Làm Giàu Từ Chồn Hương Và Cà Phê Chồn
Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.
Anh Tuân có 400 cặp chồn trưởng thành; mỗi năm sản xuất 2 tấn cà phê chồn (1 triệu đồng/kg); cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 100 cặp chồn các độ tuổi khác nhau; giá bán chồn bố mẹ 12 triệu đồng/cặp, một cặp chồn con 2 tháng tuổi 6 triệu đồng.
TỪ CHỒN HƯƠNG...
Không nhiều đất sản xuất, anh Tuân đã đầu tư kinh doanh điện thoại di động tại trung tâm xã Minh Lập (Chơn Thành). Do sự phát triển quá nhanh của thế giới di động nên thị trường điện thoại nhanh chóng bão hòa. Anh Tuân đã chuyển hướng kinh doanh sang mua đất làm trại nuôi chồn hương.
Anh Tuân nói: “Không có nhiều tiền mua đất trồng cao su nên tôi nuôi chồn hương. Tôi đã mua miếng đất (5mx50m) nằm sâu trong vườn cao su có giá rẻ. Không khí mát và yên tĩnh nên việc nuôi chồn rất thuận lợi”. Khi được hỏi tại sao anh không mua diện tích rộng hơn? Anh Tuân cười: Quan trọng là phải biết đầu tư con gì vào thời điểm này để trên diện tích nhỏ mà cho hiệu quả kinh tế cao.
Cuối năm 2008, anh Tuân bắt đầu nuôi chồn hương. Một cặp giống lúc đó có giá 12 triệu đồng. Gom góp vốn trong nhà và vay mượn thêm bạn bè gần 200 triệu đồng, anh xây 28 chuồng nuôi chồn hương và mua 14 cặp giống. Sau 1 năm, 14 cặp chồn sinh sản được 60 chồn con.
Lứa chồn đầu tiên anh bán để thu hồi vốn và tiếp tục đầu tư xây thêm chuồng trại. Sang năm thứ hai, các cặp chồn bố mẹ đẻ 2 lứa/năm, một lứa từ 4 đến 6 con, nguồn thu nhập của gia đình anh nhờ đó cũng tăng. Sang năm thứ ba, anh Tuân mở rộng quy mô chăn nuôi lên 180 chuồng/180 con và hiện tại đã lên 400 con.
Theo anh Tuân, chồn hương rất dễ nuôi, lại ít bị bệnh, tuổi thọ trung bình trên 10 năm. Sau 1 năm nuôi, con đực trưởng thành nặng khoảng 5 - 7 kg, con cái 3 - 5 kg. Chồn ăn tạp, thức ăn là động thực vật, dễ tìm mua như: Chuột, trứng, rắn, ếch, đặc biệt là trái cà phê.
... ĐẾN CÀ PHÊ CHỒN
Cà phê chồn là mặt hàng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Khi có trong tay 180 con chồn trưởng thành, anh Tuân đã liên hệ với một số bạn trồng cà phê ở vùng Tây nguyên để sản xuất cà phê chồn. Anh Tuân cho biết: “Phong trào nuôi chồn hương kết hợp với sản xuất cà phê chồn tại một số tỉnh vùng Tây nguyên phát triển từ những năm 2004. Nhưng tại Bình Phước lúc mình bắt tay vào nuôi chưa có mô hình nào để học tập. Vì vậy, tôi phải đi học tập kinh nghiệm nuôi chồn hương kết hợp làm cà phê chồn tại một số tỉnh khác”.
Cứ khoảng tháng 10 hàng năm, khi cà phê vào mùa thu hoạch, anh Tuân lại cho bầy chồn của mình di cư lên vùng nhiều cà phê để sản xuất cà phê chồn. Anh cho biết, chồn hương rất thích ăn quả cà phê và chúng cũng rất sành khi chỉ chọn những quả chín mọng, thơm nhất để thưởng thức. Điều đặc biệt là chúng chỉ tiêu hóa được phần cùi quả, còn lại những hạt cà phê sẽ thải ra ngoài theo phân và người ta thu gom, rửa sạch rồi đem chế biến. Khi qua dạ dày của chồn, hạt cà phê được lên men bằng một loại enzym đặc biệt, khiến những hạt cà phê này có hương vị đặc trưng. Hạt cà phê sau khi qua hệ tiêu hóa của chồn được loại bớt prôtêin, do đó giảm vị đắng sau khi rang.
Hiện anh Tuân đã có hai cơ sở nuôi chồn hương với 400 con trưởng thành. Trại nuôi chồn tại xã Minh Lập (Chơn Thành) chuyên cung cấp chồn giống cho thị trường; trại nuôi chồn ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng chuyên sản xuất cà phê chồn. Anh Tuân đã ký hợp đồng cung cấp cà phê chồn dài hạn (2 tấn cà phê/năm) với một công ty chuyên sản xuất cà phê chồn.
Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Tuân đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình. Hiện có nhiều cá nhân, tập thể trong và ngoài tỉnh đến liên hệ với anh Tuân để học tập kinh nghiệm và mua con giống.
Related news
Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là một trong những chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước.
Ngày 2/7, Tổng cục Thủy sản cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, trong tháng 4/2013, Nhật Bản đã phát hiện và trả về 5 lô hàng tôm đông lạnh của Indonesia vì có dư lượng Benzalkonium Chloride (BKC) vượt quá giới hạn 0,01 ppm.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các dự án nâng cao chất lượng giống bò, tầm vóc đàn bò được cải thiện; các mô hình chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn, chăn nuôi gà an toàn sinh học được tỉnh khuyến khích đầu tư, đã phát triển ở nhiều địa phương.
Năng suất bình quân của các mô hình đạt trên 1.500 kg kén/ha dâu, tăng 15% so với đại trà; thu nhập từ kén đạt trên 150 triệu đồng/ha dâu; tập huấn cho hàng trăm hộ nông dân kỹ thuật nuôi tằm… là những kết quả nổi bật của dự án "Trồng dâu và nuôi tằm giống mới" do bà Nguyễn Thị Min - Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương - Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chủ nhiệm. Dự án được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2013.
Diện tích trồng cây ăn quả ở xã Hoàng Hoa Thám (TX Chí Linh, Hải Dương) có xu hướng giảm do nông dân phá bỏ một phần diện tích vải thiều. Từ năm 2010 - 2012, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở KH-CN Hải Dương) đã xây dựng mô hình SX thanh long ruột đỏ quy mô 1 ha với 6.000 hom.