Khuyến Cáo Chỉ Nuôi Cá Tra Khi Có Hợp Đồng Tiêu Thụ

Do tình hình xuất khẩu cá tra gặp khó khiến giá cá tra tại ĐBSCL liên tục giảm nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm của quí 1-2013. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam khuyến cáo người nuôi cá tra chỉ nuôi khi có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy chế biến thủy sản.
Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, lý do có khuyến cáo người nuôi cá chỉ nuôi khi có hợp đồng là hiện nay Hiệp hội cá tra Việt Nam đang chuẩn bị có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét điều kiện cho người nuôi được vay vốn ngân hàng nếu có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà máy.
“Hiện nhiều hộ nuôi cá treo ao vì thiếu vốn để nuôi trở lại, trong khi, giá trị của đất làm ao nuôi không cao nên khó vay được tiền ngân hàng. Vì thế, Hiệp hội cá tra Việt Nam muốn kiến nghị ngân hàng cho người nuôi nếu có hợp đồng bán cá với nhà máy được vay tiền và sau khi bán cá các nhà máy sẽ chuyển tiền trả lại cho ngân hàng”, ông Thắng nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong quí 1-2013, sản lượng cá tra thu hoạch các địa phương hầu hết đều giảm so với cùng kỳ năm 2012.
Cụ thể, Đồng Tháp sản lượng ước đạt hơn 53.000 tấn, giảm 6,5%, Bến Tre ước chỉ ở mức 18.500 tấn, giảm 48,6%. Sản lượng cá tra tại Cần Thơ ước đạt 12.100 tấn, giảm 33,7% và Tiền Giang chỉ ở mức 6.700 tấn, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Giá cá tra cũng giảm trong thời gian này nên người nuôi cá lỗ từ 1.000 - 2.750 đồng/kg tùy theo từng thời điểm.
Ông Thắng cho biết, ngoài việc kiến nghị được vay vốn khi có hợp đồng mua - bán cá tra thì hiệp hội cá tra cũng kiến nghị thời gian vay vốn ngân hàng của người nuôi cá tra và các nhà máy chế biển thủy sản từ 8 tháng đến 12 tháng, tức là kết thúc một chu kỳ nuôi và chế biến xuất khẩu.
Trên thực tế việc có hợp đồng tiêu thụ cá tra giữa người nuôi và các nhà máy chế biến đã có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong thời gian qua khi giá nguyên liệu trên thị trường cao hơn giá bán trong hợp đồng người nuôi thường phá vỡ hợp đồng để bán cho nhà máy khác, còn khi giá thấp hơn trong hợp đồng các nhà máy lại không mua.
Related news

Tận dụng mảnh đất nhỏ sát bờ ao, gia đình ông Nguyễn Thành Lũy (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã xây dựng chuồng trại để nuôi hàng ngàn con tắc kè, thu lợi trên 50 triệu đồng/năm.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vụ nuôi tôm sú năm nay, người dân chỉ nên thả nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7. Đối với tôm chân trắng, có thể nuôi 2 vụ, vụ 1 bắt đầu từ cuối tháng 3, vụ 2 kết thúc trước tháng 11. Về mật độ nuôi, đối với tôm sú có thể nuôi từ 20 đến 25 con giống/m2; đối với tôm chân trắng vụ 1 nên thả với mật độ từ 80 đến 100 con giống/m2, vụ 2 thả thưa hơn với mật độ từ 60 đến 80 con giống/m2.

Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan nên nguồn cung cấp cá giống khá khan hiếm và nguồn cung về cá thương phẩm lại càng hiếm hơn...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).

Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.