Dự Án Chăn Nuôi Bò Sinh Sản, Đảm Bảo Vệ Sinh Môi Trường Có Hiệu Quả Ở Đồng Tháp

Tháng 1/2012, Hội Nông dân xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) triển khai dự án “Chăn nuôi bò sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường” cho 18 hộ nông dân tại ấp Bắc Trang 2. Đến nay, dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Tân Công Chí chủ yếu chọn con giống của địa phương và chăn nuôi theo kiểu truyền thống nên năng suất chưa cao. Từ đó, Hội Nông dân xã đã mạnh dạn lập dự án “Chăn nuôi bò sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường”, vận động người dân chăn nuôi giống bò năng suất cao kết hợp với xử lý tốt môi trường để phát triển kinh tế từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên.
Ông Nguyễn Văn Sẽ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Công Chí cho biết: “Mục tiêu của dự án là xây dựng mô hình liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản với chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường; chuyển đổi nhận thức của nông dân từ phương thức chăn nuôi truyền thống sang phương pháp chăn nuôi khoa học; nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, phổ biến, trao đổi, học hỏi chăn nuôi bò đảm bảo chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho nông dân và thu hút nông dân vào Hội”.
Dự án được thực hiện trong 3 năm, với tổng số vốn 650 triệu đồng, trong đó nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương hỗ trợ 400 triệu đồng, còn lại là vốn của người dân. Đối tượng của dự án là hội viên nông dân khó khăn, thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn nhưng có lực lượng lao động và đủ điều kiện về chuồng trại để chăn nuôi. Mỗi hộ được hỗ trợ từ 20 - 25 triệu đồng để mua bò cái sinh sản. Các hộ gia đình chủ động mua bò giống có độ tuổi từ 18 - 20 tháng. Số tiền chênh lệch giữa giá cả thực tế và tiền dự án hỗ trợ, Hội Nông dân đứng ra vận động anh em họ hàng hoặc tín chấp ngân hàng cho các hộ vay.
Với cách làm này, dự án đã hỗ trợ nông dân mua được 36 con bò giống đạt tiêu chuẩn. Hội Nông dân xã lập sổ theo dõi để phản ánh tình hình đàn bò trong xã liên quan đến bệnh tật, lứa đẻ, chi phí mua bán bò...
Sau hơn 1 năm thực hiện, đến nay số bò, bê của dự án đã tăng lên 54 con. Có những hộ mua bò phối giống liền nay đã có từ 1 đến 2 bò con. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Dư ấp Bắc Trang 2, được dự án cho vay 20 triệu đồng, ông Dư mua 2 con bò cái đang mang thai với giá 45 triệu đồng. Sau hơn 1 năm nuôi, tổng đàn bò có được là 6 con, trong đó có 1 con đang mang thai.
Tương tự ông Trần Văn Đức, ấp Bắc Trang 2 được dự án cho vay 25 triệu đồng mua 2 con bò giống, trị giá 28 triệu đồng. Ông Đức cho biết: “Đến nay tổng đàn bò là 3 con, trong đó có hai con bò lớn gần đến ngày sinh sản. Hiện nay, số bò của tôi trị giá 65 triệu đồng”.
Không chỉ hỗ trợ bò sinh sản, Hội Nông dân xã Tân Công Chí phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, chuẩn bị chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng bê con, cách phòng trừ dịch bệnh. Dự án còn hỗ trợ Hội Nông dân xã thành lập Tổ nông dân liên kết phát triển chăn nuôi bò sinh sản để học tập và trao đổi kinh nghiệm làm ăn, chuyển giao kỹ thuật và được tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi bò hiệu quả ở các địa phương khác... Từ đó tạo điều kiện cho nhiều hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, nhiều hội viên vươn lên khá giả, có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Dự án còn giúp bà con có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường, không thả rông gia súc, gia cầm; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn chặn các loại dịch bệnh. Ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động, phong trào thi đua của các cấp Hội, giúp hội viên nông dân yên tâm, gắn bó và tích cực tham gia vào tổ chức Hội Nông dân.
Related news

Phước Trung là xã vùng cao thuộc huyện Bác Ái. Toàn xã có 542 hộ, với 2.408 khẩu, sinh sống ở 4 thôn: Đồng Dày, Rã Trên, Rã Giữa và Tham Dú, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để tạo điều kiện cho các hộ phát triển sản xuất, Nhà nước đã đầu tư xây dựng trên địa bàn một số công trình thủy lợi, tiêu biểu như: Hồ chứa nước Phước Trung, đập Ô Căm.

Những năm qua, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong đó, cây chanh là một trong những loại cây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Theo Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, trong hơn ba năm qua, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã đưa thêm 20.000ha vào trồng các loại cây ăn quả đặc sản, nâng tổng diện tích cây ăn quả đặc sản toàn vùng lên 83.000 ha, chiếm 29% diện tích cây ăn quả tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Quảng Ngãi đã mạnh dạn đầu tư vườn trại để nuôi động vật hoang dã. Điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn là cách để giảm áp lực việc săn bắt động vật hoang dã trong tự nhiên, bảo vệ nhiều loài động vật hoang dã trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011 - 2015 đã xác định, trong 5 năm tới, ngành Nông nghiệp vẫn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn được quan tâm khuyến khích đầu tư.