Người dân bức xúc về nạn cắt trộm tiêu

Chỉ sau vài đêm, hàng trăm trụ tiêu đang trong tuổi cho thu hoạch của người dân ở khu vực ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường bỗng dưng bị cắt trụi đến tận gốc. Nhiều trụ tiêu cao hàng chục mét cũng bị kẻ trộm kéo xuống cắt hom, bất chấp bao công khó nhọc của người nông dân. Ông Nguyễn Văn Giảng, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Chúng tôi chăm sóc cực khổ lắm, bao nhiêu năm nay mới được bụi tiêu, bây giờ nó cắt trộm rất nhiều. Chúng tôi rất bức xúc mà không biết phải làm như thế nào, chỉ trông chờ vào chính quyền can thiệp…”.
Không chỉ xảy ra tình trạng cắt trộm dây tiêu, bọn trộm còn lấy cả những hom tiêu giống của những vườn mới trồng để mang đi bán. Ông Dương Văn Phan, ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường nói: “Mấy năm nay giá hồ tiêu lên cao, bà con chúng tôi ở đây tự ươm giống từ nhà ra trồng, nay nó đến cắt trộm hết rồi. Thậm chí, ngay cả cây gòn làm trụ cho dây tiêu cũng bị nó chặt mất”.
Bà con nông dân nơi đây cho biết, những bụi tiêu bị cắt phá như vậy thì phải mất đến 3 năm sau cây mới có thể phục hồi như cũ, hoặc bị chết do cắt sát gốc. Để đối phó với nạn cắt trộm dây tiêu, nhiều ngày qua, các hộ trồng tiêu trên địa bàn huyện Xuân Lộc phải túc trực tại rẫy. Thậm chí, có những hộ phải tăng cường thêm chó hoặc kéo đèn điện chiếu sáng ra vườn để giữ tiêu.
Anh Trần Đại Nghĩa, cùng ngụ tại ấp Bàu Sen, xã Xuân Trường cho biết: “Do giá tiêu giống cao hơn mọi năm nên ăn trộm rất nhiều. Bây giờ dây tiêu đang cho thu bói bị nó cắt trộm, nên phải mất hai, ba năm sau mình mới có thể thu, nhiều cây sẽ hư luôn”.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, mấy năm gần đây, do giá hạt hồ tiêu tăng cao, nên nhiều nông dân chuyển đổi sang canh tác loại cây trồng này, nhu cầu sử dụng tiêu giống rất lớn, dẫn đến giá cả cũng tăng đột biến. Hiện nay, một hom tiêu giống Vĩnh Linh loại tốt có giá 20 ngàn đồng/hom; tiêu Phú Quốc khoảng 30 ngàn đồng/hom. Rất nhiều thương lái khắp nơi tìm đến huyện Xuân Lộc để đặt mua tiêu giống nhưng vẫn không đủ nhu cầu. Trước tình hình này, bọn xấu đã bất chấp những thiệt hại của người nông dân, thực hiện hành vi phá hoại của mình để kiếm lợi. Bà con nông dân nơi đây mong các ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra và có biện pháp trừng trị thích đáng.
Related news

Nhằm giúp người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng, tạo ra các sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh cao, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cao, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Viện Nghiên cứu) đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển nuôi thẻ chân trắng theo quy trình GAP” tại Bến Tre.

Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Phú Yên vừa phối hợp với UBND phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa) tổ chức hội thảo đầu bờ tổng kết chương trình IPM về biến đổi khí hậu trên cây lúa vụ hè thu năm 2012 với 30 học viên tham gia.

Vài năm qua người nuôi bò sữa thực sự có lãi nhờ giá thu mua của các nhà máy chế biến khá cao nên có xu hướng phát triển bền vững hơn. Bên cạnh hộ gia đình đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của các công ty chế biến sữa như Vinamilk, TH milk, Future milk, Mộc Châu milk… Thế nhưng, chăn nuôi bò sữa không chỉ có cơ hội mà còn gặp những thách thức mới.

Nằm giữa sông Tiền, cù lao xã Ngũ Hiệp được phù sa bồi đắp thích hợp cho các loại cây có múi giá trị kinh tế cao: Sầu riêng hạt lép giống Monthong và Ri 6.

Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức hội thảo giữa kỳ với nhóm nghiên cứu Viện Hải dương học Nha Trang, các ban ngành liên quan, đại diện các hợp tác xã nuôi nghêu trong tỉnh Bến Tre, để đánh giá kết quả ban đầu đề tài Nghiên cứu xác định nguyên nhân gây chết nghêu, sò huyết và đề xuất các giải pháp khắc phục để phát triển nghề nuôi nghêu, sò bền vững.