Khi nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật
Chỉ đến khi được tiếp cận các nguồn vốn vay, được trang bị những kiến thức, kỹ thuật trong chăn nuôi, họ đã trở thành những nông dân sản xuất giỏi với những mô hình chăn nuôi cho thu nhập ổn định...
Mô hình nuôi vịt cổ xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Hiếu.
Theo lời giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Sơn La, chúng tôi về huyện Mộc Châu, huyện có nhiều mô hình kinh doanh, sản xuất giỏi, như mô hình chăn nuôi đặc sản, cho thu nhập cao tại các xã vùng sâu, vùng xa; ngoài việc mang lại thu nhập cao cho các hộ gia đình, mô hình chăn nuôi này còn mở ra hướng đi mới trong phát triển, duy trì nghề chăn nuôi những loại vật nuôi đặc sản.
Mô hình đầu tiên chúng tôi tới thăm là mô hình nuôi lợn rừng dưới tán rừng của hộ ông Đinh Văn Seo, bản Tà Lọt, xã Tà Lại.
Cũng như nhiều gia đình trong xã, trước đây gia đình ông gặp không ít khó khăn khi tìm hướng phát triển kinh tế để xóa nghèo; gia đình ông đã thử rất nhiều cách để tăng thu nhập cho gia đình, như: trồng ngô, nuôi lợn, gà, vịt...
Tuy nhiên, do thiếu vốn, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, vẫn duy trì phương thức sản xuất cũ nên thu nhập không đáng kể, có năm còn mất trắng do chăn nuôi bị dịch bệnh, trồng trọt kém hiệu quả, sâu bệnh.
Từ khi được hỗ trợ một phần vốn, được tiếp cận kỹ thuật nuôi lợn rừng, ông thực hiện mô hình nuôi lợn rừng dưới tán rừng, mỗi năm tính từ tiền bán lợn thịt, lợn giống gia đình ông thu lãi trên 60 triệu đồng.
Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi lợn dưới tán rừng của gia đình, ông Đinh Văn Seo chia sẻ: Năm 2013, đúng thời điểm đang bối rối vì không biết phải làm gì để tạo thu nhập và xóa nghèo cho gia đình thì được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình nuôi lợn rừng.
Ngoài việc được hỗ trợ 50% tiền mua giống ban đầu, gia đình còn được cán bộ khuyến nông và hội nông dân tới hướng dẫn kỹ thuật. Tranh thủ 2,5 ha đất trồng rừng trước đó, tôi vay vốn mua lưới sắt về quây lại toàn bộ diện tích đất rừng và nuôi thả lợn đúng như trong tự nhiên.
Toàn bộ chân lưới được đào sâu 40cm rồi đổ bê tông và cách 3m lại đổ một cột bê tông để đảm bảo lợn không xổng ra ngoài. Với 5 cặp giống ban đầu, không tính số lợn gần 70 con đã bán trước đó, hiện tại số lợn của gia đình tôi còn khoảng 50 con. Từ khi có lợn thịt, lợn giống bán, chưa phải đi đâu xa để bán, thương lái đến tận nơi mua với giá 160.000 đồng/kg.
Chính nhờ nuôi thả tự nhiên mà đàn lợn của ông Seo phát triển tốt, đến thời điểm này chưa bị mắc dịch bệnh.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình ông đã thành công khi cho lợn rừng giống gốc lai với lợn địa phương. Bởi lẽ, thịt lợn rừng chủ yếu là nạc, nếu lai với lợn nhà, thịt lợn sẽ có thêm tỷ lệ mỡ, khi chế biến đồ ăn sẽ ngon hơn.
Cũng như gia đình ông Đinh Văn Seo, từ chỗ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cách thức phát triển kinh tế, được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, đến nay gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu, bản Bãi Sậy, xã Mường Sang đã có một mô hình chăn nuôi lợn bản, gia cầm tiêu biểu.
Trong đó, mô hình nuôi vịt cổ xanh của gia đình bà mỗi năm thu lãi trên 70 triệu đồng.
Qua tìm hiểu được biết: trước đây bà Hiếu thường thu gom giống vịt cổ xanh ở các bản về nuôi.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc nên vịt thường bị dịch chết. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện hỗ trợ 50% tiền mua giống, được chuyển giao kỹ thuật nuôi vịt cổ xanh, gia đình bà đầu tư 100 con giống.
Rút kinh nghiệm trước đây, hàng tháng gia đình bà lại phun thuốc khử trùng chuồng trại, cho vịt uống thuốc để phòng bệnh.
Đồng thời, định kỳ mời cán bộ thú y, cán bộ khuyến nông kiểm tra để có hướng xử lý kịp thời nếu đàn vật nuôi bị bệnh. Bà Hiếu cho biết: trong chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng, nhất là khâu phòng bệnh và tạo môi trường sống cho đàn vật nuôi phải đảm bảo như ngoài tự nhiên.
Hiện tại đàn vịt nhà tôi phát triển rất tốt, với gần 500 con vịt cổ xanh. Có thời điểm lên tới 700 con. Mỗi năm gia đình tôi xuất từ 3 - 3,5 tạ vịt thương phẩm, với giá bán tại chuồng 120.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, tôi nuôi thêm gần 200 con gà lấy trứng, bán giống và nuôi ngan thịt và trên 30 con lợn bản; gia đình còn trồng mỗi năm 10kg ngô giống, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi. Trừ chi phí cũng thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.
Từ câu chuyện áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi của gia đình ông Seo và bà Hiếu cho thấy:
Nếu những tiến bộ khoa học kỹ thuật được người nông dân áp dụng vào thực tế thì sản xuất nông nghiệp sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, ổn định an ninh chính trị địa phương.
Do vậy, trong thời gian tới, các huyện, thành phố, cần có những chính sách phù hợp với từng địa bàn để chuyển giao, hỗ trợ người nông dân về khoa học kỹ thuật, để người nông dân tiếp tục áp dụng hiệu quả vào sản xuất.
Related news
Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu trên 134.000 tấn tiêu, thu về gần 900 triệu USD. Đây là giá trị cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam từ trước đến nay. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, sản lượng của vụ mùa tiêu năm 2014 này của cả nước tăng không nhiều. Nhưng do nguồn cung tiêu trên thế giới sụt giảm nên giá tiêu xuất khẩu sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.
Những năm gần đây, khi hiệu quả kinh tế của cây nhãn tiêu Huế bị ảnh hưởng vì bệnh “chổi rồng”, nhiều nhà vườn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã mở rộng diện tích trồng nhãn Ido (một giống nhãn Thái Lan) vì năng suất cao, đầu ra ổn định và kháng sâu bệnh tốt.
Bộ trưởng Công nghiệp ưu tiên Úc - ông Willem Westra Van Holthe cho biết, Bắc Úc hiện là nguồn xuất khẩu trâu duy nhất ở nước này và nhà chức trách bang rất nỗ lực xây dựng mối quan hệ với các đối tác phía Bắc để thúc đẩy kinh doanh.
Trong sản xuất lúa gạo hiện nay, Đồng Tháp chọn hướng đi mới là áp dụng mô hình “cánh đồng liên kết”. Với lựa chọn này, địa phương mong muốn gắn kết chặt chẽ nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu hơn là quan tâm đến quy mô sản xuất lớn hay nhỏ.
Tuy chỉ cách quốc lộ 20 vài cây số, nhưng đường vào vườn bưởi của ông Phạm Trí Việt ở ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán, Đồng Nai) lại khá vất vả vì chỉ có con đường mòn đầy sỏi đá, lên dốc xuống đèo.