Làm Tăng Giá Trị Cho Ca Cao Ở Đồng Nai
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Đặng Trường Khanh đã làm nhiều việc khác không liên quan gì đến cây ca cao, nhưng bỗng dưng anh lại được “lệnh” của cha mình rời TP.Hồ Chí Minh lên huyện Định Quán (Đồng Nai) thay ông triển khai dự án phát triển cây ca cao ở vùng đất này. Hơn 8 năm qua, anh đã có biết bao buồn vui với cây ca cao.
Công ty TNHH ca cao Trọng Đức của anh Khanh bắt đầu về huyện Định Quán từ năm 2004 để nghiên cứu phục hồi cây ca cao ở vùng Tân Phú và Định Quán. Phải hai năm sau (2006) doanh nghiệp (DN) mới được nhiều người dân biết đến và năm 2007, công ty đã mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu cho chế biến sau này.
* Ca cao “đắng”
Anh Khanh kể: “Thời gian đầu, DN lên đặt vấn đề phục hồi cây ca cao ở vùng Tân Phú, không những không được người dân ủng hộ mà còn bị một số người cho là lừa để bán giống. Bởi nơi đây đã từng trồng ca cao nhưng bán không có người mua. Vậy là chúng tôi đành phát triển diện tích ca cao của mình trước. Đầu tiên là 6 hécta rồi lên 8 hécta và hiện nay là 20 hécta. DN cũng hợp đồng được với một số hộ với diện tích không nhiều. Cho đến năm 2006, khi thông tin đầu ra của ca cao thuận lợi, bà con ào ạt đến tìm hiểu và ký hợp đồng trồng. Năm 2007, công ty phải đầu tư vườn ươm lên đến hơn 1 hécta và sản lượng cây giống cung cấp cho thị trường lên tới 800 ngàn cây”.
Trọng tâm phát triển vùng nguyên liệu của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức là ở các huyện: Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú (Đồng Nai); Đạ Hoai, Đạ Tẻ và Cát Tiên (Lâm Đồng); Đức Linh và Tánh Linh (Bình Thuận). Chỉ trong thời gian ngắn, diện tích trồng ca cao đã tăng vọt lên đến 1 ngàn hécta, vượt xa mong đợi của DN.
“Ban đầu tôi nghĩ, diện tích tăng nhanh là tốt, nhưng không phải vậy. Diện tích tăng nhanh quá khiến công tác kỹ thuật không theo kịp, gây ra tác hại mà đến nay, DN đang phải đi khắc phục. Nhiều hộ dân rất chủ quan, cứ nghĩ cây ca cao dễ trồng nên khi đến tìm hiểu chỉ quan tâm đến đầu ra của sản phẩm. Loại ca cao ghép này hoàn toàn khác với ca cao trước đây, đòi hỏi kỹ thuật phải tốt. Nhiều diện tích trồng xen đến năm thứ tư rồi thấy năng suất kém, chủ vườn lại chặt, trông rất xót ruột”, anh Khanh nói.
* Biến sản phẩm phụ thành chính
Hơn 7 năm nghiên cứu, cuối cùng những sản phẩm chế biến từ ca cao của Công ty TNHH ca cao Trọng Đức cũng vừa được các cơ quan chuyên môn cấp giấy phép cho sản xuất. Hiện nay, DN đang tập trung hai dòng hàng là hạt ca cao lên men cho ra các sản phẩm: bột ca cao, socola, bơ và bột nhão ca cao; trái ca cao tươi cho ra hai loại rượu: 12 độ và 39 độ cồn. Sắp tới, DN sẽ cho ra thêm một số sản phẩm nữa từ trái ca cao tươi.
Anh Khanh cho biết, nếu trái ca cao chỉ đơn thuần lấy hạt bán thì rất lãng phí và hiệu quả kinh tế mang lại từ cây ca cao không được cao. Bởi 12 kg trái tươi mới được 1 kg hạt khô. Như vậy, lượng phụ phẩm phải bỏ đi rất lớn, hiện nay DN đang chế biến nguồn phụ phẩm này để nâng giá trị cho trái ca cao lên. Theo anh Khanh, sở dĩ DN mạnh dạn đầu tư vùng nguyên liệu là nhắm đến sự ổn định nguồn nguyên liệu cho chế biến sau này. Nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cho chế biến, Công ty TNHH ca cao Trọng Đức cũng đã chọn đầu tư theo chương trình UTZ (Chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao) được 92 hécta của 79 hộ.
Riêng hạt ca cao thô xuất khẩu, năm 2011, DN đã xuất 70 tấn hạt và năm nay dự kiến trên 120 tấn. Anh Khanh cho biết, mặc dù diện tích ca cao hiện nay đang giảm nhưng sản lượng vẫn tăng do cây ca cao lớn cho năng suất nhiều.
Related news
Đến năm 2020, bên cạnh chăn nuôi trang trại được đẩy mạnh phát triển thì chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế. Theo đó, nhiều giải pháp được đặt ra để nâng cao sức cạnh tranh như hình thành liên kết; chính sách khuyến khích phát triển trong đó có vốn, đào tạo kỹ thuật.
Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang do điều kiện canh tác lúa khó khăn, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen.
Vào những ngày này, du khách có dịp ghé qua “vương quốc” trái cây Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hoặc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Phong Điền, TP Cần Thơ; Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… sẽ không khỏi choáng ngộp trước những vườn cây trái sum suê, ngọt lành.
Trong các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi, nổi lên Dự án “Ngân hàng bò” do T.Ư Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Việt Nam được triển khai, thực hiện từ năm 2010 trên địa bàn 6 huyện 30a.