Mác Mật Được Mùa Kép

Thời điểm hiện nay, người dân ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc (Lạng Sơn) đang bước vào vụ thu hoạch quả mác mật với nềm vui được mùa, được giá.
Mác mật là cây có mùi thơm dễ chịu được dùng làm gia vị để chế biến các món lợn quay, vịt quay, măng ớt…nổi tiếng ở Lạng Sơn từ bao đời nay. Những năm gần đây, do giá trị cây mác mật đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ đã mở rộng diện tích.
Hiện nay, diện tích cây mác mật trên toàn tỉnh Lạng Sơn khoảng 350ha, sản lượng hàng năm đạt trên 5.000 tấn. Cây mác mật trồng tập trung ở các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Cao Lộc...
Từ đầu tháng 7 đến nay, người trồng mác mật đang bước vào vụ thu hoạch. Anh Hoàng Văn Xuân ở thôn Bản Đao, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: “Gia đình tôi có hơn 2,5ha cây mác mật, năm nay cây mác mật được mùa, lại được giá hơn mọi năm nên tôi cũng như bà con rất phấn khởi.
Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu hoạch được trên 2 tấn quả với giá bán 15.000đ/kg tại gốc, nếu thu hoạch hết vụ chắc được thêm 1 tấn nữa. Ước tính vụ mác mật năm nay gia đình tôi thu về không dưới 40 triệu đồng”.
Bà Hoàng Thị Pử ở thôn Manh Dưới, xã Trùng Khánh, huyện Văn Lãng cũng rất phấn khởi khi nói về vụ mác mật: “Do thời tiết thuận lợi nên năm nay cây mác mật nào cũng sai trĩu quả, với 1,5 ha gia đình tôi thu hoạch được gần 2 tấn quả, với giá bán 14.000 đ/kg tại vườn, đem lại cho gia đình khoản thu nhập gần 30 triệu đồng”.
Theo những người dân, cây mác mật rất dễ trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi trồng từ 4 -5 năm cây đã cho quả. Cây có tuổi thọ khoảng 40 năm, trong đó từ năm thứ 25 đến năm thứ 30 cho năng suất cao nhất, mỗi cây trung bình cho từ 40 đến 60kg quả/năm. Cả cây mác mật, nhất là lá, vỏ quả đều có tinh dầu thơm dễ chịu.
Từ lâu người dân các dân tộc ở khu vực Việt Bắc nói chung và Lạng Sơn nói riêng đều có kinh nghiệm sử dụng mác mật làm gia vị chế biến cho các món ăn. Lá mác mật không thể thiếu đối với món thịt lợn quay, vịt quay, thịt nướng, xào măng... Quả tươi làm nên hương vị độc đáo của món măng ớt, ăn một lần nhớ mãi. Quả mác mật phơi khô để kho thịt, cá; hoặc xay mịn để làm gia vị như hạt tiêu...
Related news

Từ hai bàn tay trắng, vậy mà ông Nguyễn Văn Ba ở thôn Tây Phước 1, xã Bình An (Bình Sơn - Quảng Ngãi) đã biến vùng đất hoang vu nơi đây thành một trang trại kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) trù phú, mang lại thu nhập cao.

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn có những bước tiến mạnh mẽ. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, đặc biệt trong chăn nuôi thủy sản. Yên Bình đã đưa tiềm năng, lợi thế mặt nước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Nuôi cá nước lạnh (cá tầm và cá hồi vân) là một trong những thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đề án quy hoạch nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sản xuất được 3.000 tấn cá nước lạnh thương phẩm. Nhưng đến nay, việc phát triển loại cá này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, tại vùng biển tỉnh Quảng Bình rộ lên tình trạng khai thác tận diệt thủy sản, phổ biến là sử dụng chất nổ đánh bắt cá.

Theo báo cáo của Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến Thủy sản tỉnh An Giang (AFA), tình hình sản xuất kinh doanh thủy sản của tỉnh trong 3 tháng đầu năm vẫn tiếp tục trầm lắng, giá nguyên liệu vẫn giữ ổn định ở mức thấp, diện tích nuôi và sản lượng tăng ít so cùng kỳ, tình hình dịch bệnh phát sinh đã ảnh hưởng sản xuất của nông dân.