Nuôi Tắc Kè, Làm Chơi Ăn Thật

Tận dụng mảnh đất nhỏ sát bờ ao, gia đình ông Nguyễn Thành Lũy (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) đã xây dựng chuồng trại để nuôi hàng ngàn con tắc kè, thu lợi trên 50 triệu đồng/năm.
Ông Lũy cho biết, ban đầu nhà ông thả cá và nuôi rắn, nhưng do việc nuôi rắn không hiệu quả nên ông tìm hướng nuôi con mới. Năm 2002, thấy có người nuôi tắc kè, ông cũng nuôi thử nghiệm với số lượng ít. Sau một thời gian ông nhận thấy việc nuôi tắc kè rất dễ, ít tốn công nên mạnh dạn xây dựng chuồng bằng gạch, sàn bê tông trên diện tích gần 20m2 để nhân rộng đàn tắc kè.
Để có giống tắc kè tốt, ông lặn lội xuống tận Trà Vinh tìm mua. Ông bảo, tắc kè ở Trà Vinh thường cho con to, trọng lượng một con có thể đạt 150-170gam. Nhờ chịu khó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nên đàn tắc kè của gia đình ông phát triển tốt. Cứ hết lứa này lại đến lứa khác sinh sản. Cũng từ đó, số lượng tắc kè trong trại của ông cứ ngày càng tăng lên. Đến nay, sau những lần xuất bán trang trại, ông vẫn duy trì số lượng trên 1.000 con.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi tắc kè, ông Lũy cho biết đây là loài dễ nuôi, ít bệnh tật, nguồn thức ăn của tắc kè là dế, cào cào và các loại côn trùng nhỏ nên dễ tìm. Bên cạnh đó, nuôi tắc kè cũng mất ít công chăm sóc. Nuôi 1.000 con tắc kè, chỉ cần 1 người là có dư thời gian chăm sóc, đồng thời còn có thời gian để làm thêm nhiều việc khác, bởi 2 ngày mới phải cho tắc kè ăn 1 lần.
Tắc kè nuôi trong vòng 1 năm đạt trọng lượng từ 80-100 gam. Riêng về đầu ra của tắc kè, ông Lũy cho rằng không hề lo lắng khi hiện nay giá tắc kè trên thị trường ở mức rất cao, trung bình mỗi con giá từ 60.000 - 70.000 đồng.
Ông Lũy cho biết, nuôi tắc kè "làm chơi" nhưng "ăn thật". Người nuôi bỏ ra một đồng vốn thì thu lại được một đồng lời. Do vậy mặc dù "làm chơi" nhưng mỗi năm gia đình ông cũng thu về trên 50 triệu đồng.
Related news

Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.

Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

Tiêu chuẩn MSC bao gồm 23 tiêu chí lớn thuộc 3 nguyên tắc cơ bản. Để được chứng nhận MSC, nghề nuôi nghêu phải đảm bảo các tiêu chí khoa học rất nghiêm ngặt như: không khai thác bừa bãi làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi; có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế…