Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mì không ngập nước vẫn úng củ, nông dân lỗ nặng

Mì không ngập nước vẫn úng củ, nông dân lỗ nặng
Publish date: Wednesday. August 5th, 2015

Đây là tình trạng xuất hiện ở huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, cụ thể là ở xã Tân Hưng. Được biết, tính đến thời điểm này có khoảng 90% nông dân trồng mì ở đây đã bán mì đám cho thương lái.

Thời điểm thu hoạch chưa đến, nhiều thương lái “tá hoả” khi phát hiện trong đám mì mà mình mua nhiều nơi bị úng thối củ. Năm ngoái mì úng là do bị ngập nước, năm nay nước chưa ngập nhưng mì vẫn bị thối củ. Gặp phải tình trạng vừa nêu, các thương lái và những hộ nông dân chưa bán mì đành phải bán tháo mì non để “chạy úng” (thời gian thu hoạch mì vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 9).

Mì chưa đúng tuổi thu hoạch, lại bị úng nhiều nên chữ bột thấp, thương lái cũng như nông dân đang phải kêu trời vì thua lỗ.

Ông Nguyễn Công Danh, ngụ tại tổ 4, ấp Tân Tây, xã Tân Hưng làm lái mì đã gần 10 năm nay cho biết: “Mì trồng gặp mưa tháng Giêng làm cho úng củ tuy có bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Năm trước mì mua cũng bị ngập nước nhưng còn nhìn thấy được lượng thiệt hại mà trừ tạp chất.

Năm nay, nhìn đám mì vẫn xanh tốt bình thường và không bị ngập nước, vậy mà không ngờ mì úng lại chiếm từ 50% đến 70%. Đến lúc phát hiện cây bị vàng lá, nhổ lên thì đã trễ. Tình hình này thương lái mua một ha mì non phải thiệt mất hơn một nửa”.

Theo lời ông Danh, những cây mì bị úng, thối củ không tập trung một chỗ mà chúng xen lẫn với những cây còn khoẻ mạnh trong đám. Mì bị úng nhổ lên được ba củ thì hỏng hết hai. Điều này gây khó khăn cho người thu hoạch, hoặc phải nhổ hết đám mì hoặc chấp nhận bỏ trắng.

Một tay lái mì ngụ tại ấp Tân Thạnh, xã Tân Hưng cho biết, hiện nay, hầu hết mì loại này chữ bột chỉ đạt khoảng 19 đến 20 điểm. Tuỳ theo nhà máy thu mua mà mức trừ phần trăm tạp chất có khác nhau. Nhưng thường có một mức chung như sau: trên 25 điểm trừ 8%, từ 20 đến 25 điểm trừ 10%, dưới 20 điểm trừ trên 10%.

Thương lái mua một ha mì giá khoảng 40 triệu đồng. Nhưng khi gặp tình hình như thế này, mì có trúng cũng chỉ thu hoạch được 13 đến 14 tấn, trừ các khoản chi phí như tiền công, xe vận chuyển, lái còn lại khoảng 10 triệu đồng.

Trường hợp mì bị thất, chỉ thu hoạch được 11 đến 12 tấn/ha, lái mì chỉ còn lại khoảng 8 triệu đồng”. Và như vậy thì thương lái mua mì cũng bị thua lỗ nặng. Những nông dân không bán mì cho lái cũng gặp phải tình trạng này.

Nông dân Nguyễn Thanh Trung, ngụ tại tổ 3, ấp Tân Tây, xã Tân Hưng đang phải bỏ trắng khoảng 3 ha mì ngao ngán nói: “Thương lái lỗ đám mì này thì còn hy vọng mua đám mì khác để gỡ vốn. Nông dân như tôi đành phải chịu mất trắng, bởi mì đã bị úng hơn 80%, nếu như thu hoạch sẽ không đủ tiền trả công và xe vận chuyển”.

Được biết, anh Trung đã phải cày bỏ 3 ha mì sau ba lần trồng lại. Tính tổng các khoản chi phí mà gia đình anh đành chịu mất không là khoảng 140 triệu đồng.

Anh Trung cho biết thêm: với vị trí đất trồng mì nhà anh, nếu không bị “dịch úng”, để mì đủ tuổi từ 11 đến 12 tháng thì hằng năm có thể cho thu hoạch khoảng 57 tấn/ha, với 3 ha mì anh có thể thu về gần 300 triệu đồng. Sau ba lần thất bại, anh Trung không còn đủ can đảm để trồng lại cây mì.

Mì nhà chị Phan Thị Huyền Linh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cũng không thoát khỏi tình trạng nói trên. Chị cho biết, toàn xã có khoảng 2.100 ha mì, hiện mới thu hoạch được hơn 200 ha nhưng đa phần là nhổ mì chạy úng.

Mì nhổ sớm, củ bị úng như vậy chữ bột không cao, thương lái và nông dân đều bị thiệt hại. Ruộng mì không bị ngập nước nhưng nhổ gốc lên nhiều củ đã bị úng. Nguyên nhân được cho là do mì bị thoái hoá cổ rễ nhưng chi tiết cụ thể thì phải nhờ đến cơ quan có chuyên môn.

Sáng ngày 28.7, đại diện Phòng Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu và Hội Nông dân xã Tân Hưng đã đến địa bàn khảo sát thực tế tìm hiểu nguyên nhân tình trạng cây mì không ngập vẫn úng củ. Đoàn đã tiến hành khảo sát nhiều đám mì thuộc địa bàn trảng Đồng Bò, ấp Tân Tây, xã Tân Hưng.

Quá trình khảo sát thực tế cho thấy mì bị thoái hoá cổ rễ, làm cho củ và rễ bị úng nghiêm trọng. Cũng có củ từ cây bệnh lại không úng (hoặc chưa úng kịp? - PV); trên cùng một đám mì nhưng lại có cây không bị úng củ. Và cũng có những đám mì ở khu vực gần đó lại hoàn toàn không bị úng.

Lúc cây mì mới bị nhiễm dịch úng, lá vẫn xanh tốt bình thường đến khi lá hơi suy vàng thì củ và rễ đã thối. Theo nhận định ban đầu của ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tình trạng này là do nấm và vi khuẩn gây ra.

Đó có thể là do các loại nấm như Fusarium, Rhizoctonia cùng các vi khuẩn Xanthomonas sp, Erwnia sp, Agrobacterium, Pseudomonas. Khi gặp nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, nhất là trong thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, các loại nấm và vi khuẩn ấy sẽ phát triển và lây lan nhanh phá hại cây mì.

Ông Lâm Văn Tính- Trưởng Phòng Nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vài khuyến cáo bà con nông dân: trước khi trồng mì nên xử lý đất bằng vôi, khoảng 400kg/ha, hoặc phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn (giải pháp phun thuốc hơi tốn kém).

Nếu mì giống đã bị nhiễm dịch thì nên tiêu huỷ, tuyệt đối không làm giống cho vụ sau. Người trồng cũng nên thường xuyên thay đổi giống mì, chịu khó xử lý diệt khuẩn hom giống trước khi trồng; tránh trồng mì ở những nơi trũng thấp, có khả năng bị đọng nước.

Không nên trồng quá dày sẽ tạo độ ẩm làm cho nấm và vi khuẩn dễ phát triển. Đất trồng phải thường xuyên luân canh với các loại cây trồng khác như lúa hay mía nhằm cắt dòng đời sâu bệnh.

Như vậy, nguyên nhân gây nên tình trạng mì úng bước đầu đã được xác định. Thiết nghĩ, cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu sâu hơn nữa để giúp bà con nông dân trồng mì nắm rõ cách thức phòng trị, tránh được thiệt hại trong quá trình sản xuất.


Related news

Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi Hệ Lụy Từ Vỡ Quy Hoạch Trên Tôm Nuôi

Mấy năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL đang phát triển ồ ạt, vượt tầm kiểm soát của hầu hết các tỉnh, không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý, mà nghiêm trọng hơn, nó đang làm “vỡ quy hoạch” hoàn toàn, để lại nhiều hệ lụy.

Wednesday. July 16th, 2014
Mất Cơ Hội Xuất Khẩu Vì... Nguyên Tắc Mất Cơ Hội Xuất Khẩu Vì... Nguyên Tắc

Nghêu lụa là một loại đặc sản của tỉnh Kiên Giang, đã được xuất khẩu rất nhiều suốt hơn 10 năm qua, đặc biệt nhu cầu nhập khẩu ở thị trường châu Âu rất lớn.

Tuesday. March 25th, 2014
Hai Hai "Mảng Màu" Rau Xuân Đà Lạt

Rau xanh Đà Lạt thu hoạch trước và sau Tết Giáp Ngọ khoảng 20 ngày, phần lớn đều giảm giá liên tục; chỉ tăng giá một vài loại rau sản lượng không đáng kể. Hai “mảng màu” rau xuân Đà Lạt đang đặt ra việc thay đổi “nông lịch” gieo trồng sao cho phù hợp hơn với thị trường.

Monday. February 24th, 2014
Nguồn Cung Giảm, Giá Gia Cầm Tăng Mạnh Nguồn Cung Giảm, Giá Gia Cầm Tăng Mạnh

Sau nhiều tháng liên tục rớt giá, dịp này, giá gia cầm tăng cao, tiêu thụ thuận lợi. Nhiều chủ trang trại thấy tiếc vì không dự báo được thị trường đã giảm đàn quá nhiều hoặc bỏ trống chuồng trại.

Thursday. July 17th, 2014
Thêm Cơ Hội Cho Người Nghèo Tiếp Cận Nuôi Bò Sữa Thêm Cơ Hội Cho Người Nghèo Tiếp Cận Nuôi Bò Sữa

Các gia đình thuộc diện nghèo tỉnh Sóc Trăng sẽ được hỗ trợ nuôi bò sữa nằm trong khuôn khổ dự án phát triển bò sữa giai đoạn 2013 - 2020.

Monday. February 24th, 2014