Nhà vườn cù lao đốn nhãn... trồng nhãn
Chia tay cây nhãn da bò!
Cây nhãn da bò đã gắn bó với nhà vườn ở đầu cù lao Minh mấy chục năm nay, đã giúp nhiều nhà vườn giảm nghèo tiến lên khá giàu, được nhà vườn cù lao đánh giá là “cây có năng suất cao, dễ trồng, dễ bán”.
Thật vậy cây nhãn da bò không kén đất, không cần chăm sóc thường xuyên, chỉ cần bón phân, tưới nước ở những thời điểm thích hợp, có thể cho trái quanh năm, năng suất cao trung bình 10 tấn/ha.
Nhiều hộ dân, nhiều cơ quan “trồng chơi” vài cây trước sân để che mát nhưng mỗi năm cũng có thể cho vài triệu đồng. Trái nhãn da bò rất dễ bán, nhà vườn thường bán “xô” cho thương lái, trái lớn thì đóng rổ bán tươi, trái nhỏ kể cả những trái rụng, giập thì đưa vô lò sấy.
Chính vì vậy nhãn da bò được nhiều nhà vườn ưa chuộng, diện tích trồng tăng nhanh: năm 2000 đạt gần 2.200ha, chiếm 61% diện tích vườn ở 4 xã cù lao. Nhưng từ năm 2000 trở đi, nhãn da bò bị bệnh chổi rồng, năng suất sụt giảm.
Nhà vườn tích cực chữa trị, có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng hiệu quả không cao, bệnh kéo dài. Một số nhà vườn chữa trị đạt kết quả tốt nhưng chi phí cao, không còn lời nhiều và nhiều nhà vườn đã quyết định chia tay cây nhãn da bò.
Nhãn Ido, xuồng cơm vàng thay thế
Nhãn Ido và xuồng cơm vàng đã có mặt ở đầu cù lao Minh hơn 20 năm nay. Nhãn Ido tuy hơi khó làm trái nhưng có ưu điểm là năng suất cao, chất lượng trái cao và có thể cho trái quanh năm.
Nhãn xuồng cơm vàng năng suất trung bình, dễ rụng trái khi thu hoạch nhưng tự ra hoa theo mùa và chất lượng trái cao.
Tuy nhãn Ido và xuồng cơm vàng có nhiều ưu điểm- nhất là chất lượng trái cao- nhưng xuất hiện vào thời điểm hoàng kim của nhãn da bò nên bị lu mờ, mặt khác nhãn Ido và xuồng cơm vàng chỉ bán nhãn tươi, không sấy được nên nhà vườn sợ khó khăn trong khâu tiêu thụ và ít chú ý.
Đến nay, khi nhãn da bò bị sâu bệnh kéo dài nhà vườn “bó tay” thì phải chuyển đổi. Đến giữa năm nay, ở đầu cù lao Minh đã có 997ha nhãn da bò bị đốn, phần lớn chuyển sang trồng nhãn Ido và xuồng cơm vàng.
Phương châm làm vườn trong cơ chế thị trường là trồng những loại trái cây thị trường ưa chuộng, chứ không phải loại trái cây nhà vườn thích. Hiện nay nhãn Ido và xuồng cơm vàng được thị trường rất ưa chuộng, luôn được giá, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Chính vì vậy, khi nhãn da bò bị bệnh, tuy gây thiệt hại nhiều nhưng là cơ hội để nhà vườn chuyển đổi giống cây trồng mới, nâng cao chất lượng vườn cây ăn trái, nâng cao hiệu quả kinh tế vườn.
Song vấn đề đặt ra hiện nay là diện tích nhãn Ido và xuồng cơm vàng ngày càng tăng, thời gian tới sẽ cho một sản lượng trái lớn và đã xuất hiện sâu bệnh (nhãn Ido đã có hiện tượng nhiễm bệnh chổi rồng). Vì vậy cần có biện pháp tích cực để phòng trị sâu bệnh và xúc tiến việc hợp tác, liên kết tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Related news

Còn hơn 4 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán 2016, nhưng hiện nay nông dân Làng hoa Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã tất bật xuống giống một số loại hoa dài ngày để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết.

Từ năm 2013 đến nay các vùng rau tại Đà Lạt xuất hiện loài chân khớp "lạ" được người dân gọi là "siêu nhân". Đây là đối tượng gây hại khá nghiêm trọng cho nhiều cây rau, hoa, dâu tây.

Sáng 12-10, tại hội nghị giao ban xuất khẩu chín tháng của năm 2015 diễn ra ở TP.HCM, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bày tỏ lo lắng khi cho rằng hoạt động xuất khẩu trong ba tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Nhờ liên kết chặt chẽ với một công ty trên địa bàn mà nông dân Trần Trung Thứ (52 tuổi, Hiệp Thạnh, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã vươn lên làm giàu với việc trồng hoa lan vũ nữ xuất khẩu sang Nhật.

Những ngày qua, các hộ dân sống ven đầm Thủy Triều thuộc bắc bán đảo Cam Ranh tỉnh Khánh Hòa đều rất phấn khởi trước vụ nuôi hải sâm năm nay được mùa.