Kiểm Soát Chặt Dịch Bệnh Đàn Bò Dự Án

Nhiều đàn bò của các dự án xóa đói giảm nghèo của các doanh nghiệp hỗ trợ đồng bào chưa được kiểm dịch chặt chẽ đã lây lan dịch lở mồm long móng (LMLM) tại nhiều địa phương.
Tại cuộc họp giao ban Bộ NN&PTNT sáng 5/1, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết: Cục Thú y sẽ phối hợp với các tập đoàn và đơn vị thực hiện dự án theo chương trình xóa đói giảm nghèo, kiểm soát tốt đàn bò cấp cho các hộ dân nghèo, không chỉ chất lượng mà cả dịch bệnh.
Hiện, đàn bò dự án theo chương trình xóa đói giảm nghèo đã gây lây lan dịch bệnh LMLM cho 7 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Theo số liệu mới nhất của Cục Thú y, hiện có 32 xã của 12 huyện thuộc 7 tỉnh với gần 600 con gia súc mắc bệnh (đã có 40 con bị chết, gồm ở Lạng Sơn 21 con, Thanh Hóa 4 con, Lào Cai 6 con, Yên Bái 2 con, Đắk Nông 2 con, Sơn La 2 con, Lâm Đồng 3 con), tập trung chủ yếu ở các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Dịch đang có nguy cơ lây lan rộng do bò của chương trình này phát cho mỗi gia đình 1 con, nên diện phát tán dịch rất rộng cho nhiều xã, nhiều huyện, nhiều tỉnh.
Đáng lưu ý nhất chính là sự xuất hiện của virus type A – type nguy hiểm nhất (virus này xuất hiện ở Hà Tĩnh từ 2 năm nay) gây bệnh LMLM trong đàn bò dự án. Điều này khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.
“Từ đầu tháng 11/2014 đến nay, ở Hà Tĩnh liên tục có dịch, hiện tại vẫn còn 1 huyện đang có dịch. Khả năng còn có nhiều xã khác, huyện khác có dịch, nhưng ở địa phương này hệ thống báo cáo, hệ thống phòng chống dịch bệnh có vấn đề tồn tại, bất cập từ 2 năm nay. Có thể không loại trừ vừa rồi, các dự án xóa đói giảm nghèo lấy cả nguồn gia súc từ đây”, ông Đông nhấn mạnh.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mới đây, Cục Thú y và lãnh đạo Tập đoàn Viettel đã trao đổi các biện pháp để kiểm soát chất lượng bò và cả dịch bệnh. Cục Thú y đã đề nghị Tập đoàn Viettel tạm ngừng việc cung ứng bò, nhất là trong thời điểm giá rét này.
“Chúng tôi đã ký một biên bản hợp tác trong việc kiểm soát bò để cung ứng cho người nghèo đảm bảo an toàn và cũng đang mời tiếp 2 đơn vị, đó là Tập đoàn Vincom có Quỹ Thiện tâm, chương trình Lục lạc vàng của Đài THVN để làm việc, phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm soát dịch bệnh”, ông Phạm Văn Đông cho biết thêm.
Related news

Nằm trong chương trình xóa đói giảm nghèo, dong riềng từ nhiều năm qua đã được chính quyền tỉnh Bắc Kạn coi là cây trồng chủ lực. Nhưng chính sự phát triển ồ ạt đã biến cây này thành gánh nặng nợ nần cho nông dân.

Ông Hoàng cho biết thêm, kể từ ngày 25-8-2014 các doanh nghiệp và cá nhân được vay vốn tới 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với thời hạn vay vốn 11 năm và lãi suất phải trả chỉ từ 1% đến 3%/năm, phần còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù. Nghị định này được coi là “ cú hích” tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp ngư dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế biển theo chủ trương của Chính phủ.

Từ thực tiễn sản xuất theo hướng trang trại tổng hợp của một số hộ dân trên địa bàn, huyện Quang Bình (Hà Giang) đã phát động phong trào cải tạo vườn đồi, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Lạng Sơn trồng trên 14.000ha ngô, tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Sơn, Cao Lộc, Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập…Các giống ngô được người dân lựa chọn trồng cho năng suất cao như ngô lai giống 999, 9698, C919, K54. Năng suất bình quân toàn tỉnh ước đạt từ 45 – 50 tạ/ha.

Mấy năm gần đây, nông dân ở các tỉnh ĐBSCL phấn khởi vì trồng khoai môn sáp cho thu nhập cao. Anh Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tại khu vực Thạnh Phú, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) trồng 10.000m2 khoai môn sắp thu hoạch cho biết: Khoai môn sáp cho củ to (từ 1,5 – 2 kg/củ), chất lượng thơm ngon là mặt hàng XK có giá ổn định. Khoai môn sáp rất dễ chăm sóc, ít phân bón, trồng được quanh năm.