Đông Thạnh gắng sức về đích đúng hẹn

Ông Nguyễn Phước Thảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, bộ mặt nông thôn xã Đông Thạnh đã đổi thay hẳn: cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng được nhu cầu sản xuất và dân sinh; sản xuất phát triển góp phần đưa thu nhập hộ tăng cao, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, ngày càng hưởng thụ nhiều hơn về nét đẹp văn hóa làng quê với môi trường xanh, sạch; quy chế dân chủ cơ sở được mở rộng. Chính vì vậy, toàn Đảng, toàn dân địa phương đã quyết tâm gìn giữ, nâng chất những gì đạt được để nông thôn xã Đông Thạnh ngày một tươi sáng hơn.
Quá trình xây dựng NTM ở xã Đông Thạnh đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mang về nguồn thu nhập cao, giúp cho đời sống người dân ngày một khấm khá. Đáng kể phải nói đến mô hình trồng chanh không hạt. Tính đến nay, toàn xã đã phát triển được 350ha chanh không hạt.
Trong đó, có khoảng hơn 30% vườn đã cho trái, mang thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, mô hình trồng cam sành cũng phát triển với trên 337ha, quýt tiều hơn 10ha. Ông Nguyễn Văn Chiến, thành viên Hợp tác xã Thạnh Phước, nói: “Từ hồi xây dựng xã NTM tới giờ, đường sá thông thương, lưu thông thuận tiện nên công việc làm vườn của bà con phất lên hẳn. Đường lộ nông thôn không còn lầy lội, xe thu mua có thể đến tận vườn thu hái trái, nông dân khỏe hẳn trong khâu thu hoạch trái cây”.
Với thế mạnh là kinh tế vườn, Ban quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (BQL) xã luôn chú tâm phát huy lợi thế này. Năm qua, xã đã kết hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ hơn 30.000 cây chanh không hạt và hướng dẫn bà con cải tạo 20ha vườn cây ăn trái kém hiệu quả.
Cán bộ kỹ thuật xã Đông Thạnh Đinh Quang Tuấn cho hay: “Quyết tâm nâng chất các tiêu chí NTM, giúp người dân phát triển từ kinh tế vườn, BQL xã chỉ đạo 2 thành viên tổ kỹ thuật xây dựng kế hoạch vùng chuyên canh (mô hình mẫu) cây ăn trái quy mô 40ha tại ấp Thạnh Thuận. Đồng thời, vận động nhân dân cải tạo vườn cây ăn trái kém hiệu quả trồng những loại cây có giá trị với 96.000 cây các loại. Từ việc làm này, nhiều bà con phấn khởi vì có cơ hội phát triển ngay trên chính mảnh đất của mình”.
Các mô hình nở rộ, người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã để cùng nhau tiến bộ. Năm qua, 10 hợp tác xã, tổ hợp tác của xã được đánh giá phân loại tốt do hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Từ cách làm này mà tỷ lệ hộ nghèo của xã bị đẩy lùi xuống mức thấp với 4,2%, thu nhập trung bình của người dân tăng lên mức 25,63 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù đạt được kết quả khả quan nhưng theo BQL xã, quá trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều khó khăn. Hiện tại, xã còn 2 tiêu chí chưa đạt. Đó là tiêu chí số 5 (trường học) và số 6 (cơ sở vật chất văn hóa). Nút thắt lớn khiến 2 tiêu chí này bị cản trở trên con đường về đích là nguồn vốn chưa phân bổ đủ để địa phương xúc tiến công trình.
Ông Thảo cho biết thêm: Xã còn 3 nhà văn hóa ấp chưa xây xong, cần khoảng 6 tỉ đồng xây dựng trụ sở mới hoàn thành tiêu chí số 6. Xã đã thực hiện xong phần giải phóng mặt bằng, tham mưu UBND huyện bố trí vốn. UBND huyện cũng đã có phương án là tìm nguồn kinh phí thực hiện công trình trước và bố trí vốn trả chậm trong năm 2016.
Cái khó lớn nhất của địa phương vẫn là tiêu chí số 5. Trong số 4 trường học của xã thì có đến 2 điểm đang thi công, 1 điểm chưa được xây dựng. Đáng ngại nhất là Trường Tiểu học Đông Thạnh 1 chỉ mới thi công được gần 50%. Tất cả nguồn vốn đều trông chờ vào sự đầu tư từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng đã có động thái để nhanh chóng rót vốn, giúp trường kịp hoàn thành tiến độ, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong quý III năm nay.
Ông Nguyễn Phước Thảo, Chủ tịch UBND xã, bộc bạch: “Để đạt chuẩn NTM trong năm nay, xã rất cần được cấp trên, các sở, ngành hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện tiêu chí xây dựng trường học và nhà văn hóa xã. Nếu được hỗ trợ thêm, Đông Thạnh có niềm tin sẽ về đích đúng hẹn”.
Related news

Những năm gần đây, khi nguồn ếch đồng ngày càng khan hiếm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã mở trại sản xuất ếch giống và nuôi ếch thịt để cung cấp cho thị trường. Thực tế thấy, mô hình này đang mang lại hiệu quả kinh tế cao và có xu hướng ngày càng mở rộng.

Gần 2 năm nay giá nghêu giống quá thấp, nên ông Trần Văn Vinh (Bảy Vinh), ấp Cầu Muống, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang có ý tưởng tận dụng trang thiết bị có sẵn ở trại sản xuất nghêu giống để nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường tuy đã được các địa phương quan tâm thực hiện song kết quả chưa cao. Để nâng cao tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường, nhiệm vụ đặt ra cho các ban ngành, cơ quan là cần có nhiều giải pháp, mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn có tính khả thi như VAC (vườn, ao, chuồng).

Người dân ở các vùng được qui hoạch ngọt hóa ở một số xã tại Bình Đại, Ba Tri (Bến Tre) trong hơn một năm qua đã “lén lút” đào ao nuôi tôm nước mặn vì lợi nhuận từ con tôm quá mạnh mẽ. Dù chính quyền địa phương kiểm soát gắt gao nhưng họ vẫn làm cho bằng được, không ngại khó khăn, tốn kém, cản trở…

Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) nhiều gia đình đã lựa chọn mô hình nuôi ngan đen để phát triển kinh tế. Đây được đánh giá là nghề hái ra tiền bởi chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất khả quan.