Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm Giống Lúa Chịu Mặn Ở Thái Bình
Sáng ngày 28/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Thái Bình phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh GreenID, UBND xã Nam Cường tổ chức hội thảo đánh giá mô hình thử nghiệm một số giống lúa chịu mặn tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải.
Đây là mô hình thuộc Dự án “Phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cải thiện nước sạch và vệ sinh bền vững tại xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình” do Tổ chức Cứu trợ nhân đạo Mercy Relief tài trợ. Mô hình được Liên hiệp Các hội KH&KT Thái Bình triển khai thực hiện vào vụ xuân 2013 trên quy mô hơn 4 ha thuộc diện tích đất nông nghiệp của 34 hộ nông dân tại khu Tám mẫu, thôn Hoàng Môn, xã Nam Cường. Bộ giống lúa khảo nghiệm gồm 5 giống trong đó có 3 giống lúa thuần chịu mặn là M4, M12, M15; 1 giống lúa lai chịu mặn ZZD001 và 1 giống lúa thuần đối chứng TBR45.
Nhìn chung, các giống lúa khảo nghiệm đều có khả năng chống đổ tốt, không bị nhiễm bệnh đạo ôn, khô vằn, khả năng nhiễm rầy nâu thấp. Về khả năng chịu mặn, các giống M4, M15, TBR45, ZZD001 sinh trưởng phát triển bình thường nên khả năng chịu mặn tốt hơn giống M12 có biểu hiện vàng lá ở giai đoạn lúa chắc xanh. Về năng suất, giống cho năng suất thấp nhất là giống M4 (đạt 57,6 tạ/ha), giống cho năng suất cao nhất là giống TBR45 và M12 (đạt khoảng 72,9 - 75,7 tạ/ha).
Kết quả thử nghiệm cho thấy giống M15 và TBR45 là những giống có tiềm năng cho năng suất cao, chất lượng cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh và ngoại cảnh tốt. Tuy nhiên, do chưa có số liệu cụ thể về độ mặn của đất nên chưa thể đánh giá đúng khả năng chịu mặn của giống, vì vậy để có kết luận chính xác về tiềm năng và khả năng chống chịu của từng giống cần phải tiến hành khảo nghiệm ở vụ sau và ở nhiều vùng sinh thái khác.
Related news
Những năm gần đây, trên địa bàn Dak Lak phong trào chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã như heo rừng, nai, nhím, chồn, cá sấu, rắn... đang phát triển khá mạnh và trở thành hướng đi mới cho ngành Chăn nuôi tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công bước đầu, mô hình này cũng đang gặp không ít khó khăn trở ngại, nhất là về thị trường tiêu thụ.
Sáng 1-11, Hiệp hội Cà-phê - Ca-cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Chín tháng đầu năm 2013, cả nước xuất khẩu được khoảng 1.003.526 tấn cà-phê với kim ngạch đạt hơn 2,211 tỷ USD, giảm 23,1% về khối lượng và 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012.
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, khuyến nông phải có mặt tại từng địa bàn phối hợp kiểm tra công tác chuẩn bị giống, các giải pháp kỹ thuật sản xuất trước thời điểm gieo sạ, kiên quyết chỉ đạo đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống và mật độ gieo sạ theo quy định…
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp– PTNT, Vũng Liêm (Vĩnh Long) là huyện đứng đầu về cơ giới hóa trong nông nghiệp. Hiện toàn huyện có 304 máy gặt đập liên hợp, 66 máy gặt xếp dãy, 770 máy cày- xới, trên 5.700 máy bơm nước, máy sạ hàng,… đảm bảo cơ giới hóa trong sản xuất lúa đạt 100% khâu làm đất, 95% khâu thu hoạch.
Trong vài năm trở lại đây, trước thực trạng nhiều diện tích cà phê già cỗi, đạt năng suất thấp do sử dụng các loại giống kém chất lượng, xã Tân Thành (Krông Nô - Đắk Nông) đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện tái canh, “trẻ hóa” vườn cà phê bằng phương pháp ghép chồi.