Làm Giàu Ở Vùng Đất Mới
8 năm trước, lúc mới chia tách, xã Tân Phú (huyện Long Mỹ) gian nan tìm cho mình hướng phát triển, nói như những lão cao niên thì do ở đây chỉ có phần “mỡ”, còn phần “nạc” về nơi khác nên khó làm giàu. Nhưng rồi sau 8 năm đó, Tân Phú đã dần chứng tỏ đây là vùng đất mới tiềm năng...
Cầm trái bí đao nặng hơn ký lô trên tay, ông Trình Văn Khuôl, ở ấp Tân Thạnh, cười tươi đưa hàm răng đã rơi rụng ít nhiều, nói: “Đúng là trời không phụ lòng người nghe mấy chú, công lao bỏ ra rồi cũng được đền đáp xứng đáng. Hơn 3 công tầm lớn trồng bí đao này, hết vụ cũng thu về hơn 80 triệu đồng chứ không chơi à!”.
Niềm vui lớn đó đến với ông Khuôl không phải là sự ngẫu nhiên, mà đó là cả một quá trình khai khẩn, chinh phục vùng đất này. “Đất này xưa kia cũng khó lắm, đồng bưng, năn mọc đầy, đê bao chưa có, nhưng chính nhờ bàn tay con người chinh phục, nên đất đai cũng chịu sức người” - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Thạnh Nguyễn Tấn Quốc chia sẻ.
Ông Khuôl bây giờ tuổi cao, con đàn cháu đống, nhưng vẫn gắn bó với ruộng vườn. Ông cha già thì để đất cho ông, còn ông thì đang truyền kinh nghiệm cho con cháu. Hồi đó, ông miệt mài trồng lúa, khi đã tích lũy kinh nghiệm đầy mình, ông Khuôl bàn với gia đình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi để làm giàu và rồi thành công đã đến với lão nông… U60 này.
Nhìn ông Khuôl, mấy người con của ông cười nói: “Nhìn cái ống quần dài đóng phèn vàng chóe, ống ngắn ống dài thì biết cha tui cực cỡ nào hà”.
Mỗi năm, thu nhập từ ruộng, hoa màu cũng mang về cho ông Khuôl tròm trèm 200 triệu đồng, một số tiền lớn đối với những nông dân ở nông thôn. Ông Khuôl bảo, đã có những lúc thất bại, chính những thất bại đó đã dần tích lũy tạo nên thành công.
Ở tuổi về chiều, ông Khuôl được người dân ở đây công nhận là “đại gia đồ rẫy” xứ Tân Thạnh. Ráng chiều đổ dài phía sau nhà, đôi mắt hom hem, đầy vết chân chim của ông Khuôl như ánh lên một niềm vui khó tả.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Trương Văn Mí cho biết: “Năm 2007 khi mới chia tách, hộ nghèo ở xã này có hơn 30%, sau 8 năm, hiện nay còn trên 18% hộ nghèo. So với những xã khác thì không dám so sánh, nhưng so lại với mình thì cũng thấy có một bước tiến kha khá rồi”.
Nhiều bà con vùng này kể lại, hồi xã Tân Phú mới thành lập, nhà nào mỗi tháng kiếm được 1-2 triệu đồng coi như khấm khá nhất. Thu nhập bình quân đầu người khi đó khoảng 11-12 triệu đồng/người/năm.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Phạm Văn Tám kể lại: “Tôi nhớ hồi đó tìm kiếm một mô hình làm ăn hiệu quả đã khó. Còn bây giờ, toàn xã có 107 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Còn mô hình thu nhập 1 năm từ 50 triệu đồng trở lên thì nhiều lắm”.
Chỉ tay về bên hiên nhà, anh Tạ Văn Thiều, ở ấp Long Trị 1, nói: “700 con gà nòi lai này đến lúc bán cũng cho thu nhập hơn 70 triệu đồng chứ không ít à.
Cố gắng trong năm nay sẽ không còn là hộ cận nghèo nữa”. Ở vùng đất mới, càng khó khăn, thì nghị lực vươn lên của người dân càng mạnh mẽ. Trường hợp anh Thiều là ví dụ điển hình. Cuộc sống khốn khó kéo dài từ đời ông bà, cha mẹ cho đến đời anh, nhưng được cái ai cũng cần cù, siêng năng, chí thú làm ăn, đất ít thì tận dụng mọi điều kiện để làm ăn.
Chị Nguyễn Thị Cà Đặng, vợ anh Thiều, nói: “Nhà tôi cất 2 cái chuồng gà, cũng tận dụng đất thôi, rồi nuôi thêm vịt nữa, hơn 3 năm nay chăn nuôi kiểu này rồi, thu nhập cũng ổn, những ngặt nỗi cần thêm vốn để mở mang chuồng trại”.
Khi bày tỏ “tâm sự” cần vốn với ông Chủ tịch Hội Nông dân xã, hai vợ chồng anh Thiều mừng khi nghe ông Tám nói sẽ xin hỗ trợ cho cây nước mini phục vụ cho việc chăn nuôi gà và sử dụng cho gia đình, tính ra đầu tư cũng 5, 6 triệu đồng.
Vùng đất mới Tân Phú giờ đây cũng còn nghèo, lộ làng, cầu nông thôn vẫn chưa hoàn thiện, đang rất cần sự đầu tư. Ngồi trong trụ sở UBND xã mùa này mồ hôi mướt trên mặt từng cán bộ, nhưng khi thấy Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Phạm Văn Tám cầm 3 giấy khen được Chủ tịch UBND huyện tặng cho những hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã, ai nấy cũng rôm rả chia vui, mới thấy rằng ở vùng đất mới, sự phát triển sẽ “nương nhờ” những ông nông dân biết làm giàu như ông Khuôl, anh Thiều và phấn khởi hơn từ những tấm giấy khen như thế…
Related news
Xây hầm biogas ngoài việc sử dụng chất thải làm nguồn nhiên liệu và bảo vệ môi trường, nhận thức được lợi ích này nhiều người dân chăn nuôi với quy mô lớn ở huyện Mỏ Cày Nam còn sử dụng nước thải từ công trình khí sinh học để tưới ca cao xen trong vườn dừa sẽ tiết giảm được trên 50% phân bón NPK so với đối chứng hiệu quả kinh tế đem lại rất cao
Năm 2004 anh Nguyễn Văn Nhân ở ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam đã tiếp nhận chương trình nuôi gà an toàn sinh học đưa vào nuôi thí nghiệm. Bước đầu gặp không ít khó khăn nhưng anh Nhân luôn tin chắc rằng ở những lần nuôi tiếp theo anh sẽ có nhiều thuận lợi hơn, qua nhiều năm phát triển mô hình nuôi gà thả vườn gia đình anh đã khá hẳn lên.
Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006
Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.
Phong trào trồng cacao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác đang phát triển mạnh ở hầu hết đất vườn Bến Tre. Cùng với 52.000 ha diện tích dừa, 43.000 ha diện tích cây ăn trái, khoảng 9.500 ha cacao đang phát triển khá tốt và có chiều hướng gia tăng.