Mô Hình Trồng Bắp Lai Thương Phẩm Ở Phước Đại
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.
Nằm trong Chương trình 135, giai đoạn II năm 2012 của tỉnh, với kinh phí thực hiện 200 triệu đồng, mô hình được triển khai từ tháng 4 tại 4 thôn trong xã, với diện tích 17 ha, gồm 41 hộ. Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ giống bắp, thuốc, phân bón. Giống bắp sử dụng là SSC 586, đây là loại giống bắp lai ngắn ngày, thời gian từ 86-92 ngày, sinh trưởng mạnh, thích nghi với nhiều loại đất, trồng được nhiều vụ trong năm.
Trước khi thực hiện mô hình, xã đã triển khai khâu làm đất và tập huấn cho bà con về kỹ thuật trồng bắp lai thương phẩm. Trong quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông xã đã đến từng hộ dân, từng khu ruộng hướng dẫn tận tình về kỹ thuật canh tác bắp lai cho bà con: từ khâu làm đất, phân luống, phân ô, phân chia đường nước được thuận lợi, đến cách chăm sóc, bón phân, làm cỏ, theo nước….
Đến nay, bà con đã thu hoạch xong vụ bắp lai, năng suất đạt 40-50 tạ/ha, tăng gấp 5-6 lần so với bắp địa phương. Với giá bán từ 5.800-5.900/kg, trừ chi phí bà con thu lãi từ 12-13 triệu đồng/ ha. Đang phơi bắp mới thu hoạch về, anh Katơr Nhát, thôn Tà Lú 3 phấn khởi: “Trước kia nhà mình trồng bắp địa phương, với 2,5 sào đất, chỉ thu được hơn 1,6 tạ. Khi trồng bắp lai này, mình thấy năng suất rất đạt, thu hơn 10 tạ”.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, thành công từ mô hình trồng bắp lai thương phẩm đang tạo tiền đề thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng để nâng cao đời sống cho người dân ở Phước Đại.
Related news
Người nuôi cá tra tại ĐBSCL vẫn phải tiếp tục chịu lỗ, dù diễn biến trên thị trường đang có lợi họ, đặc biệt khi nguồn cung nguyên liệu đang sụt giảm và thị trường nhập khẩu dần “ấm” lên. Viễn cảnh trên cho thấy người nuôi cá tra thật sự đã hết cơ hội với nghề này.
Thời gian gần đây, giá heo tại Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung, đã tăng mạnh do thương lái ồ ạt thu mua heo mỡ. Giá heo tăng làm cho người chăn nuôi phấn khởi sau một thời gian dài lỗ nặng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu như thương lái ngừng mua.
Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.
Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...
Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.