Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thương Lái Nước Ngoài Mua Lá Khoai Lang Non Làm Gì?

Thương Lái Nước Ngoài Mua Lá Khoai Lang Non Làm Gì?
Publish date: Saturday. March 1st, 2014

Người dân cần nâng cao cảnh giác để loại bỏ ý đồ không lành mạnh của thương lái nước ngoài nhằm phá hoại kinh tế.

Những ngày qua, người dân xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long kể nhau nghe chuyện: Có người hỏi mua đọt lá khoai lang với mức giá 10.000 đồng/kg. Đối với người dân thì đây là chuyện bất thường. Bất thường bởi từ trước đến nay lá khoai lang thường rất ít bán, nếu có bán cũng chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Thông tin thương lái đến hỏi mua lá khoai lang được ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Lợi khẳng định. Theo đó, vào trung tuần tháng 2, có 3 người, trong đó 2 người Trung Quốc và một người Việt Nam, đến Hợp tác xã Thành Lợi hỏi mua lá khoai lang với mức giá 10.000đồng/kg được trả cho nông dân và trả thêm tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg cho Hợp tác xã Thành Lợi khi thu mua lá khoai.

Thương lái nước ngoài mua lá khoai lang non làm gì?

Đặc biệt, họ mua với số lượng không giới hạn và yêu cầu lá khoai lang phải xanh, tốt và non. Đồng thời, những người này còn đặt cọc cho Hợp tác xã Thành Lợi 20 triệu đồng và đề nghị Hợp tác xã dẫn họ thăm quan ruộng khoai lang và tiếp xúc với người dân. Thấy sự việc có điều bất thường, ông Trung đã đưa ra một số yêu cầu và hẹn sẽ trao đổi với nông dân rồi trả lời sau.

“Khi tôi đòi xem hợp đồng hoặc giấy tờ, những người này nói sẽ ứng tiền trước, hợp tác xã sẽ thu mua và cung hàng sau. Việc đưa tiền trước theo họ nói là để phổ biến cho bà con nông dân nghèo không có việc làm hoặc học sinh để nhà có trồng khoai lang thì hái lá đem bán lấy tiền”, ông Trung cho biết.

Ông Lê Văn Trung còn cho biết thêm, tại địa phương, thời gian từ khi xuống giống đến khi thu hoạch khoai lang là 5 tháng. Nếu Hợp tác xã Thành Lợi đồng ý bán lá khoai lang với mức giá theo yêu cầu thì cái lợi trước mắt là rất rõ ràng. Do thời gian rảnh rỗi của bà con nhiều, cứ ra ruộng hái lá đem bán.

Tuy nhiên, xét về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất vì khi ngắt lá và dây thì củ khoai sẽ không được cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, dẫn tới củ sẽ nhỏ và dài. Ước giảm trên 50% năng suất. Trong khi đó diện tích trồng khoai lang tại xã Thành Lợi chiếm khoảng 70% diện tích đất canh tác toàn vùng. Do đó thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn đối với nông dân.

Về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Nhăm, nông dân xã Thành Lợi, huyện Bình Tân hiện đang trồng khoai lang cho rằng, việc có người đến mua lá khoai lang là điều rất kỳ lạ, bởi từ trước đến giờ lá khoai lang không thường được sử dụng, có chăng là lấy dây khoai lang để bán cho người khác trồng

“Đây đúng là việc không bình thường. Trước đây cũng có thương lái hỏi nhưng mình hợp đồng với Hợp tác xã nên không bán cho ai. Họ hỏi mua lá khoai lang dạng cắt khoảng một tấc rưỡi từ trên đọt xuống rồi hái lá, làm như thế ảnh hưởng lớn đến việc sinh trưởng của cây, không nuôi củ được trong khi mục đích trồng khoai là để lấy củ chứ không bán lá”, anh Nhăm cho biết.

Với hình thức thu mua hàng nông sản như các thương lái đã trao đổi, đây là việc không còn quá xa lạ với người dân ĐBSCL. Do đó, vấn đề mua bán cần phải có hợp đồng rõ ràng không thể nói suông - điều mà các thương lái luôn sử dụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Lợi, huyện Bình Tân cho biết, ngay sau khi có thông tin những thương lái hỏi mua lá khoai lang, UBND xã đã có báo cáo gửi lên cấp trên. Đồng thời, khuyến cáo bà con cần bình tĩnh, suy xét cặn kẽ trước khi quyết định, tránh nóng vội, không nên vì lợi ích ban đầu mà ảnh hưởng về sau.

“Qua sự việc này, về phía địa phương nhận thấy đây là hiện tượng bất thường, trước giờ chưa thấy thương lái đến mua lá với đọt non vì nó ảnh hưởng rất lớn tới năng suất khoai lang. Với lý do này nên dù thương lái có trả giá cao thì bà con cũng không bán.

Chính quyền địa phương đã vận động bà con đề cao cảnh giác đối với tất cả các trường hợp thương lái đến mua hàng nông sản không bình thường”, ông Thuận khẳng định.

Việc mua lá khoai lang mang tính chất bất thường là bài học về sự cảnh giác cho bà con nông dân và chính quyền địa phương, trước những thủ đoạn khôn lường của các thương lái nước ngoài. Sự manh nha phá hoại nông sản ở ĐBSCL trong thời gian qua đã gây thiệt hại lớn về kinh tế khiến người dân bao phen khốn khó vì trót nhẹ dạ cả tin.

Chính vì vậy, việc cảnh giác lần này của người dân đã loại bỏ ý đồ không lành mạnh của thương lái nước ngoài với âm mưu mua bán không văn tự nhằm phá hoại đến kinh tế Việt Nam.


Related news

Giá Cá Tra Rớt Còn 20.000 Đồng/kg Giá Cá Tra Rớt Còn 20.000 Đồng/kg

Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm rất mạnh. Chiều 20-6, giá cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, đây là mức giá rất thấp trong nhiều năm qua, khiến người nuôi chịu lỗ 4.000 - 5.000 đồng/kg

Sunday. June 24th, 2012
Nâng Tầm Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra Nâng Tầm Liên Kết Để Vực Dậy Ngành Cá Tra

Ngành sản xuất chế biến cá tra tạo ra sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn khi cả người nuôi và doanh nghiệp đều lâm cảnh khó, lại chưa gắn kết bền vững với nhau! Trong bối cảnh người nuôi thua lỗ lớn, doanh nghiệp thiếu vốn, cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh... thì mục tiêu xuất khẩu đạt 2 tỉ USD năm 2012 là một thách thức!

Sunday. June 24th, 2012
Có Chí Thì Nên... Tỷ Phú Có Chí Thì Nên... Tỷ Phú

Với thu nhập mỗi năm từ 400-500 triệu đồng, chị Phạm Thị Thanh ở xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, Bắc Giang là địa chỉ cho nhiều nông dân tìm đến học hỏi.

Tuesday. May 8th, 2012
Khai Thác Bền Vững Nguồn Ngao Giống Tự Nhiên Ở Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ Khai Thác Bền Vững Nguồn Ngao Giống Tự Nhiên Ở Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ

Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ bên cạnh giá trị là Khu Ramsar đầu tiên của Đông Nam Á còn là nguồn sinh kế trù phú của hàng chục vạn cư dân đang sinh sống tại 5 xã vùng đệm của huyện Giao Thuỷ (Nam Định).

Sunday. June 24th, 2012
Làm Giàu Trên Đảo Làm Giàu Trên Đảo

Tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) hàng trăm nông dân, bằng những cách làm riêng, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, được người dân trên đảo trìu mến gọi bằng một tên chung "những triệu phú chân đất".

Wednesday. May 9th, 2012