Đồng Tháp Lao Đao Tìm Đầu Ra Cho Trái Cây Khi Vào Chính Vụ
Từ đầu tháng 3 - 5 âm lịch là thời điểm một số loại trái cây vào mùa thu hoạch rộ. Hiện nay, dù chỉ mới đầu mùa nhưng các mặt hàng trái cây đang rớt giá thê thảm, khiến nhà vườn phải lao đao vì không thể xoay sở đầu ra cho vườn cây ăn quả nhà mình.
Hiện tại, xoài của tỉnh Đồng Tháp và một số tỉnh lân cận đang vào mùa thu hoạch rộ, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung, giá xoài hơn tháng nay bắt đầu tuột dốc mạnh. So với trước Tết, giá xoài giảm trung bình từ 60 - 70%. Hiện tại, xoài Cao Lãnh được thương lái thu mua từ 18 - 22 ngàn đồng/kg, xoài cát Chu Cao Lãnh 6 - 7 ngàn đồng/kg, xoài Đài Loan dao động từ 5 - 6 ngàn đồng/kg, các loại xoài lai, xoài thanh ca, xoài hòn... chỉ còn 3 - 4 ngàn đồng/kg.
Hiện xoài tại vườn ở các huyện đang vào thu hoạch rộ nhưng thương lái thì vắng bóng. Nhiều vựa trên địa bàn huyện Cao Lãnh chỉ tiêu thụ cầm chừng hoặc dừng thu hàng.
Ông Trần Văn Nên, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết: “Hiện nay xoài bao trái thì vẫn còn bán được nhưng vườn nào không bao trái là “chết đứng” vì lái không mua, hoặc chỉ mua với giá rất thấp. Xoài chín đầy ngoài cây nhưng không lái nào tới hỏi mua, vụ này chắc “xong” luôn”.
Không riêng xoài rớt giá mà một số loại trái cây như mận, ổi cũng chịu chung số phận. Giá ổi Đài Loan tại vườn chỉ còn 2 - 3 ngàn đồng/kg, giảm 9 - 10 ngàn đồng/kg so với trước đây một tháng. Với mức giá này, nhà vườn không những bị lỗ công mà lỗ cả vốn. Lo lắng của nhà vườn càng chất chồng khi nhiều vựa tuyên bố không tiêu thụ hàng nữa do không có đầu ra.
Nhiều hộ trồng ổi Đài Loan ở huyện Châu Thành, Cao Lãnh đang lao đao vì ổi đến lứa hái nhưng thương lái thì bặt tăm. Anh Nguyễn Trung Nhân ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tâm sự: “Do phải tốn tiền thuê nhân công bao trái nên chi phí giá thành 1kg ổi mất 4 ngàn đồng. Trước đây bán với giá 14 ngàn đồng/kg vẫn còn lãi cao, giờ giá ổi chỉ còn 3 ngàn đồng/kg thì còn gì lợi nhuận. Chưa kể mấy ngày nay, lái không mua, ổi chín rụng đầy vườn tôi phải mang cho cá ăn”.
Hiện tại, một số giống ổi truyền thống như ổi xá lỵ được trồng ở huyện Cao Lãnh và Châu Thành còn thê thảm hơn với giá cầm cự từ 800 - 900 đồng/kg nhưng rất ít người mua. Anh Nguyễn Hữu Thanh ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành trong tâm trạng não nề nói: “Giá ổi chưa tới 1 ngàn đồng/kg nhưng đem ra chợ bán chẳng ai thèm ngó”.
Related news
Tại huyện miền núi Sơn Hòa có hơn 11.800ha mía, do thời tiết nắng hạn kéo dài nên có hơn 70ha mía bị cháy và hơn 3.920ha mía khô héo.
Sau 1 tháng gà bị cầm chuồng, trong giai đoạn tăng trưởng này, mỗi ngày đàn gà 8.200 con “ngốn” mất 10 triệu đồng tiền thức ăn. Vị chi qua 1 tháng cầm chuồng, người nuôi đã mất thêm 300 triệu đồng tiền thức ăn.
Thời gian qua, mặc dù ngành chuyên môn đã tăng cường nhiều biện pháp phòng, chống nhưng tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn huyện Năm Căn (Cà Mau). Tác nhân gây hại chủ yếu là virus đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, tổng diện tích thả nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh trong tỉnh Bến Tre là 882ha, diện tích bị thiệt hại là 143ha. Tôm chết giai đoạn từ 30-35 ngày tuổi, do bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, tập trung tại các xã: Định Trung, Đại Hòa Lộc và các địa phương nuôi ngoài vùng qui hoạch, như: Thới Lai, Phú Vang, Lộc Thuận (Bình Đại).
Thời gian qua dù cơ quan chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra xử lý, nhưng nhiều hộ chăn nuôi cá bè trên sông Cái (thuộc nhánh sông Đồng Nai) vẫn lén lút nhập nguồn thức ăn cho cá là nội tạng gia súc, gia cầm, trong đó có hàng trăm ký lòng gà, lòng vịt.