Hiệu Quả Từ Việc Trồng Xen Canh Cây Ngắn Ngày Với Rừng Mới Trồng
Nhận thấy lợi ích kinh tế từ việc trồng xen canh cây màu với rừng trồng 1 - 2 năm tuổi nên trong những năm qua, nhiều hộ gia đình tại Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã mở rộng hình thức canh tác này. Trong đó lớn nhất là tại các xã phía nam của huyện như: Lãng Ngâm, Trung Hoà, thị trấn Nà Phặc, Hương Nê…
Vạt rừng trồng xen canh dong riềng, sắn cao sản của gia đình chị Nông Thị Len, thôn Pù Cà, xã Lãng Ngâm.
Theo thống kê, riêng năm 2011, toàn huyện đã có khoảng 200 ha rừng trồng mới được người dân trồng xen canh một số loại cây màu ngắn ngày như: Ngô, đỗ tương, sắn, lúa nương, dong riềng... đặc biệt, năm 2012, huyện Ngân Sơn trồng thử nghiệm 100 ha dong riềng thì cũng có khoảng 50% diện tích này được bà con trồng xen canh với rừng 1, 2 năm tuổi.
Chúng tôi đến thăm khu rừng mới trồng 1 năm tuổi, rộng 0,5 ha của gia đình chị Nông Thị Len ở thôn Pù Cà, xã Lãng Ngâm nhận thấy rằng những cây sắn phát triển tốt, mọc gần quá đầu người. Chị Len cho biết: nhận thấy diện tích rừng mới trồng có thể xen canh một số loại cây màu nên gia đình chị quyết định trồng sắn cao sản xen canh. Sau một năm trồng thử nghiệm, hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình là rất rõ rệt, vừa có thêm thu nhập từ bán sắn, vừa tiết kiệm được công làm đất, đồng thời do thường xuyên vun xới nên đất rất tơi, xốp, cây rừng phát triển nhanh.
Đồng chí Hoàng Thị Ngọc Lan, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ngân Sơn cho biết: việc trồng xen canh tạo cho đất có độ ẩm, tơi xốp giúp cho những cây rừng mới trồng phát triển rất nhanh. Đặc biệt, những diện tích trồng rừng năm thứ nhất, thứ 2 là thời điểm trồng xen canh một số cây hoa màu ngắn ngày là hiệu quả nhất. Không những thế, trồng xen canh và phải thường xuyên chăm sóc cây màu nên người dân sẽ có điều kiện theo dõi tình hình phát triển hoặc sâu bệnh trên cây rừng, từ đó có những biện pháp khắc phục hiệu quả.
Một công đôi việc, vừa có được thu nhập từ những cây trồng xen canh, vừa chăm sóc được rừng trồng, hiệu quả là không thể phủ nhận. Trong những năm tới huyện Ngân Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân dân trồng xen canh với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đây sẽ là bước đệm góp phần quan trọng vào công tác xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
Related news
Từ năm 2006, xóm 13 xã Nghi Long huyện Nghi Lộc (Nghệ An) được xã và huyện chọn làm điểm xây dựng cánh đồng 50 triệu với quy hoạch ban đầu chỉ có 5 ha, cơ cấu vụ xuân trồng lạc, vụ hè thu trồng dưa hấu và vụ đông trồng rau xanh hàng hoá.
Từ nhiều năm nay, bà con nông dân xã Bình Trị, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trồng nấm rơm ở quy mô hộ gia đình rất hiệu quả.
Để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và xã hội, đã có không ít nông dân mạnh dạn, năng động, dám nghĩ, dám làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Xuân và chị Dư Thị Hương xóm Bãi, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nhờ trồng trọt kết hợp với nuôi lợn, nuôi gà mỗi năm cho thu nhập 70 – 80 triệu đồng.
Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.
Hai lần tù tội, ra tù với đôi chân bị liệt... nhưng nhờ lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, của vợ cộng với sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Văn Kỳ (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) đã trở thành tỷ phú với ngôi nhà 7 tầng nổi tiếng được gọi là “lâu đài Kỳ bồ câu”.