Người Góp Phần Tích Cực Trong Việc Lai Tạo Đàn Bò Ở Tây Sơn (Bình Định)
Sau hơn 20 năm làm nghề dẫn tinh viên, ông Võ Kỳ Nam, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định giúp lai tạo, cho ra đời được vô số bò lai. Tốt nghiệp đại học năm 1990, với tấm bằng kỹ sư chăn nuôi - thú y, ông Nam về làm cán bộ thú y cơ sở tại địa phương. Năm 1995, ông đi học thêm lớp dẫn tinh viên phối giống bò tại Ba Vì (Hà Tây) và gắn bó với nghề này cho đến nay.
Ông tâm sự: “Đối với nông dân xứ mình, con bò là cả cơ nghiệp. Nhưng lâu nay bà con vẫn nuôi giống bò sẻ, bò cỏ đã thoái hóa và có nhiều nhược điểm; lại cho sinh đẻ tự nhiên, nên hiệu quả kinh tế không cao. Tôi luôn suy nghĩ phải làm sao để cải tạo giống bò ở địa phương. Và để có thực tế cho bà con tin, tôi đã áp dụng ngay trên con bò cái của gia đình. Sản phẩm đầu tay của tôi là một con bê lai khỏe mạnh, dòng Brahman. Nghe tin, bà con đến tận chuồng tham quan, ai thấy cũng mê”.
Thời gian qua, ông Nam đã góp phần tích cực trong việc lai tạo đàn bò ở Tây Sơn. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2014, đã có 1.333 con bò được ông thụ tinh nhân tạo, tỉ lệ đậu thai trên 80%. Theo ông Nam, để bò đạt được tỉ lệ đậu thai cao cũng như sinh đẻ thành công, ngoài tay nghề của dẫn tinh viên, cần phải hội đủ 3 điều kiện: Chọn thời điểm truyền tinh thích hợp, chất lượng tinh tốt, nhất là kỹ thuật chăm sóc trong giai đoạn bò mang thai. Ngoài vai trò dẫn tinh viên, ông Nam còn là người chuyển giao kỹ thuật nuôi bò, tận tình hướng dẫn người chăn nuôi về cách chăm sóc, quản lý, phòng ngừa dịch bệnh và theo dõi thời điểm phối giống thích hợp cho bò để đạt hiệu quả cao nhất.
Ông còn là nông dân sản xuất giỏi của huyện Tây Sơn. Gia đình ông đang sở hữu một ao cá nước ngọt với diện tích hơn 4 ha, mỗi năm thu gần 10 tấn cá các loại. Ông còn nuôi trên 2.000 con vịt đẻ; buôn bán thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, phối giống heo… có tổng thu nhập hàng năm trên 350 triệu đồng. Với những thành tích đạt được, ông Võ Kỳ Nam đã được UBND tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh… tặng nhiều giấy khen, bằng khen.
Related news
Cây cam Chanh được di nhập vào đất Ninh Giang (Hải Dương) từ lâu đời và được nhân dân thuần hoá, lưu giữ thành đặc sản của xứ Đông. Tuy nhiên giống cam quý này đang thoái hóa, diện tích trồng rất hạn chế. Giải pháp phục tráng liệu có bảo tồn, phát triển được vườn cam Chanh?
Được hưởng đặc ân phù sa bồi đắp cho biền bãi của dòng sông Bồ, một thời quýt Hương Cần (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) là thứ đặc sản dùng để tiến vua. Trái quýt cũng mang lại đời sống ấm no cho thôn Giáp Kiềng. Qua thời gian, giống quýt quý lụi tàn dần, số hộ bám trụ với cây cũng chẳng còn được mấy người…
Thuộc nhóm những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên địa bàn xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình anh Phạm Lê Binh, thôn Khởi Xá Ngoài là một trong những điển hình trong cách tư duy, cách làm mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rệp sáp bột hồng trên cây mì gây ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành kết hợp cùng Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh tổ chức thả ong ký sinh để phòng trừ rệp sát bột hồng.
Anh Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình trồng xen cây chanh trong hơn 2 ha cao su của gia đình. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc tốt nên chanh luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao.