Một số lưu ý khi khởi sự nuôi bò sữa ở nông hộ
Vì thế ở quy mô nông hộ, bà con cần đáp ứng được một số điều kiện trước khi quyết định nuôi bò sữa, nhằm nắm chắc thành công, sản xuất được lâu dài và có thu nhập cao từ nghề này.
Nuôi bò sữa đang là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng, giúp cho nhiều nông hộ có thu nhập ổn định. Vì vậy ngày càng có nhiều nông dân có nhu cầu nuôi bò sữa. Với mô hình chăn nuôi nông hộ, điều đầu tiên bà con cần chú ý chính là chuẩn bị nguồn vốn đầu tư. Nuôi bò sữa cần nguồn vốn ban đầu khá cao, người chăn nuôi phải xác định được khả năng kinh tế của mình (về nguồn vốn, đất đai, công lao động).
Ngoài ra còn phải tìm hiểu thị trường, đầu ra sản phẩm; Khi đã biết rõ hiệu quả kinh tế, tính bền vững, bà con sẽ yên tâm bắt tay vào làm; Bước kế tiếp là bà con cần nắm vững các kỹ thuật về nuôi dưỡng chăm sóc, khai thác bò sữa để hạn chế tối đa những rủi ro do thiếu kiến thức, không nắm vững kỹ thuật; Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật của Ban quản lý dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, Trung tâm khuyến nông, nghiên cứu các tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi thành công… sẽ giúp bà con chăn nuôi hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Minh – Phó giám đốc Ban QLDA Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sau khi đã xác định đủ điều kiện về vốn và kiến thức, bà con mới tiến hành khởi sự nuôi bò sữa. Bước đầu tiên để nuôi bò là chuẩn bị đủ diện tích đất làm chuồng và đất trồng cỏ, am hiểu kỹ thuật trong chăn nuôi… trước khi bắt bò giống về nuôi.”
Sữa là sản phẩm mau hư hỏng, được tồn trữ bằng những biện pháp, những phương tiện đặc biệt. Nếu không được bảo quản làm lạnh thích hợp, sau 2 – 3 giờ, sữa sẽ bắt đầu hư và sau 12 giờ thì không dùng được nữa. Vì vậy, sữa sau khi vắt phải được bảo quản và vận chuyển nhanh nhất đến các cơ sở thu mua, chế biến; Như vậy ngoài thiết kế chuồng trại, vị trí đặt chuồng xa hay gần trạm thu mua sữa cũng cần được bà con quan tâm.
Theo tính toán của Ban QLDA, mỗi ngày Sóc Trăng có trên 30 tấn sữa cần tiêu thụ, được HTX Evergrowth hợp đồng thu mua, với 6 trạm thu mua được đặt tại xã Thuận Hưng huyện Mỹ Tú, xã Đại Tâm, xã Tham Đôn huyện Mỹ Xuyên, xã Tài Văn, Viên An huyện Trần Đề. Như vậy, đối với những hộ nuôi bò gần các trạm thu mua sữa thì rất thuận tiện, còn những hộ ở xa cần tính toán lại thời gian, cũng như nắm chắc các kỹ thuật bảo quản sữa, để đảm bảo hiệu quả.
Trước khi nuôi bò bà con cần trồng cỏ trước để đảm bảo nguồn thức ăn. Giống bò cao sản thường đòi hỏi nhu cầu về thức ăn, nước uống nhiều hơn, chất lượng tốt hơn để đáp ứng cho nhu cầu về sản xuất. Do đó theo tính toán của ngành chức năng, với 1ha đất trồng cỏ sẽ đủ để nuôi 13 con bò trưởng thành.
Tùy vào điều kiện từng nông hộ và số lượng bò muốn nuôi, bà con tính toán để có đủ nguồn thức ăn cho bò. Việc chọn được giống bò tốt là khâu rất quan trọng vì quyết định đến 60% sự thành bại của việc chăn nuôi.
Các giống bò hướng sữa phổ biến ở Sóc Trăng hiện nay là: bò lai Sind có màu vàng hay vàng cánh gián, có u, yếm phát triển (thường bò cái nặng khoảng 250kg), u yếm càng phát triển, màu vàng càng đậm, tỉ lệ máu bò Sind càng cao là bò tốt. Năng suất cho sữa khoảng 1.200 – 1.500 kg/chu kỳ; Hai là Bò lai Holstein Friesian F1 thường có màu đen tuyền (đôi khi đen xám, đen nâu).
Tầm vóc lớn (bò cái khoảng 300 - 400 kg/con ), năng suất sữa khoảng 2.700 kg/chu kỳ. Phần lớn các giống bò phổ biến hiện nay đã được lai tạo để phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta, tuy nhiên quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại và vệ sinh thú y, đặc biệt là chế độ thức ăn và phòng bệnh cho bò, sẽ quyết định trực tiếp đến sức tăng trưởng, sinh sản cũng như chất lượng sữa bò.
Bà Huỳnh Thị Thảo, người đã có trên 10 năm nuôi bò sữa ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú cho biết khi nuôi bò sữa bà con nên chọn mua bò từ 12 – 14 tháng tuổi, có giá từ 20 – 30 triệu đồng/con. Đây là giai đoạn bò trưởng thành, đạt trọng lượng từ 200 – 300kg, sức khỏe tốt thích hợp cho việc phối giống đậu thai. Theo bà Thảo, ngoài việc chuẩn bị chu đáo về chuồng trại và thức ăn, người nuôi cần hiểu rõ đặc tính và các kỹ thuật chăm sóc, giúp bò phát triển tốt, khỏe mạnh, tạo tiền đề tốt cho việc phối giống và cho sữa.
Từ 2 con bò lai Sind ban đầu, hiện bà Thảo đã có 12 con bò, trong đó 6 con đang cho sữa, mỗi ngày cho trên 50kg sữa, với giá sữa hiện là 12.800 đ/kg, bà thu về trên 600 ngàn đồng. Theo bà Thảo tính toán, mỗi năm sau khi trừ các chi phí, gia đình bà có lời trên 80 triệu đồng, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. Hiện tại bà đã xây dựng xong và sử dụng tốt mô hình chuồng chăn nuôi kết hợp hầm ủ Biogas, vừa giảm ô nhiễm môi trường, tiện ích cho cuộc sống, vừa tạo độ bền vững mô hình sản xuất của gia đình. Đây cũng chính là mô hình kiểu mẫu mà các nông hộ nuôi bò sữa nên hướng đến.
Related news
Hình thành từ năm 1990, Tam Nông (Đồng Tháp) là địa phương có vùng nuôi cá lóc sớm nhất và nhiều nhất của tỉnh. Năm 2012, toàn huyện có 52 hộ nuôi cá lóc với diện tích 60ha, sản lượng gần 14.000 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Phú Thọ gần 30ha, trở thành làng nghề truyền thống của huyện.
Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân xóm 13 phường Ỷ La Thị xã Tuyên Quang đã tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà thịt và vịt đẻ trứng...
Dù bị nghiêm cấm nhưng hiện nay, trên nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Trị vẫn tồn tại nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện. Tình trạng đánh bắt mang tính hủy diệt này đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, hủy diệt môi sinh, tận diệt nguồn lợi thủy sản trên các sông ngòi, kênh rạch và đồng ruộng.
Trong chiến dịch hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM, Sở Công thương TPHCM vừa chủ trì buổi kết nối các DN sản xuất rau đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm.
Trước tình hình dịch bệnh heo tai xanh đã bùng phát tại tỉnh Long An, địa phương giáp ranh Tiền Giang, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y (CCTY) Tiền Giang