Làm giàu từ nghề sản xuất bánh tráng
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng mỏng bằng công nghệ dây chuyền của anh Nguyễn Đăng Xiêm, ở xã Hành Nhân, chúng tôi thật sự ấn tượng trước những thành quả lao động của người nông dân này.
Trên diện tích 4.000m2, anh Xiêm bố trí thành nhiều khu vực sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu pha chế bột, tráng bánh, phơi bánh, cắt bánh ra thành phẩm và có cả một xưởng cơ khí nhỏ để sửa chữa, chế tạo thiết bị lắp ráp dây chuyền.
Cơ sở sản xuất bánh tráng của anh Xiêm.
Bình quân mỗi ngày, cơ sở của anh Xiêm cung ứng cho thị trường 30.000 sản phẩm bánh tráng mỏng, cao gấp 3 lần so với những năm trước đây, với tổng doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên dưới 200 triệu đồng.
Điều đáng nói đối với ông chủ cơ sở sản xuất bánh tráng này là phần lớn thiết bị, máy móc, công nghệ dây chuyền sản xuất đều do anh tự mày mò nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Anh Xiêm vui vẻ bộc bạch: “Trước đây gia đình anh sinh sống ở TP.Quảng Ngãi, với nguồn thu nhập chính từ nghề sản xuất gạch lót nền bằng biện pháp thủ công.
Càng về sau, các sản phẩm gạch men sản xuất bằng công nghệ dây chuyền chiếm lĩnh thị trường, gạch thủ công không có chỗ đứng do giá thành cao, mẫu mã không đẹp.
Thất nghiệp, anh cất công lặn lội tìm học nghề làm bánh tráng mỏng và bàn với vợ chuyển hẳn gia đình về quê sinh sống.
Vốn là người ham học hỏi, lại có chút ít kiến thức về cơ khí, anh đi mua các loại vật liệu cần thiết và tự mình chế tạo các thiết bị lắp ghép thành dây chuyền sản xuất bánh.
Tuy có vất vả một chút, nhưng mình giữ được thế chủ động trong quá trình sản xuất, lợi nhuận thu được cũng khá hơn.
Không chỉ làm giàu cho gia đình mà cơ sở sản xuất của anh Xiêm còn giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động ở địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Sáu, ở thôn Tân Lập, xã Hành Nhân chia sẻ:
Cũng như nhiều hộ trong xã, sau mỗi mùa vụ, chị phải bươn chải tìm kiếm thêm việc làm, lúc thì lên núi kiếm củi, khi thì đi phụ hồ, cuốc đất, để có tiền trang trải cho sinh hoạt gia đình, nhưng nguồn thu nhập rất bấp bênh.
Từ ngày anh Xiêm về đây mở xưởng sản xuất bánh tráng, chị và nhiều lao động nữ được tuyển dụng vào làm việc, thu nhập thì ăn theo sản phẩm, trung bình mỗi ngày cũng được từ 150 - 160 nghìn đồng. Nhờ vậy mà chị đỡ vất vả hơn và cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước.
Anh Xiêm còn cho biết thêm: Thị trường tiêu dùng mặt hàng bánh tráng mỏng thường hút hàng vào những tháng cuối năm.
Tuy vậy vào thời điểm này, thời tiết ở miền Trung thường hay có mưa nên việc sản xuất gặp nhiều bất lợi.
Qua thăm dò ở một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, anh đang có dự định đầu tư mở thêm cở sở sản xuất ở các khu vực trên, để có đủ sản phẩm cung ứng cho khách hàng quanh năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, quyết chí vươn lên làm giàu, anh Nguyễn Đăng Xiêm trở thành tấm gương điển hình trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở huyện Nghĩa Hành.
Related news
Thời gian gần đây, nông dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm, người nông dân phải gánh chịu nhiều thua lỗ…
Để thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM) chuyển đổi cây trồng vật nuôi có hiệu quả thấp sang hiệu quả cao, UBND huyện Hóc Môn đã thực hiện chương trình chuyển đổi từ đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau có giá trị cao, cung cấp sản phẩm rau an toàn cho thị trường thành phố.
Tỉnh An Giang thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu do Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) đầu tư liên kết, hợp tác với nông dân trồng rau màu trong tỉnh, đã góp phần nâng giá trị sản xuất, khai thác đất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, và tạo được nguồn hàng phong phú phục vụ cho xuất khẩu.
Điểm mới nhất của chương trình sản xuất hàng hóa chất lượng cao (CLC) năm 2015 là việc TP Hà Nội chuyển giao về các huyện triển khai. Hiệu quả của chương trình trong 5 năm qua đã trở thành động lực thúc đẩy các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích với nhiều giống lúa cho năng suất và chất lượng hơn.
Nhằm tiết kiệm nguồn nước cũng như để duy trì sản xuất trong mùa khô hạn, nhiều nông dân ở thôn Sơn Hải 2 (xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận) đã chủ động lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, nhờ đó nhiều diện tích đất trước đây vào mùa khô thường bỏ hoang hoặc cho năng suất cây trồng thấp, nay đã được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả.