Hợp Tác Giữ Giá Cây Rau

Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) đã hợp tác với nông dân xây dựng khép kín mô hình sản xuất luân canh các giống rau chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, góp phần ổn định thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất quanh vùng.
Hơn 6 năm trước, một đối tác thuộc hệ thống siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh lên đặt vấn đề với Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy ở thôn Định An, xã Hiệp An (Đức Trọng) hợp tác trồng rau nhà kính ổn định lâu dài.
Chủ cơ sở này, anh Võ Tiến Huy đã không bỏ lỡ cơ hội đi tìm gặp một hộ nông dân ở xã Tân Hội, Đức Trọng để thỏa thuận xây dựng mô hình điểm trồng cây ớt ngọt trên 0,3ha đất chuyển đổi từ diện tích trồng cây cà phê đã già cỗi.
Bắt tay triển khai mô hình, bên đối tác chịu trách nhiệm cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật trực tiếp cầm tay chỉ việc cho hộ nông dân thực hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP từ công đoạn đầu tiên (làm đất xuống giống) đến công đoạn cuối cùng (thu hoạch, đóng gói); bên “Tiến Huy” cung cấp nguồn giống ớt ngọt chất lượng cao và thu mua sản phẩm.
Kết quả sau hơn 75 ngày canh tác, sản lượng thu hoạch lứa ớt ngọt kéo dài trong 4 tháng đầu tiên đạt khoảng 70% chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật; thu hoạch đến 4 tháng tiếp theo, tỷ lệ này tăng lên từ 80 - 85%. Vụ mùa ớt ngọt năm sau đó, các bên đã chính thức ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ với giá ổn định, đảm bảo đạt mức lợi nhuận khá cho người nông dân.
Triển khai hợp đồng chính thức nêu trên, Cơ sở Tiến Huy chịu trách nhiệm ứng trước nguồn giống ớt ngọt và nguồn vật tư nông nghiệp cho nông dân (chỉ khấu trừ bằng sản phẩm sau khi thu hoạch xong); bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ.
Bên nông dân có đất sản xuất và công lao động, sản xuất theo quy trình công nghệ mới được chuyển giao từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật thuộc hệ thống siêu thị từ thành phố Hồ Chí Minh.
Từ một vụ mùa ớt ngọt mô hình kết thúc thành công, Cơ sở Tiến Huy bắt đầu nhân rộng hợp tác, liên tục đến nay đã phát triển với hơn 20 hộ nông dân ở phường 3 (Đà Lạt); Hiệp An, Hiệp Thạnh (Đức Trọng); Đạ Ròn (Đơn Dương)… sản xuất hơn 12ha nhà kính và nhà lưới, không chỉ sản xuất riêng ớt ngọt mà còn sản xuất nhiều loại giống rau cao cấp khác như: bông cải xanh baby, dưa leo baby, đậu cove, xà lách các loại…
Anh Nguyễn Văn Long, một trong những hộ nông dân hợp tác với Cơ sở Tiến Huy “xác nhận”: Hơn 4 năm qua, với 0,3ha nhà lưới, hộ gia đình anh Long đã sản xuất và tiêu thụ với giá ổn định 2 giống rau chủ lực là dưa leo baby và bông cải xanh baby.
Bên cạnh đó là 0,12ha đất trồng luân canh ngoài trời các giống rau xà lách, đậu cove, cà chua... đã “cấu thành” tổng lợi nhuận mang về cho gia đình anh Long trung bình trên dưới 30 triệu đồng/tháng.
Quy trình hợp tác với nông dân trồng luân canh các loại rau của Cơ sở Tiến Huy theo hình thức cuốn chiếu. Với nhà kính, trồng và thu hoạch lần lượt một vòng từ ớt ngọt đến dưa leo baby, bông cải xanh baby rồi trở lại trồng ớt ngọt.
Với nhà lưới, trồng và thu hoạch chủ lực cây ớt ngọt khoảng hơn 10 tháng thì xuống giống luân canh các loại rau khác đến 1 năm sau mới “vòng lại” trồng cây ớt ngọt. Thông thường sản xuất trong nhà kính có năng suất tăng hơn 30%, giá bán cũng vượt lên 10% so với sản xuất trong nhà lưới.
Riêng 2 giống dưa leo baby và bông cải xanh baby được Cơ sở Tiến Huy phân phối độc quyền từ Nhật Bản, nên khi cung ứng cho nông dân sản xuất thường chốt giá thu mua ổn định ngay từ lúc xuống giống. Tính riêng trong 1 năm vừa qua, trên 0,1ha đất nông dân hợp tác với Cơ sở Tiến Huy đạt lãi trung bình 200 triệu đồng trồng dưa leo baby và 100 triệu đồng trồng bông cải xanh baby.
Hiện tại, hàng ngày, Cơ sở Sản xuất rau an toàn Tiến Huy bao tiêu của “nông dân” hơn 1 tấn rau an toàn các loại với giá khá cao so với mặt bằng giá chung của thị trường cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu so với nhu cầu đầu ra đã khai thác được vẫn chưa “tương xứng”, bởi vậy Tiến Huy đang tiếp tục hợp tác với nông dân chuyển đổi hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nhằm mở rộng sản xuất quy mô và hiệu quả hơn.
Related news

Tham gia chương trình tôn vinh sản phẩm nông nghiệp năm 2014 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo, Bến Tre có 3 sản phẩm được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ chọn gửi dự thi gồm: bưởi da xanh (Tổ hợp tác bưởi da xanh Thành Triệu, huyện Châu Thành), nhãn xuồng cơm vàng (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại), dừa xiêm xanh (xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm).

“Nếu có đầu ra ổn định thì tính về hiệu quả kinh tế, khó có cây trồng nào qua thanh long”-anh Nguyễn Đức Hoàng, chủ nhân 500 gốc thanh long ở thôn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai khẳng định như vậy sau hơn 3 năm gắn bó với loại cây này.

Vụ hè thu năm nay, xã Nam Tân (Nam Đàn - Nghệ An) đưa vào sản xuất 75 ha dưa đỏ. Đến thời điểm này, toàn bộ diện tích dưa đã cho thu hoạch với năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Trải qua thời gian bị dịch bệnh vàng lá gân xanh, hiện diện tích cam sành ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) đã giảm rõ rệt. Bên cạnh những nhà vườn chuyển đổi sang cây trồng khác thì vẫn còn nhiều hộ quyết định bám trụ với loại cây trồng nhiều lợi ích này.
Hưởng ứng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những năm qua, ông Trần Văn Hành (dân tộc Sán Dìu) ở thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã không ngừng lao động sáng tạo và thực hiện thành công quy trình sản xuất cho quả vải thiều ra quả trong thân – “vải thiều nho”.