Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nà Hang Và Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản

Nà Hang Và Mục Tiêu Phát Triển Kinh Tế Thủy Sản
Publish date: Saturday. July 27th, 2013

Với nguồn tài nguyên nước phong phú, cùng diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang trên 8.000 ha, Nà Hang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi và khai thác thủy sản..

Năm 2012, sản lượng thủy sản thu hoạch trên địa bàn huyện Nà Hang đạt 564 tấn, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Nuôi thủy sản tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương. Hiện nay, huyện Nà Hang đang duy trì 3 hình thức phát triển nghề nuôi thủy sản, đó là: Nuôi cá lồng, cá hồ và cá ruộng.

Trong đó, diện tích ao hồ chiếm 33,7 ha; cá ruộng 54 ha và hơn 4.000 ha nuôi cá lồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, trong đó có 3 bộ cá chiếm phần lớn số loài là bộ cá chép, bộ cá vược và bộ cá nheo.

Ngoài ra còn một số loại cá bản địa khá nổi tiếng như cá Dầm Xanh, Anh Vũ phân bố tại các hang, khe suối, hồ đầm thủy vực tự nhiên, nằm trong những nhóm cá quý có giá trị kinh tế cao. Phần lớn các loại cá được người dân lựa chọn nuôi là cá mè, trắm cỏ, trôi, rô phi...

Anh Lê Quốc Thân, thôn Nà Mỏ, thị trấn Nà Hang có nhiều lồng nuôi cá, cho biết hiện anh đang tập trung nuôi các loại cá da trơn cho thu nhập cao như: Nheo, quất, trê với 5 lồng nuôi, mỗi năm xuất bán ra thị trường 2-3 lứa cá, mỗi lứa từ khoảng 5-7 tạ cá các loại, thu lãi 40-50 triệu đồng mỗi năm.

Cũng theo anh Thân, những năm trước, năng suất cá trung bình từ 0,5-0,7 tấn/ha thì người nuôi cá chưa có lãi nhiều. Năng suất phải đạt trên 1 tấn/ha người nuôi mới có lãi và thực sự yên tâm vào nghề. Đến nay, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nuôi trồng thủy sản, năng suất cá bình quân toàn huyện đã đạt 1,19 tấn/ ha.

Để phát triển nghề thủy sản theo hướng bền vững, Nà Hang đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều dự án nuôi trồng thủy sản trong hồ thủy điện Tuyên Quang. Huyện đặt ra mục tiêu từ nay đến 2015 tận dụng hết diện tích các ao hồ nhỏ đưa vào nuôi cá, cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư để chuyển giao công nghệ cho các gia đình.

Từ đầu năm đến nay, Nà Hang đã chuyển một số diện tích ao hồ nhỏ ở các xã Năng Khả, Thanh Tương sang làm trại sản xuất cá giống, nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu về cá giống của người nuôi cá ở tại địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi, thực tế phát triển kinh tế thủy sản ở Nà Hang cũng còn nhiều khó khăn, như giá thu mua cá bấp bênh, dịch bệnh… trong đó nổi bật là khâu tiêu thụ và tìm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân. Xác định được khó khăn này, UBND huyện đã khuyến khích sự liên kết giữa người nuôi và thương lái theo hướng thiết lập mối quan hệ mua bán cùng có lợi để điều tiết ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ở một nhu cầu phát triển cao hơn, huyện tiến tới xây dựng cơ sở bảo quản và sơ chế sản phẩm sau thu hoạch, như: Sản xuất nước đá, phơi sấy cá tạp, làm bột cá chăn nuôi gia súc, đồng thời xây dựng chợ cá đầu mối để người nuôi cá, thương lái và người tiêu dùng có điều kiện giao thương.

Anh Ngô Văn Quang, một trong những người nuôi cá lồng lâu năm tại khu vực Bến Thủy, thị trấn Nà Hang chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, người nuôi cá lồng cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn tiêu thụ của thị trường hạn chế, nhiều chủ lồng cá “lao đao” vì cá đến thì mà không xuất bán được.

Tuy nhiên, từ đầu năm trở lại đây thì nghề cá có phần khởi sắc khi mà đầu ra trở nên “dễ thở”, các chủ buôn cá thường chủ động tìm đến mua tại lồng, chứ anh không còn phải “lặn lội” như trước nữa. Cùng với việc phát triển khai thác thủy sản, huyện Nà Hang còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng lòng hồ, duy trì điều kiện nước tốt để cho tôm, cá phát triển tự nhiên.

Tháng 6 vừa qua, UBND huyện Nà Hang đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tiến hành thả tái tạo, bổ sung một số giống cá trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, tổng số lượng cá giống đã được thả là 17.900 con, trong đó có 15.500 con cá Mè trắng, Mè hoa, Trôi; 2.400 con cá Bỗng, Chiên, Dầm xanh, Anh vũ.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế thủy sản, Nà Hang đã thông qua quy hoạch phát triển thủy sản huyện giai đoạn 2011-2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, toàn huyện có trên 4.925 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng 1.225 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản trên 35 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân của huyện vùng cao này.


Related news

Biện Pháp Phòng, Trị Một Số Bệnh Ở Dê Biện Pháp Phòng, Trị Một Số Bệnh Ở Dê

Luôn đảm bảo chuống nuôi sạch sẽ, khô ráo. Mỗi tuần nên quét dọn phân trên nền chuống và rắc vôi bột một lần. Một quý nên tổng vệ sinh, sát trùng chuống nuôi, tiêu độc rãnh phân và sân chơi một lần.

Saturday. October 12th, 2013
Giới Thiệu Một Số Giống Dê Đang Có Trên Thị Trường Giới Thiệu Một Số Giống Dê Đang Có Trên Thị Trường

Dê đang nuôi ở các điạ phương gồm nhiều loại giống khác nhau và các con lai của chúng. Có thể kể các giống dê như dê cỏ, dê Bách Thảo, dê Alpin Pháp, dê Barbari Ấn Độ.

Saturday. October 12th, 2013
Chỉ Có 9 Hộ Tham Gia Bảo Hiểm Tôm Nuôi Chỉ Có 9 Hộ Tham Gia Bảo Hiểm Tôm Nuôi

Tính đến tháng 9/2013, toàn tỉnh Bạc Liêu chỉ thực hiện được 11 hợp đồng bảo hiểm tôm nuôi (gồm 9 hộ nuôi trên diện tích hơn 7ha), tổng chi phí hơn 355 triệu đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 213,26 triệu đồng).

Monday. October 14th, 2013
Sử Dụng Lá Bạch Đàn Phòng Ngừa Bệnh Heo Tai Xanh Sử Dụng Lá Bạch Đàn Phòng Ngừa Bệnh Heo Tai Xanh

Cách pha trộn thức ăn với lá cây bạch đàn rất đơn giản, không chỉ phòng ngừa bệnh heo tai xanh hiệu quả mà còn giúp người chăn nuôi tiết kiệm được chi phí tiêm phòng vắc xin khá lớn.

Monday. October 14th, 2013
Đề Nghị Mở Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Bầu Bến Tại Huyện Lương Sơn (Hòa Bình) Đề Nghị Mở Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Vịt Bầu Bến Tại Huyện Lương Sơn (Hòa Bình)

Ngày 10/10, tại xã Hợp Thanh, phòng NN & PTNT huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phối hợp với Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên – Viện Chăn nuôi tổ chức tổng kết mô hình vịt bầu Bến tại 3 xã vùng Nam Lương Sơn (Cao Dương, Cao Thắng, Hợp Thanh).

Monday. October 14th, 2013