Mô Hình Trồng Nấm Sò Ở Mường Nhé
Sau gần 4 tháng triển khai mô hình trồng nấm sò ở huyện nghèo Mường Nhé bước đầu mang lại hiệu quả thêm hướng thoát nghèo cho người dân nơi đây.
Là huyện nghèo của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, do đó, việc lựa chọn cây, con, mô hình phát triển kinh tế cho người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững luôn là bài toán đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp PTNT huyện Mường Nhé cho biết: Từ khi triển khai thí điểm mô hình trồng nấm sò đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nấm có cánh to, trắng đều, phù hợp với khí hậu, thời tiết, độ ẩm ở vùng cao, dễ trồng và chăm sóc, có gíá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe…
Nhiều hộ trước đây thuộc diện nghèo của xã sau khi được tham gia mô hình này đã trở nên khá giả hơn. Chị Lò Thị Ổ, bản Mường Nhé, xã Mường Nhé tâm sự: Sau khi tôi được xã cho đi tập huấn lớp trồng nấm, được hỗ trợ về giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc gia đình tôi đã bắt tay xây dựng cơ sở trồng nấm sò.
Được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng nấm nên cơ sở trồng nấm của gia đình tôi phát triển khá tốt. Hiện nay gia đình tôi có 270 bịch nấm sò, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Với người dân vùng cao chúng tôi, khoản thu nhập này so với trồng lúa, trồng ngô thì nhàn hơn rất nhiều.
Không riêng gì gia đình chị Ổ, gia đình chị Khoàng Thị Trường tham gia mô hình trồng nấm sò cũng có gần 300 bịch nấm sò, cho thu nhập hàng tháng từ 2,7 đến 3 triệu đồng.
Nhìn những cánh nấm mọc rất đều nhau và chuẩn bị cho thu hoạch chị Trường chia sẻ: Kỹ thuật chăm sóc nấm không khó, chỉ cần trại nấm được che chắn cẩn thận, thoáng mát, chỉ sau một tháng là có thể thu hoạch được, với người làm nông thì tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của nhà như rơm, bùn cưa… đem khử trùng qua nước vôi, đánh đống, khoảng từ 4 - 5 ngày đóng thành bịch rồi cấy giống vào, treo bịch thành từng xâu 4 - 8 bịch, sau khi treo bịch lên thì tưới nước xung quanh thành bịch để tạo độ ẩm nhằm kích thích mầm nấm.
Khi mầm nấm trắng đều thì dùng dao lam rạch thành từng đường dài ở bên hông, sau 3 ngày thì cho thu hoạch, mỗi lần thu được từ 3 – 4 kg. Hiện nay giá bán trên thị trường có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg nấm tươi. Từ hiệu quả trồng nấm sò, trong thời gian tới, tôi sẽ mạnh dạn vay vốn, mua thêm giống, mở rộng quy mô sản xuất.
Chị Lành Thị Phán, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mường Nhé cho biết: Ban đầu, do bà con vẫn chưa áp dụng được kỹ thuật vào trồng nên cũng khó khăn, nhưng trong quá trình trồng nấm, các hộ gia đình được cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông Nghiệp PTNT huyện theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ về kỹ thuật nên nấm phát triển rất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, Hội Phụ nữ sẽ triển khai mô hình tới nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng hội vững mạnh.
Ngoài gia đình chị Ổ và chị Trường hiện nay gia đình chị Lò Thị Vang, Tống Thị Dung, Mào Thị Thom bản Mường nhé, Xã Mường Nhé cũng đang mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm phòng để trồng nấm. Sau gần 4 tháng thực hiện mô hình theo đánh giá của cán bộ kỹ thuật, các hộ trồng nấm đã biết được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm sò.
Để phát huy hiệu quả từ mô hình trồng nấm sò, ông Trần Trung Kiên, cho biết thêm: Từ thành công ban đầu của mô hình trồng nấm sò ở xã Mường Nhé, có thể xem đây là một mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp dân tham gia phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Thời gian tới Phòng Nông nghiệp huyện sẽ triển khai nhân rộng mô hình đến nhiều ngươi dân hơn.
Related news
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hiện nay hầu hết nông sản ngoài thị trường qua xét nghiệm mức độ đảm bảo tương đối cao (trên 90%), song vẫn chưa được người tiêu dùng thật sự yên tâm, tin tưởng. Vì vậy, việc xây dựng thành công chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn, hai mặt hàng quan trọng nhất hiện nay cho Hà Nội có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Nói chuyện đi gặt thuê, cắt lúa mướn ai cũng nghĩ trăm đường cơ cực. Dậy từ nửa đêm, cơm đùm cơm nắm, lỉnh kỉnh đòn xóc, quang gánh, tối về đã nhọ mặt người. Chuyện đó mới độ chục năm, giờ nghe đã như cổ tích, nhất là với đội quân cắt lúa thuê bằng máy...
Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang.
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ngư dân kỳ vọng có thêm điều kiện để đầu tư đóng mới, nâng cấp và cải hoán tàu cá vươn khơi bám biển dài ngày hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay hầu hết ngư dân vẫn còn băn khoăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này.
Lâu nay, ngư dân khai thác hải sản chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Khi ra khơi trên những chiếc tàu vỏ sắt, vỏ composite với các trang thiết bị hiện đại, ngư dân sẽ rất lúng túng. Vì vậy, đào tạo nghề cho ngư dân là việc làm hết sức cần thiết, giúp họ thêm tự tin khi vươn khơi.