Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Thanh Long Ruột Đỏ
Trên cở sở học tập kinh nghiệm từ mô hình đã cho hiệu quả tại tỉnh Bình Thuận, Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Ninh Hải đã triển khai thí điểm mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hải. Tuy bước đầu được trồng thí điểm trên diện tích 3 sào với 5 hộ tham gia, thế nhưng do hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác nên thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người dân địa phương.
Tại hội nghị tổng kết mô hình trồng thí điểm thanh long ruột đỏ tại xã Xuân Hải vừa diễn ra, những hộ tham gia mô hình tỏ ra phấn khởi bởi hiệu quả của cây trồng này mang lại. Ông Trần Cam, ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải phấn khởi cho biết: "Trước đây, đất đai ở nhà không trồng được cây gì cả, do đất sỏi đá, nghèo dinh dưỡng nên phải bỏ hoang. Cuối năm 2010, được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chọn thực hiện trồng thí điểm thanh long ruột đỏ, gia đình tôi đã tiến hành trồng 500 gốc, trên diện tích 1 sào. Được sự hỗ trợ về phân, giống và hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, cây thanh long phát triển rất tốt. Hiện nay cây đã cho trái và cứ khoảng 20 ngày thu hoạch 1 đợt, trung bình mỗi đợt thu trên 7 tạ. Qua 2 lứa thu, với giá bán tại vườn từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, gia đình đã thu về hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 10 triệu đồng, so với cây trồng khác thì giá trị kinh tế cao hơn nhiều".
Bà Hà Thị Hòa còn vui hơn khi nói đến loại cây trồng này:"Lúc đầu gia đình tôi cũng lo, bởi không có vốn đúc trụ để trồng, hơn nữa cây thanh long ruột đỏ là cây trồng còn quá mới mẻ . Tuy nhiên, khi được chọn tham gia mô hình trồng với diện tích 650 m2, được hỗ trợ kinh phí và được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật nên cây phát triển tốt, hiện đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác. Do là cây trồng mới nên khi trái chín là thương lái đến tận vườn để thu mua với giá cao, gia đình cũng vui lắm".
Mặc dù vậy nhưng bà Hòa cũng không giấu được vẻ lo lắng của mình, bà cho rằng: về lâu dài người dân sẽ làm giàu từ cây trồng này, nhưng đối với những hộ không có điều kiện kinh tế thì không thể trồng được, bởi chi phí ban đầu không nhỏ. Nếu như mở rộng diện tích trồng từ 800 đến 1.000 gốc thì chi phí làm trụ cũng mất gần một trăm triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Về lâu dài, chính quyền địa phương tạo nên điều kiện cho vay để người dân có vốn đầu tư mở rộng diện tích... Bên cạnh đó, cần có sự giúp đỡ của các ngành chức năng trong việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ, xây dựng thương hiệu trái thanh long ruột đỏ, có như vậy mới tránh được vòng luẩn quẩn cung - cầu, được mùa- mất giá... gây thua lỗ cho người trồng.
Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Cây thanh long ruột đỏ là cây trồng thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng ở tỉnh ta, trong đó có xã Xuân Hải, hơn thế nữa đây là loại cây trồng chưa phổ biến, thị trường tiêu thụ rộng nên việc huyện chọn thanh long ruột đỏ để trồng là quyết định đúng, phù hợp chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Thanh long ruột đỏ là loại trái cây có màu sắc đẹp, có vị ngọt đặc trưng, mỗi năm thu hoạch từ 7 đến 8 đợt. Đặc biệt, cây thanh long có tuổi đời dài đến 15 năm mới phải trồng lại, nên người dân rất yên tâm trong việc đầu tư đối với loại cây trồng này.
Thực tế tại địa phương cho thấy, sản phẩm quả thanh long ruột đỏ đang rất được thị trường ưa chuộng. Hiện không chỉ được các thương lái thu mua tại vườn với giá 15 ngàn đồng/kg, mà siêu thị CoopMart Thanh Hà cũng đã liên hệ với địa phương, đặt vấn đề hoàn thiện thủ tục xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để đưa vào tiệu thụ, đồng thời cùng với người trồng thống nhất phương án thu mua với giá cả ổn định ở mức (40.000 đồng/kg). Với hiệu quả đó, chắc chắn trong thời gian tới, người dân địa phương sẽ có thêm điều kiện để mở rộng sản xuất, nhân rộng mô hình này nhằm nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất.
Related news
Xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng là một trong nhiều địa phương ở tỉnh ta đang chờ phê duyệt Đề án xây dựng Nông thôn mới. Hầu hết các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới xã đều chưa triển khai thực hiện được. Song từ thực tế hiện nay, một số tiêu chí xã có thể triển khai ngay mà không cần đợi phê duyệt, đó là một số mục tiêu trong tiêu chí thứ 17 về xây dựng môi trường nông thôn.
Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng dự báo trong tháng 3/2013 với nhiệt độ ban ngày cao, ban đêm xuống thấp, ẩm độ cao... sẽ dễ xuất hiện bệnh rụng lá và bệnh phấn trắng trên hầu hết diện tích cao su của tỉnh Lâm Đồng và có nguy cơ phát triển thành dịch. “Thủ phạm” chính gây bệnh được xác định là do nấm Oidium Haver Hypomyces.
Trước nguy cơ cây xạ đen bị khai thác cạn kiệt ở những khu rừng già, trong xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sau nhiều năm canh tác trên các thửa ruộng khô nước, ông Sơn quyết định làm lễ "kết duyên" cây xạ đen với mảnh đất quê mình.
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi con đặc sản, năm 2012, Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Trạm Bảo vệ thực vật Tp. Phan Thiết vừa tổ chức lớp tập huấn về phòng trừ ruồi đục trên quả thanh long cho 50 nông dân trên địa bàn xã Tiến Lợi, Tp. Phan Thiết.