Nhà Vườn Vẫn Mê GAP
Dù chứng nhận GlobalGAP (GAP- tiêu chuẩn toàn cầu an toàn sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc) hết hạn hơn 3 năm qua, nhưng theo một khảo sát mới đây của Hợp tác xã (HTX) Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long), có ít nhất 5/14 xã viên vẫn còn duy trì sản xuất theo mô hình này.
Ông Trần Văn Tây- Phó Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa khẳng định: “Nhà vườn ở đây vẫn còn mê GAP. Chúng tôi đã kiến nghị và được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ kinh phí cho tái chứng nhận GlobalGAP nhằm giữ thương hiệu cho trái cây đặc sản này”.
Bưởi “sạch” bán giá thường
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn bưởi trái xum xuê, được làm theo quy chuẩn GAP khá sạch sẽ, ông Nguyễn Ngọc Đầy (ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa) cho biết, dù không còn tham gia HTX hơn 2 năm qua nhưng ông vẫn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn sạch.
Ông Đầy có hơn 9 công bưởi Năm Roi. Sau khi HTX Bưởi Năm Roi thành lập năm 2006, ông là một trong những xã viên đầu tiên mạnh dạn tham gia làm theo. Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì việc mua bán xảy ra nhiều bất hợp lý.
“Nghe nói làm GAP xuất khẩu dễ, giá cao, nông dân có nhiều tiền hơn nên tôi đăng ký liền. Ai dè bưởi sản xuất theo GAP đổ xá ngoài chợ bán đồng giá bưởi khác”- ông Đầy bức xúc. Từ đó, ông rút khỏi HTX nhưng vẫn sản xuất theo GAP.
“Tôi bức xúc vì làm cực hơn mà tới lúc bán lại không có sự khác biệt nào, chứ thực tế sản xuất theo GAP có nhiều cái hay lắm. Chi phí phân, thuốc cũng giảm so sản xuất thường và trái cũng đồng đều hơn.”- ông Đầy nói.
Đặt vấn đề nguyên nhân HTX nhiều lần tan rã, ông Trần Văn Tây cho rằng, do sản xuất theo GAP chưa tạo được khác biệt so với sản xuất thường.
Cụ thể, bưởi GAP bán giá cả như giá ngoài thị trường mà phương thức thanh toán chậm hơn bán cho thương lái nên xã viên mất lòng tin. Đặc biệt, năm 2010 do chứng nhận GlobalGAP hết hạn cần tái kiểm định nhưng HTX không có tiền, dẫn đến sản lượng bưởi xuất khẩu giảm dần. Nếu năm 2011 khoảng 40 tấn thì sang năm 2012 chỉ còn hơn 30 tấn. Và từ đầu năm đến nay chưa có hợp đồng nào, chủ yếu là tiêu thụ nội địa.
Nêu ví dụ thực tế tại vườn bưởi của mình thời điểm còn là xã viên, ông Nguyễn Ngọc Đầy nói: “Từ lúc làm theo GAP đến lúc xin nghỉ, chưa có vụ bưởi nào tôi bán được giá cao hơn ngoài thị trường. Họ lựa bưởi đẹp nhất để mua, còn lại tôi phải bán xô, giá rẻ bèo”.
Tìm lại thương hiệu
Hơn 1 năm qua, có ít nhất 3 lần HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa phải tổ chức đại hội để bầu ban chủ nhiệm vì làm ăn không hiệu quả. Và gần đây nhất là tháng 7/2013, HTX lại tiến hành đại hội bầu người quản lý.
Ông Trần Văn Tây cho biết: Hiện Ban chủ nhiệm của HTX gồm 1 chủ nhiệm và 2 phó chủ nhiệm đều là người mới. Sau khi được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ kinh phí tái chứng nhận GlobalGAP, HTX đã tiến hành khảo sát và khoảng 40 hộ có nhu cầu tham gia trở lại sản xuất theo GAP khoảng 30ha. Song song đó, HTX cũng đã thuê một số đơn vị tư vấn đánh giá, thẩm định các tiêu chuẩn để tái chứng nhận.
Một trong những thay đổi mà sau khi Ban chủ nhiệm HTX mới thành lập quyết tâm làm được là “phải mang lợi ích đến cho xã viên khi tham gia”. Cụ thể, việc mua bán trong thời gian tới sẽ có những hợp đồng ký kết của HTX với xã viên từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, sẽ mua bưởi giá cao hơn thị trường từ 5 - 10%. Đây là điều kiện cần thiết để nhà vườn trồng bưởi mạnh dạn tham gia.
Ông Nguyễn Trung Hiếu- Chủ nhiệm HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho biết: Để mở rộng thị trường, bản thân ông đã trực tiếp đi tìm hiểu tại nhiều siêu thị, nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh và được biết nhu cầu rất lớn. Riêng bưởi xuất khẩu, đã có đối tác ởCanada đến tận HTX xem mẫu mã và cũng đặt vấn đề hợp đồng thu mua lâu dài.
Toàn xã Mỹ Hòa hiện có khoảng 1.300ha trồng bưởi, mỗi hecta năng suất hơn 20 tấn trái/năm, cung ứng hàng chục ngàn tấn bưởi ra thị trường mỗi năm.
Vì vậy, theo ông Trần Văn Tây, địa phương thực sự có tiềm năng về số lượng nhưng về chất lượng bưởi “sạch” còn rất hạn chế. “Dự kiến ngoài 40 xã viên, HTX sẽ tiếp tục kêu gọi bà con tham gia sản xuất theo hướng an toàn sản phẩm, nâng cao chất lượng bưởi xuất khẩu.”- ông Trần Văn Tây cho biết thêm.
Giá bưởi ổn định mức cao
Từ đầu năm đến nay, giá bưởi cành loại 1 giá khoảng 25.000 đ/kg; loại 2: 12.000 đ/kg; bưởi loại 3 được bán chủ yếu thị trường miền Bắc 7.000 đ/kg. Giá bưởi ổn định thời gian dài, theo nhiều nhà vườn do sâu đục trái gây hại mạnh, làm giảm sản lượng.
Related news
Điển hình là mô hình của anh Phạm Hoàng Nghiêm, ấp 9a2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Anh Nghiêm đã tận dụng ao vườn nuôi ốc bươu đen
Bước đầu, ông Tuấn đã thành công với mô hình nuôi ba ba thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiên phong đưa hoa cúc Đà Lạt về trồng tại Gia Lai theo hướng công nghệ cao, 2 thanh niên đã gặt hái được nhiều thành công với thu nhập hàng tỷ đồng.
Một công việc ổn định để lập nghiệp - anh Nguyễn Ngọc Thạch (SN 1996, ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) đang khá thành công với việc kinh doanh cá cảnh.
Kỹ thuật nuôi ốc bươu đen lấy trứng không quá khó. Với đặc điểm của ốc bươu đen là "ở sạch”, do đó người nuôi cần chú ý đến nguồn nước và cách thức cho ăn