Xây Dựng Nhãn Hiệu Vải Chín Sớm Phương Nam

So với giống vải ở nhiều nơi khác, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí - Quảng Ninh) có ưu thế hơn hẳn: Quả to, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, nhiều nước, vị ngọt hơi chua, mùi thơm, thường chín sớm hơn vải tu hú (mùa quả gắn với sự trở về của loài chim tu hú di cư) từ 7-10 ngày và vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) từ 30-40 ngày.
Thế nhưng, có thời kỳ, do chưa được xây dựng nhãn hiệu mà người nông dân phải... “mượn” tên của các loại vải khác để tiêu thụ.
Theo bà con ở phường Phương Nam, giống vải chín sớm được trồng ở đây từ năm 1966. Loại cây này chỉ đạt chất lượng cao nhất khi được trồng tại các thôn Phong Thái, Cẩm Hồng, Đá Bạc, Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng và Hiệp Thạch. Đây là vùng bãi triều dọc 2 bên bờ sông Đá Bạc, đất phèn chua, tầng đất canh tác từ 50-60cm.
Nhiều người đã từng di thực giống cây này đến trồng tại các xã, phường khác thì đặc điểm chín sớm của giống vải này chỉ duy trì được 1-2 năm đầu và chất lượng quả bị suy giảm; quả nhiều gai, gai nhọn, chua và chín muộn hơn.
Hiện cả phường trồng khoảng 280ha loại vải này, trong đó, 245ha đang cho quả. Tuy nhiên, chất lượng quả cũng không đồng đều do sự khác nhau về phương thức canh tác; nhiều người chưa có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm cây trồng. Thêm nữa, hầu hết sản phẩm vải chín sớm Phương Nam được bán tại vườn cho các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh...
Do hoạt động thương mại này diễn ra tự phát, không có tổ chức, nên người trồng thường bị ép giá, giá bán chênh lệch từ 23.000-30.000 đồng/kg.
Nhằm phát triển bền vững, nâng cao uy tín sản phẩm vải chín sớm trên thị trường, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam cho sản phẩm vải của TP Uông Bí” với các nội dung: Quy hoạch vùng sản xuất vải chín sớm; tạo lập nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam; quản lý nhãn hiệu tập thể vải chín sớm; phát triển sản xuất vải chín sớm và tăng cường năng lực cho các tác nhân.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể vải chín sớm phường Phương Nam được sự ủng hộ và quan tâm của lãnh đạo địa phương và người trồng vải Phương Nam. Kết quả, dự án đã quy hoạch được vùng sản xuất vải chín sớm đảm bảo chất lượng tập thể với diện tích 350ha trên địa bàn phường Phương Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ dưới chủ sở hữu là Hội Nông dân phường Phương Nam; xây dựng được các công cụ quản lý phù hợp để quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể. Hiện bà con ở đây đã có được 9 cây đầu dòng (mang đầy đủ đặc trưng của giống, cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu điều kiện ngoại cảnh và dịch hại tốt) để nhân giống, mở ra cơ hội để mở rộng sản xuất.
Dự án cũng đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về quy trình kỹ thuật trồng vải, quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể cho các tác nhân, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng phát triển thị trường, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của các tác nhân hưởng lợi về trồng, chăm sóc cây vải cũng như việc bảo vệ nhãn hiệu tập thể đã xây dựng.
Đạt được kết quả trên là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp với lãnh đạo địa phương và người sản xuất vải. Dự án không những giúp người sản xuất nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn góp phần không nhỏ để khẳng định uy tín của sản phẩm vải chín sớm Phương Nam trên thị trường.
Related news

Nghề nuôi cá mú lồng dọc cửa sông Đầm đã có từ nhiều năm nay, và thực tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn - Quảng Ngãi). Thế nhưng, nhiều ngày nay cá chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn…

Nói đến nuôi trồng thủy sản, nhiều người thường liên tưởng đến lợi thế vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long với tôm và cá tra mang về nhiều tỷ USD/năm. Thế nhưng gần đây, khu vực tưởng như thất thế với nghề này là vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên xuất hiện vật nuôi mới đầy tiềm năng: cá nước lạnh từ vùng ôn đới.

Bất cập lớn nhất của nghề nuôi tôm nước lợ tại Quảng Nam là tác động xấu đến môi trường, tuy nhiên rất khó để giải quyết vấn đề này.

Hồi giữa tháng 5 dương lịch, vợ chồng anh Tám Quế Phú ở huyện Quế Sơn đồng loạt gieo sạ 4 sào lúa bằng loại giống dài ngày Nhị ưu 838. Giai đoạn đầu thấy cây mạ lên xanh mướt, họ khấp khởi mừng. Thế nhưng 10 ngày trở lại đây ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều khiến anh phập phồng lo vụ mùa thất bát.

Những tháng đầu năm nay, người chăn nuôi một lần nữa lại lao đao vì giá thịt lợn, thịt gia cầm giảm mạnh, sản phẩm bán ra không đủ bù chi. Trên cả nước, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục "treo" chuồng hoặc giảm đàn. Nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm 2013 và đầu năm 2014 hiện hữu rõ nếu không kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực nhằm vực dậy ngành chăn nuôi.