Được Mùa Rau Câu, Trúng Mùa Sứa
Gần 2 tháng qua, rau câu xuất hiện ở đầm Ô Loan với mật độ dày đặc, có gia đình vớt rau câu thu nhập mỗi ngày gần 1 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay đầm Ô Loan còn xuất hiện con sứa cơm sau 2 năm vắng bóng.
Được mùa rau câu
Từ tháng 1 đến nay, rau câu xuất hiện ở đầm Ô Loan với mật độ dày đặc, những hộ dân thuộc 5 xã (An Hòa, An Hiệp, An Cư, An Hải, An Ninh Đông) sống ven đầm Ô Loan rất phấn khởi vì có thêm thu nhập từ rau câu.
Có gia đình 1 ngày đi vớt trên 1 tấn rau câu, thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Ông Nguyễn Bọng ở thôn Tân Long, xã An Cư cho biết: “Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều, gia đình tôi có 3 người, trong đó 1 người vớt, 2 người phơi, mỗi ngày thu nhập gần 1 triệu đồng”.
Còn ông Trương Văn Tuấn cũng ở thôn Tân Long cho biết thêm: “Năm nay, rau câu xuất hiện nhiều, trong lúc còn nông nhàn nên bà con ở xóm này cùng rủ nhau đi vớt rau câu tại các khu vực Đầu Mủi, Đá Trắng trong đầm, từ sáng đến tối không lúc nào không có người”.
Theo nhiều người dân sống quanh đầm, đây là năm thứ 3 liên tiếp rau câu xuất hiện nhiều. Các hộ dân sống quanh đầm có thể vớt từ 1,2 đến 1,5 tấn rau câu tươi mỗi ngày. Tuy nhiên, khi rau câu xuất hiện thì rong tảo, rong giẻ cũng bám từng mảng lớn, loại rong này gây ngứa.
Anh Nguyễn Thanh Hải ở xã An Ninh Đông, cho biết: “Nhà đơn chiếc, tôi bơi sõng ra giữa đầm, chịu khó ngụp lặn vớt rau câu từ sáng đến trưa có thể kiếm gần 300.000 đồng. Tuy nhiên, chiều về khắp người nổi mẩn ngứa. Nghề vớt rau câu phải lội bùn, ngâm mình dưới nước, khu vực nào ô nhiễm thì rau câu xuất hiện nhiều”.
Rau câu năm nay “ăn” ra Hải Phòng, thời gian qua có rất nhiều người đến đặt hàng với các đại lý ở địa phương để mua rau câu với số lượng lớn. Từ tháng Giêng đến nay chỉ tính riêng đại lý chị Thủy đã xuất gần 20 tấn rau câu khô thành phẩm với giá từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg khô.
Trúng mùa sứa
Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, ngoài rau câu xuất hiện dày đặc thì sau tết sứa cũng xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan. Nhiều người dân trong vùng bỏ công đi bắt, có người bơi sõng vớt sứa nổi, có người thả lưới bắt sứa chìm (sứa lớn). Cá biệt có người bắt trên 1 tạ sứa/ngày, giá sứa chân 14.000 đồng/kg, sứa mình 5.000 đồng/kg nên có thu nhập khá.
Theo nhiều người dân sống quanh đầm, sứa xuất hiện với mật độ dày, báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở đầm Ô Loan vì hiện tại ở khu vực này không thả tôm nuôi được. Ông Phạm Đăng Tĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: “Năm nay ngư dân địa phương được “hưởng lộc” rau câu và sứa. Tuy nhiên bên cạnh đó mức độ ô nhiễm môi trường cũng báo động vì hiện tại nhiều hộ nuôi tôm thất bại do ô nhiễm nguồn nước, tôm chết hàng loạt; các loại hải sản khác như sò huyết, hàu… cạn kiệt”.
Related news
Trong thời gian qua, giá cá tra thương phẩm tại Đồng Tháp và An Giang liên tục sụt giảm khiến người nuôi thua lỗ, kéo theo các cơ sở sản xuất cá tra giống cũng gặp không ít khó khăn.
Tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng của TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình 6 tháng đầu năm 2015 đạt trên 6.000 tấn các loại, trong đó khai thác 5.724 tấn, nuôi trồng hơn 300 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ, bằng 58,44% kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất thủy sản 158 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, Hợp tác xã Thủy Lâm, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã xuất bán 10 tấn cá hồi thương phẩm đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp, người nuôi ốc hương trong đìa ở vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông thuộc TX Sông Cầu (Phú Yên) thu tiền tỷ.
Sản lượng tôm của Thái Lan sẽ không thể quay trở lại được mức cao trước đây do các vấn đề liên quan đến dịch bệnh EMS/AHPND (dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành tôm nước này từ năm 2012) vẫn chưa được giải quyết triệt để.