Thu Nhập Cao Từ Nuôi Gà Mông

Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.
Ông cho biết: đây là lần đầu tiên gia đình ông nuôi gà Mông, trước đây ông nuôi gà chọi và gà mía lai thả vườn và đã từng nuôi 4.000 con gà thịt/lứa, hiệu quả đem lại cũng rất cao.
Sau một lần đi chơi ở Hà Giang đề tìm hiểu về các mô hình nuôi nhím, lợn mán… thấy trên đó nhiều hộ chăn nuôi gà Mông hiệu quả. Khi về ông đến Trạm Khuyến nông để xin tư vấn, được cán bộ Khuyến nông giúp đỡ về kỹ thuật và mua giúp con giống từ Viện Chăn nuôi; lứa đầu ông nuôi thử 500 con gà Mông thịt. Giống gà này có lông màu đen, hoa mơ hoặc pha chút xám, quanh cổ viền trắng, đặc điểm nổi bật nhất là thịt đen, xương, chân đều đen, phủ tạng đen.
Gà có tập tính tương đối hoang dã, ban ngày gà kiếm ăn, tối về chuồng hoặc đậu trên cây để ngủ; gà gáy nhiều, hay đánh nhau, không sợ gió hay mưa, thích uống nước chảy tự nhiên, thích bay nhảy. Sau khi úm 1 tháng, thì thả ra vườn nuôi tự nhiên; thức ăn chính để nuôi gà là ngô nghiền, cám gạo, bột sắn và một phần thức ăn hỗn hợp, ngoài ra có thể bổ sung thêm rau xanh, cỏ, củ quả…; Khi thả vườn gà sẽ tận dụng thêm thức ăn ngoài tự nhiên như: sâu bọ, mối, giun, côn trùng.
Giống gà này có sức đề kháng rất cao, do được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; phòng bệnh đầy đủ bằng vac xin; chuồng trại, vườn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y lại được phun thuốc xát trùng thường xuyên nên từ khi nuôi đến nay chưa xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống của đàn gà nhà ông Chóng đạt khoảng 99%; trọng lượng gà mái lúc 4,5 tháng tuổi đạt khoảng 1,2 kg/con, gà trống đạt khoảng 1,5 kg/con.
Thịt gà Mông là một đặc sản, đang được thị trường ưa chuộng nhất là các nhà hàng, khách sạn. Ông Chóng vừa xuất bán được 300 con gà Mông thịt, với giá 100.000đ/kg, trừ các khoản chi phí thu lời từ 40.000 – 45.000đ/con; tổng lợi nhuận từ đàn gà này khoảng 20 triệu đồng; với gà Chọi, gà Mía lai khi bán được giá cũng chỉ lãi đến 30.000 đồng/con gà thịt.
Từ kết quả đạt được, ông có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi lên 3.000 con gà Mông thịt/lứa, mỗi năm nuôi 02 lứa; gia đình ông còn nuôi lợn siêu nạc, quy mô 20 lợn nái ngoại sinh sản, chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh, mỗi năm xuất chuồng trên 35 tấn thịt lợn hơi. Với thu nhập từ nuôi gà, chăn lợn, trồng chè và cây ăn quả sẽ đem lại cho gia đình ông Chóng trên 300 triệu đồng lợi nhuận mỗi năm.
Anh Phùng Đức Hậu cán bộ Trạm Khuyến nông Đại Từ cho biết: Gà Mông mới được nuôi trên địa bàn huyện Đại Từ; theo đề nghị của người dân, các cán bộ khuyến nông giúp mua con giống từ Trung tâm Thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi - Viện Chăn nuôi Quốc gia và hướng dấn người dân nuôi theo quy trình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học. Năm 2010 đã cấp được 6.000 con gà Mông giống thương phẩm cho bà con nông dân, tuy nhiên các hộ chăn nuôi phần lớn ở quy mô nhỏ, lẻ từ 50 – 100 con gà thịt/hộ.
Gà Mông dễ nuôi, chăm sóc đơn giản, nhưng hiệu quả mang lại là rất lớn; trong thời gian tới Trạm Khuyến nông tiếp tục giúp người dân chăn nuôi và khuyến cáo về hiệu quả của con gà Mông trong các cuộc tập huấn, hội thảo để phát triển chăn nuôi trên địa bàn của huyện. Nuôi gà Mông không chỉ là giải pháp giúp người nông dân xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu.
Related news

Không giống như phần lớn nông dân chọn trồng cây cao su, điều, tiêu, gia đình anh Ngô Văn Ai ở ấp 6, xã Minh Hưng (Chơn Thành - Bình Phước) lại chọn mô hình trồng xoài xen chanh bông tím mang lại hiệu quả cao gần chục năm nay.

UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt đề tài “Nghiên cứu các bệnh thường gặp ở lươn đồng giai đoạn giống, giai đoạn nuôi thương phẩm và các biện pháp phòng, trị bệnh”. Tổng kinh phí thực hiện đề án trên 886,5 triệu đồng, từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Thấy hiệu quả từ việc nuôi heo rừng lai, hai anh em rể Nguyễn Văn Nhẫn và Vũ Ngọc Hùng (thôn 3, xã Tiên Lãnh, Tiên Phước - Quảng Nam) đã mạnh dạn đầu tư mô hình này và bước đầu cho kết quả khả quan.

Vụ xuân 2012, xã Nghĩa Tân- vùng chuyên trồng lúa đặc sản của huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã ứng dụng TBKT, mở rộng diện tích gieo sạ hàng. Đây là năm đầu tiên địa phương này tổ chức gieo sạ đại trà.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nhanh chóng triển khai việc cho vay với lãi suất ưu đãi cho chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn ưu đãi vẫn còn "xa tầm với" của doanh nghiệp (DN) và người nuôi cá. Vẫn khó tiếp cận vốn