm, tạo thuận lợi cho kinh doanh chài lưới, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…
Anh Hồ Duy Trung (ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) với ý định ban đầu nuôi chồn hương để làm thú cảnh, nhưng giờ trở nên khá giả nhờ loại động vật hoang dã này.
Ba giống “cây hoang” từ những cánh rừng của Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Lắk có tên là cần dại, lỗ bình và bầu đất đã được một nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Đà Lạt đưa về triển khai mô hình chuyển giao sản xuất đại trà tại khu vực Nam Ban (Lâm Hà) và bước đầu thu những kết quả khá triển vọng.
Năm 2013, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) có kế hoạch trồng mới và trồng lại 200 ha chè. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai sớm việc đăng ký lấy cây giống và chuẩn bị tốt diện tích đất trồng.